Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế khá trầm trọng và trải dài trong cả hệ thống khám chữa bệnh, từ đơn vị thuộc Bộ cho tới các cơ sở tuyến huyện, tuyến xã.

Thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng, người bệnh chịu thiệt thòi nhất

Lam Thanh | 12/08/2022, 15:05

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế khá trầm trọng và trải dài trong cả hệ thống khám chữa bệnh, từ đơn vị thuộc Bộ cho tới các cơ sở tuyến huyện, tuyến xã.

Thiếu thuốc và vật tư y tế, vì sao?

Tại tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế" diễn ra ngày 12.8, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh Bạch Mai cho biết sau khi dịch COVID-19 kiểm soát tốt, bắt đầu sang quý 2/2022, số lượng bệnh nhân đến với BV Bạch Mai tăng lên đột biến. Hầu hết các chuyên khoa đều tăng đến 5 lần, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc vốn dĩ đã có từ trước, nay thiếu trầm trọng hơn.

Theo ông Cơ, về thiết bị y tế, 15 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện chủ trương xã hội hóa trong công tác y tế. Do vậy hầu hết nhiều thiết bị y tế là liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn và máy liên doanh. Khi các máy, thiết bị này hết hợp đồng liên doanh, liên kết thì dừng hoạt động.

Ngoài ra, khi kiểm tra các hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hoá ở Bệnh viện Bạch Mai cũng phát hiện các vướng mắc về tư pháp. Do vậy, các thiết bị, vật tư y tế không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn về pháp lý để tiếp tục thực hiện.

Từ đó dẫn đến thực trạng các máy móc chẩn đoán, như máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy test CT, các máy kỹ thuật cao như robot phẫu thuật… là những thiết bị hiện đại nhưng vướng vào pháp lý, vướng vào các quy định như hết hợp đồng.

“Những máy này giờ đưa vào hoạt động cũng không phục vụ được người bệnh có bảo hiểm y tế bởi vì vấn đề pháp lý liên quan đến thanh toán bảo hiểm. Cơ quan bảo hiểm hiện tại không thể thanh toán cho người bệnh nếu chúng tôi sử dụng các loại máy này”, ông Cơ nói và cho biết đã có cuộc làm việc chuyên ngành với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tìm các giải pháp sớm đưa các thiết bị này hoạt động trở lại.

Cũng theo ông Cơ, hiện nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm có trong thầu, trúng thầu rồi nhưng các nhà cung cấp, các công ty, đơn vị phân phối không cung cấp được. Thêm vào đó, các công ty được trao thầu, mời thầu thì không chào thầu, không tham gia thầu, bởi lẽ sau hơn 2 năm dịch bệnh, nhiều công ty có sản phẩm thông dụng, phổ biến, thiết yếu đã bị đứt chuỗi và phá sản, không thể cung ứng được.

thuoc.jpg
Tọa đàm "Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế"

Ngoài ra, giá của các mặt hàng này hiện tại so với những giá đã trúng thầu trước đây trong vòng 1 năm qua đã tăng lên rất nhiều. Do vậy các công ty có báo cáo là không thể chào thầu với giá như vậy nữa vì họ sẽ bị lỗ.

“Hiện tại một số văn bản pháp quy, một số thông tư, nghị định không còn cập nhật nữa như Thông tư 14 trong phân loại, mua sắm trang thiết bị vật tư. Khi chúng tôi bắt tay vào làm thì thấy những quy định không mang tính cập nhật nữa, gây khó khăn cho việc mua sắm, đấu thầu”, ông Cơ nói.

Tâm lý e ngại vì nhiều vụ việc bị khởi tố

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng khẳng định tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế là trầm trọng và trải dài trong cả hệ thống khám chữa bệnh, từ các đơn vị trực thuộc Bộ cho tới các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, kể các trạm y tế tuyến xã.

“Việc thiếu thuốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, ảnh hưởng đến công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh, vì khi thiếu thuốc bảo hiểm y tế thì đã có chỉ định của bác sĩ, người bệnh, hoặc thân nhân người bệnh ấy sẽ phải bỏ tiền túi của mình ra để mua thuốc ở ngoài”, ông Quang nói.

Về nguyên nhân, ông Quang bổ sung thêm việc thiếu nguồn cung ứng dược liệu từ Trung Quốc về. Lý do là Trung Quốc thực hiện phương thức chống dịch là "Zero COVID" nên đóng cửa biên giới, khiến tất cả nguồn dược liệu của chúng ta hiện nay đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là gia hạn cấp GMP đối với các dược liệu, nguyên liệu để làm thuốc.

Đề cập tới nguyên nhân chủ quan, ông Quang cho biết tình trạng cơ chế pháp lý của Việt Nam đang còn những tồn tại. Đây là một nguyên nhân rất chủ yếu mà nếu chúng ta tháo gỡ được thì sẽ giải quyết được tình trạng này.

“Thể chế của chúng ta chưa rõ ràng, chưa minh bạch dẫn tới là các đơn vị tham gia đấu thầu, kể cả Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Cái này cũng tác động bởi các cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra. Hiện nay đang khởi tố rất nhiều dự án nên người ta có tâm lý e ngại”, ông Quang nói.

Nguyên nhân nữa là năng lực tham gia thực hiện công tác đấu thầu cả từ Trung ương cho đến cấp tuyến sở và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng có những hạn chế nhất định.

Theo ông Quang, cần phải có những người có kinh nghiệm, am hiểu về trang thiết bị, am hiểu về vật tư y tế, am hiểu về thuốc, am hiểu về các quy định của pháp luật về đấu thầu. Hiện nay cũng có những cái thiếu mà không phải trong thời gian một sớm một chiều chúng ta có thể khắc phục được.

Vấn đề tiếp theo là các doanh nghiệp cung ứng hiện nay không tham gia đấu thầu vì người ta không có lợi nhuận trong đó. Do giá thuốc tăng cao nhưng hồ sơ mời thầu, tiêu chí mời thầu giá lại thấp hơn nên người ta không thể tham gia được.

Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác, ví dụ như vấn đề gia hạn, cấp số đăng ký cũng chậm, vấn đề tham gia đấu thầu tập trung quốc gia, vấn đề đàm phán thuốc quốc gia cũng có những hạn chế nên ảnh hưởng tới nguồn cung…

“Nếu chúng ta phân tích được rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan như vậy thì mới có được các giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và thiếu trang thiết bị y tế hiện nay”, ông Quang nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu thuốc, vật tư y tế trầm trọng, người bệnh chịu thiệt thòi nhất