Thủ tướng cho rằng, trong trung hạn nợ xấu là vấn đề lớn còn trong dài hạn thì nợ công là vấn đề rất lớn của Việt Nam. Theo báo chí nêu thì nợ công sát trần cho phép nhưng nếu tính đủ thì có thể đã vượt trần.
Tội phạm núp bóng doanh nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong năm 2016 đã triệt phá hơn 1.000 các băng ổ nhóm tội phạm núp bóng các doanh nghiệp để tập hợp các đối tượng có tiền án, tiền sự thực hiện siết nợ, khai thác khoáng sản, kinh doanh vận tải, can thiệp vào công tác đấu thầu, hoạt động của doanh nghiệp, cướp bóc tài sản, tín dụng đen…
Ngành công an đã phát hiện hơn 18.000 vụ vi phạm trật tự về quản lý kinh tế; 224 vụ phạm tội tham nhũng, xử lý nhiều vụ tham nhũng lớn; gian lận thuế VAT; điều tra xử lý 339.000 vụ buôn lậu; xử lý hơn 17.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, giải quyết bức xúc của người dân về môi trường trên địa bàn; kiểm tra xử lý 19.629 trường hợp vi phạm PCCC, thu về cho ngân sách gần 38 tỉ đồng.
Bộ trưởng nói: “Tôi có đề xuất Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về công tác an ninh kinh tế, chống chệch hướng trong kinh tế. Lần đầu tiên có nghị quyết về vấn đề này để sắp tới triển khai ở các ngành, các cơ quan, địa phương”.
Bộ trưởng Công an cũng kiến nghị chính thức thừa nhận việc di dân để tạo sự ổn định và phát triển.Di dân là vấn đề trên phạm vi quốc tế, nhiều quốc gia phải đối mặt và trong phạm vi quốc gia chúng ta cũng nảy sinh các vấn đề dân di cư mà nếu không làm tốt sẽ gây bất ổn trong điều hành, quản lý.
Ví dụ ở Tây Nguyên, trước đây có 1,1 triệu dân nhưng bây giờ đã tăng lên 5,5 triệu. Nhiều địa phương dân lao độngdi cư từnơi khác đến còn đông hơn dân tại chỗ, gây khó khăn cho việc quản lý, tạo xung đột xã hội, gây mất ổn định xã hội. Hơn nữa, trong điều hành kinh tế - xã hội những chỉ số vẫn như cũ thì sẽ ảnh hưởng đến định hướng phát triển chung và ổn định trong nhân dân.
Gian lận xăng dầu rất lớn, rất phổ biến
Báo cáo tại hội nghị, Bộtrưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thu ngân sách đến thời điểm này đạt 100,7% dự toán, riêng ngân sách địa phương vượt 15%, dự tính đến hết năm vượt khoảng 70.000 tỉ đồng. Đây là kết quả rất đáng mừng bởi thời gian trướcnhiều dự báo cho rằng việc thu ngân sách sẽ không đạt.
Theo Bộ trưởng, trong chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá trốn thuế… Bộ đãthực hiện nhiều biện pháp như phong tỏa tài khoản, công khai doanh nghiệp nợ thuế, tăng cường kiểm tra với gần 82.000 DN kiến nghị tăng thu 14.500 tỉ đồng, đến nay thu được 9.200 tỉ; phạt 607 tỉ các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế; tăng thu khoảng 2.000 tỉ đồng; thu 6.600 tỉ đồng theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước…
Bô trưởng Tài chính cũng cho biết gian lận xăng dầu trong nước rất lớn, rất phổ biến. Trong công tác đấu tranh với gian lận xăng, dầu, ngành tài chính đã tăng số doanh thu nộp thuế xăng dầu lên 30%.
Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành, công tác 1 cửa quốc gia, Bộ Tài chính đã rà soát, bãi bỏ 92 thủ tục hành chính; triển khai khai thuế điện tử đến 100% chi cục thuế.
“Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong thời gian thông quan thì thủ tục của hải quan chiếm 28%, kiểm tra chuyên ngành chiếm 72%. Vì vậy khâu đột phá là kiểm tra chuyên ngành. Hiện việc kiểm tra chuyên ngành đang thực hiện theo 22 luật, 253 thông tư, quy định của các bộ. Để rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành chúng ta phải sửa đổi, bổ sung 87 văn bản nhưng mới làm được 24 văn bản. Nếu không sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành sẽ rất khó giảm thời gian thông quan hàng hóa”,Bộtrưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng cho biết trong thời gian qua đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, không làm thị trường biến động mạnh. Đồng Việt Nam mất giá chỉ khoảng 1%, thanh khoản được đảm bảo.
Về tăng trưởng tín dụng, năm 2016 đạt khoảng 18,5% đảm bảo mục tiêu đề ra. Tăng trưởng dàn đều trong các tháng, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Chất lượng tín dụng được nâng lên. Rủi ro được nhận diện và có biện pháp bảo đảm an toàn...
Giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường cho bà con gặp sự cố môi trường biển ở các tỉnh miền Trung để bà con phấn khởi ăn Tết. Yêu cầu Bộ TNMT giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để bảo đảm sản xuất an toàn.
Đồng thời, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục thanh tra, kiểm tra, điều tra làm rõ vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ; trong lĩnh vực khai thác tài nguyên (nhất là nạn cát tặc, khai thác vàng trái phép, phá rừng); đề nghị đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm thường xảy ra trong dịp tết.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ GTVT tiến hành rà soát lại tổng thể quy hoạch hệ thống Cảng hàng không của Việt Nam (hiện đa số các sân bay đã quá tải). Phối hợp với Bộ Quốc phòng tập trung sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể, nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất (xây thêm đường lăn, nhà ga...); hoàn thành dự án khả thi sân bay Long Thành.
Phát biểu tổng kết, Thủ tướng nêu ra những khó khăn lớn nhất của đất nước đang phải đối mặt, đó là nợ công sát trần cho phép và nếu tính đủ thì có thể đã vượt trần. Trong trung hạn thì nợ xấu là vấn đềlớn, trong dài hạn thì nợ công là vấn đề rất lớn của Việt Nam; việc thoái vốn, cổ phần hóa đạt thấp, năng lực cạnh tranh, hiệu quả điều hành chưa cao, kỷ luật kỷ cương còn chưa nghiêm…
Thủ tướng nhấn mạnh: “Có sai phạm cần phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu, xử lý cả người tham mưu. Biết bao vụ làm sai mà không xử lý, tham mưu sai, bắt tay với tham nhũng, lợi hưởng hết còn hậu quả để lại cho nhà nước”.
Thủ tướng lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ ngành, địa phương, đẩy mạnh tái cơ cấu, công khai ngân sách, "tiết kiệm từng đồng bạc của dân", chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, kiên quyết chống lợi ích nhóm... với tinh thần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sáng tạo, xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Phải gỡ 4 nút thắt trong nông nghiệp
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:
"Năm 2017 phải tập trung tháo bằng được 4 nút thắt sản xuất nông nghiệp gồm: Tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp; chuyển 500.000 - 700.000 ha đất lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản; chính sách huy động doanh nghiệp vào khu vực nông nghiệp, triển khai hiệu quả gói tín dụng 60.000 tỉ phát triển nông nghiệp công nghệ cao...".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
"Cần tập trung tháo gỡ chính sách cản trở sự phát triển. Cụ thể là chính sách nào trong thẩm quyền bộ, ngành, địa phương thì tháo gỡ ngay, còn chính sách gì ở cấp cao hơn thì phải kiến nghị để Thủ tướng, Quốc hội tháo gỡ.
Ví dụ như điều 193 trong Luật Đất đai cần nhanh chóng giải quyết để có thể tích tụ ruộng đất, mở nút thắt cho phát triển nông nghiệp, đừng để biết vướng mắc rồi mà không giải quyết".