Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tôi đề nghị chúng ta phục vụ dân, không phải dân nộp thuế để chúng ta muốn làm gì thì làm".

Thủ tướng: Dân nộp thuế không phải để chúng ta muốn làm gì thì làm

VOV | 17/08/2016, 21:14

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Tôi đề nghị chúng ta phục vụ dân, không phải dân nộp thuế để chúng ta muốn làm gì thì làm".

Phát biểu với đại diện 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2015 diễn ra sáng 17.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khâu yếu nhất là công tác cán bộ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Đảng ta đã nhận diện về bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả; vẫn còn tình trạng cán bộ công chức không làm gương, còn nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu, không sát dân, không phục vụ sự phát triển. Chính vì vậy Đảng ta đặt vấn đề phải cải cách hành chính một cách mạnh mẽ, bao gồm cả bộ máy, cán bộ, công chức, kể cả phương pháp, điều kiện cụ thể để cải cách.

Nêu rõ khâu yếu nhất trong cải cách hành chính là công tác cán bộ, Thủ tướng cho rằng, bộ máy chính quyền các cấp của chúng ta tuy “đông” nhưng “chưa mạnh”. Do đó, nếu không cải cách, đổi mới thì chúng ta tự thụt lùi, tự thui chột, tự lạc hậu.

Trong nhiều biện pháp nêu ra để cải cách hành chính thành công, Thủ tướng có nhấn mạnh đến giải pháp con người trong bộ máy công quyền, có đức, có tài và biết quán xuyến giải quyết công việc thuộc ngành và địa bàn mình quản lý để phục vụ nhân dân tốt nhất.

“Những biện pháp cần thực hiện trong thời gian tới, trước hết là giải pháp về con người, cán bộ phải giỏi nghiệp vụ, có đạo đức để phục nhân dân. Tất cả những công việc có liên quan đến công việc của địa bàn, của ngành mình thì phải quán xuyến phục vụ nhân dân phụcvụ phát triển là rất quan trọng. Để làm được điều đó, việc thi tuyển công chức để chọn người có tài, chọn người có đức vào bộ máy rất quan trọng”, Thủ tướng nêu rõ.

Để cải cách hành chính đi vào chiều sâu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương. Coi cải cách hành chính là nhiệm vụ nặng nề, nhưng phải làm để phát triển đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh lại quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Dù đánh giá công việc này không dễ dàng, vì bản chất là thay đổi căn bản phương pháp quản lý, lề lối, tác phong và ý thức của từng cá nhân trong bộ máy công quyền, song Thủ tướng yêu cầu, từng cán bộ công chức và hệ thống chính trị phải hành động quyết liệt. Còn nếu “chùn tay, nản chí” thì không cải cách được.

Thủ tướng yêu cầu, từng cán bộ công chức và hệ thống chính trị phải hành động quyết liệt để cải cách hành chính

Trong đó, Thủ tướng giải nghĩa rõ hàm ý của từ “Chính phủ kiến tạo”, đó là xây dựng thể chế pháp lý, kịp thời phản ứng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để huy động và huy động mọi nguồn lực, phục vụ cho sự phát triển. Chính phủ và các cơ quan hành chính phải là “bà đỡ”, đồng hành cùng DN và người dân.

Cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người, Thủ tướng cho rằng cán bộ công chức phải giữ gìn bản thân, liêm khiết, trong sạch. Nếu thấy việc ích nước lợi dân thì phải kiên quyết làm. Sự liêm chính đó không chỉ ở cấp Trung ương mà ở từng cán bộ cấp tỉnh, huyện và hơn 11.000 xã, thị trấn. Cùng với đó là tiếp tục tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công để giảm số người hưởng lương từ ngân sách.

Nêu lên việc bộ máy Nhà nước hoạt động bằng tiền thuế của dân, Thủ tướng cho rằng, các cấp chính quyền phải phục vụ người dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo, đánh giá mọi cơ chế, chính sách được ban hành.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Chính phủ phục vụ không phải Chính phủ hưởng thụ. Tôi đề nghị chúng ta phục vụ dân, không phải dân nộp thuế để chúng ta muốn làm gì thì làm; phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công, làm sao từng đồng tiền thuế của dân đều phải sử dụng một cách hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của xã hội. Mọi khoản chi tiêu công do ngân sách Nhà nước cấp phải đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch. Chúng ta không thể vô trách nhiệm trước đồng tiền hạt gạo của dân. Nhân đây, tôi yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tiết kiệm, chống lãng phí. Mọi việc bớt hình thức, bớt xe cộ, bớt đón tiếp cấp trên một cách rầm rộ, bớt đi nước ngoài không hiệu quả”.

Tại Hội nghị, Bộ Nội vụ đã công bố chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của các bộ, các tỉnh. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đứng vị trí thứ nhất, với chỉ số là 89,42%; tiếp đố là Bộ Tài chính, Bộ giao thông Vận tải. Các bộ có chỉ số thấp nhất là Bộ Khoa học và Công nghệ xếp thứ 17; Bộ Công thương xếp thứ 18 và Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ 19.

Đối với xếp hạng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì Đà Nẵng được xếp đầu tiên với 93,31%; tiếp đó là Hải Phòng, Đồng Nai, Thừa Thiên Huế. 3 tỉnh có chỉ số thấp nhất là Kon Tum xếp thứ 61; Cao Bằng xếp thứ 62 và Điện Biên xếp thứ 63.

Vũ Dũng/VOV
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Dân nộp thuế không phải để chúng ta muốn làm gì thì làm