Đây là lần đầu tiên một công cụ đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp được ra mắt và áp dụng tại Việt Nam.

Ra mắt công cụ 'đo độ liêm chính' của doanh nghiệp tại Việt Nam

Tuyết Nhung | 21/09/2022, 18:46

Đây là lần đầu tiên một công cụ đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp được ra mắt và áp dụng tại Việt Nam.

Ngày 21.9, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã ra mắt Chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII).

Chỉ số được xây dựng dựa trên 7 yếu tố cần thiết, bao gồm: văn hóa (cam kết từ lãnh đạo, quản lý, nhân viên, đào tạo); quy tắc ứng xử, kiểm soát, giao tiếp, ứng xử (nhân viên và bình đẳng giới/bao trùm, cộng đồng, xã hội, môi trường và phát triển bền vững); tuân thủ và chứng nhận đạt chuẩn. Đây là lần đầu tiên một công cụ đánh giá mức độ thực hiện liêm chính trong kinh doanh của các doanh nghiệp được ra mắt và áp dụng tại Việt Nam.

Chỉ số này dành cho các doanh nghiệp ở Việt Nam thuộc mọi quy mô, hình thức sở hữu, lĩnh vực và cơ cấu, công ty niêm yết, công ty tư nhân trong nước, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hay công ty có vốn Nhà nước. Bất kỳ doanh nghiệp nào quan tâm đến kinh doanh liêm chính và coi tính liêm chính trong kinh doanh là nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển của doanh nghiệp đều có thể sử dụng chỉ số này.

VBII được xây dựng dưới sự hỗ trợ của dự án FairBiz, một sáng kiến cấp khu vực của UNDP do Chính phủ Vương quốc Anh tài trợ, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế ASEAN, nhằm thúc đẩy một môi trường kinh doanh công bằng ở 6 quốc gia ASEAN (Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự liêm chính là những yếu tố chính để xác định quản trị tốt và khẳng định sự tồn tại của môi trường kinh doanh công bằng ở bất kỳ quốc gia nào. Trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19, ngày càng nhiều nhà đầu tư và người tiêu dùng quan tâm đến tầm quan trọng của quản trị tốt. Điều này được phản ánh trong việc các Chính phủ và sàn giao dịch chứng khoán khuyến khích doanh nghiệp báo cáo về hoạt động phi tài chính của họ.

Để Việt Nam tiếp tục thu hút được các khoản đầu tư có chất lượng và nâng cao mức độ minh bạch là rất quan trọng. Ứng xử của các doanh nghiệp có thể là một yếu tố có tác động tích cực hoặc tiêu cực tới mức độ tham nhũng trong nước.

Phó đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) - ông Patrick Haverman cho biết, liêm chính trong kinh doanh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện. Để tạo ra sự liêm chính, môi trường làm việc, người lao động, chuỗi cung ứng, các cơ quan Chính phủ, người tiêu dùng, cộng đồng với tư cách là các bên liên quan phải được tôn trọng.

Các doanh nghiệp cần đạt được lợi nhuận bằng cách cải thiện môi trường hoạt động và đáp ứng các kỳ vọng tối thiểu của các bên liên quan. Khi quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư, các công ty quốc tế sẽ xem sự tôn trọng của các quốc gia đối với hành vi kinh doanh có trách nhiệm, quản trị tốt và pháp quyền là những yếu tố quan trọng.

Bài liên quan
Trái phiếu doanh nghiệp: Việc xếp hạng tín nhiệm DN là bình thường nhưng lại là 'vấn đề' ở Việt Nam
“Việc xếp hạng tín nhiệm là bình thường tôi không hiểu tại sao lại là vấn đề của Việt Nam”, ông Don Lambert - Trưởng ban Phát triển Khu vực Kinh tế tư nhân, Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ra mắt công cụ 'đo độ liêm chính' của doanh nghiệp tại Việt Nam