Thủ tướng mới nhậm chức của Nhật tin rằng năng lượng hạt nhân nên được coi là một lựa chọn năng lượng sạch.

Thủ tướng mới nhậm chức của Nhật muốn theo đuổi năng lượng hạt nhân

Anh Tú | 04/10/2021, 16:15

Thủ tướng mới nhậm chức của Nhật tin rằng năng lượng hạt nhân nên được coi là một lựa chọn năng lượng sạch.

Ông Fumio Kishida đã nhậm chức tân Thủ tướng Nhật Bản vào hôm nay 4.10 với nhiệm vụ dẫn dắt nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi đại dịch coronavirus.

Ông Kishida, 64 tuổi, người được bầu làm lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào tuần trước, đã chính thức được xác nhận là Thủ tướng thứ 100 của Nhật sau một cuộc bỏ phiếu của quốc hội - do LDP chiếm đa số ở hạ viện.

Sau cuộc bỏ phiếu, Kishida đã công bố Nội các mới của mình, gồm nhiều đồng minh của cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Trong số 20 thành viên, 13 người chưa từng có ghế trong Nội các, 3 người là phụ nữ và độ tuổi trung bình là 61.

Là một người theo chủ nghĩa tự do ôn hòa, Kishida phải điều hành một Nhật Bản đang bị dịch COVID-19 hoành hành, nền kinh tế trì trệ, dân số già nhanh và căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Kishida từng giữ chức ngoại trưởng Nhật từ năm 2012 đến năm 2017 dưới thời Abe Shinzo, Thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Nhật Bản. Ông kế nhiệm Yoshihide Suga, người đã tuyên bố rút lui vào đầu tháng này khi không tham gia cuộc bầu cử lãnh đạo đảng LDP sau một nhiệm kỳ đầy biến động. Sự ủng hộ của công chúng với Suga sụt giảm do chính sách kiểm soát coronavirus.

Các nhà phân tích cho rằng Kishida được xem như một người xây dựng sự đồng thuận, một sự lựa chọn đại diện cho xây dựng sự ổn định. Phép thử lớn đầu tiên của Kishida sẽ là cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, mà ông sẽ trở thành gương mặt đại diện cho một đảng bị chỉ trích vì cách xử lý đại dịch dưới thời Suga.

Những gì mong đợi từ chính quyền của Kishida?

Kishida đã hứa hẹn về một "chủ nghĩa tư bản mới" gồm thu hẹp khoảng cách thu nhập và thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng. Ông cho biết các chính sách kinh tế cùng tên của Abe - được gọi là "Abenomics" - đã không thể "nhỏ giọt" từ người giàu sang người nghèo. Ông cũng đã đề xuất một gói phục hồi khổng lồ trị giá "vài chục nghìn tỉ yên" để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng lao dốc do đại dịch gây ra.

Keith Henry, chủ tịch của công ty tư vấn kinh doanh và rủi ro chính trị Chiến lược châu Á phân tích: “Một cảm giác sâu sắc trong người dân Nhật Bản rằng khoảng cách giữa những người có và không có, khoảng cách giữa giàu có, tiền lương và cơ hội đang bị nới rộng.

Kishida cũng sẽ phải đối phó với đại dịch coronavirus Nhật Bản đã tiêm chủng cho 60% dân số nước này chống lại COVID-19, và tuần trước, nước này đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca nhiễm giảm. Các hạn chế xã hội và kinh doanh đang dần được nới lỏng và Nhật Bản cũng đã nới các hạn chế nhập cảnh đối với một số du khách. Nhưng có những lo ngại rằng vi rút có thể bùng phát trở lại trong những tháng mùa đông.

Chính sách nào với Trung Quốc?

Về chính sách đối ngoại, Kishida đã cam kết "hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Người tiền nhiệm Suga đã tham dự cuộc họp trực tiếp đầu tiên của "Bộ tứ", một diễn đàn chiến lược không chính thức của Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ vào tháng trước. Kishida dự kiến ​​sẽ ủng hộ một liên minh mạnh mẽ với Mỹ và các đồng minh khác.

Một bài toán nan giải khác mà ông phải đối mặt là cân bằng mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa Nhật Bản với Trung Quốc trong khi phải giải quyết lo ngại về sự quyết đoán quân sự trong khu vực ngày càng tăng của Bắc Kinh. Kishida cũng phải đối mặt với một Triều Tiên ngày càng cứng rắn.

Thủ tướng mới của Nhật cho biết ông cũng muốn thực hiện các biện pháp cải thiện tỷ lệ sinh đang giảm của Nhật và tin rằng năng lượng hạt nhân nên được coi là một lựa chọn năng lượng sạch.

Các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Kishida sẽ là một nhà lãnh đạo lâu dài hay liệu Nhật Bản sẽ quay trở lại thời kỳ bất ổn chính trị tương tự như thời kỳ tiền Abe, giai đoạn Nhật Bản trải qua 6 đời thủ tướng trong 6 năm.

Takeshi Niinami, cố vấn kinh tế của cựu Thủ tướng Suga phân tích: “Có rất nhiều vấn đề phức tạp. Và Kishida không phải là nhà lãnh đạo số 1 trong đảng cầm quyền LDP. Vì vậy, tôi rất lo lắng về hệ thống thủ tướng quay vòng”.

Ngay chiều nay, Nhà Xanh của Hàn Quốc cho biết Tổng thống Hàn Quốc đã gửi thư chúc mừng tới Kishida, bày tỏ hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ phát triển mối quan hệ Hàn-Nhật và hợp tác như các nước láng giềng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng mới nhậm chức của Nhật muốn theo đuổi năng lượng hạt nhân