Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, thiên tai ở miền Trung đã làm 192 người chết và 57 người mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng 30.000 tỉ đồng.

Thiên tai miền Trung khiến 192 người chết, thiệt hại khoảng 30.000 tỉ đồng

Lam Thanh | 02/12/2020, 13:01

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, thiên tai ở miền Trung đã làm 192 người chết và 57 người mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng 30.000 tỉ đồng.

Thiệt hại 30.000 tỉ đồng

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 2.12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết từ giữa tháng 9 đến trung tuần tháng 11 năm 2020, miền Trung liên tiếp xảy ra thiên tai có tính dị thường, 9 cơn bão và 2 áp thấp, trong đó có cơn bão số 9 (26-28 tháng 10) là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua vào khu vực này.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu - Ảnh: VGP

Cùng với đó, mưa lớn dị thường với tổng lượng nhiều điểm trên 3000 mm, cá biệt có những điểm 4526 mm (A Lưới - Thừa Thiên-Huế). 16 lưu vực toàn vùng đồng loạt trên báo động số 3, trong đó có 6 lưu vực vượt mức lịch sử, riêng Kiến Giang (Quảng Bình) vượt 1 m so với lịch sử, gây hậu quả nặng nề. Ngập lụt toàn vùng hạ du và sạt lở đặc biệt nghiêm trọng toàn tuyến đồi núi.

Do tính chất phức tạp, khốc liệt của thiên tai, thời tiết khó lường, đặc biệt là mưa lũ với cường độ rất lớn, tập trung kéo dài nhiều ngày, vượt quá mức dự báo, cảnh báo nên đã gây thiệt hại nặng nề. Cụ thể, đã có 249 người chết, mất tích; trong đó, 192 người chết và 57 người vẫn đang còn mất tích. Riêng bão đã làm 25 người, lũ là 78 người, sạt lở đất là 112 và thiên tai khác là 34 người chết và mất tích. Có 1.531 ngôi nhà bị sập; 239.340 nhà bị hư hại, tốc mái và hơn 473.450 lượt nhà bị ngập nước.

Về nông nghiệp, hơn 49.930 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hơn 25,6 triệu cây giống trong vườn ươm bị gẫy, chết; tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng là 149.000 ha; 42.700 con gia súc và hơn 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi.

Về giáo dục, y tế, 1.529 trường và 104 điểm trường bị ngập nước; nhiều thiết bị dạy học, sách vở, đồ dùng học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng; 459 cơ sở y tế bị ngập, gây hư hỏng và không còn hoặc giảm khả năng thu dung điều trị.

Bên cạnh đó, 165 km đê biển, cửa sông bị sạt lở; 45,9 km kè bị hư hỏng; 88 điểm bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài là 141 km; 745 km kênh mương thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 1.013 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 3,5 triệu m3; 3.475 cột điện bị gãy đổ, 78 km dây điện bị đứt, 40 trạm biến thế bị hư hỏng.

“Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh khác bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 30.000 tỉ đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Bố trí nơi ở cho 1.531 hộ dân có nhà sập

Về kết quả khắc phục bước đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165 về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng do thiên tai gây ra, trong đó hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn.

Hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ có nhà bị hư hỏng nặng. Đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỉ đồng và xuất cấp 15.804 tấn gạo; 20 xuồng cao tốc, 384 nhà bạt, 23.146 phao cứu sinh các loại và nhiều trang thiết bị khác để hỗ trợ các tỉnh bị ảnh hưởng do thiên tai.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ đã vận động, quyên góp được 560 tỉ đồng và nhiều hiện vật thiết yếu. Nhân dân cả nước, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đều hướng về miền Trung ruột thịt với nhiều phong trào ủng hộ thiết thực, hiệu quả đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng và nhu yếu phẩm, dụng cụ sinh hoạt.

Khắc phục khẩn cấp các công trình đê điều, chống sạt lở bị thiệt hại do bão, mưa lũ; công trình thủy lợi nội đồng bị hư hỏng, bảo đảm việc phân phối, tưới nước đến mặt ruộng phục vụ sản xuất; huy động lực lượng các viện, trường, các nhà khoa học, các cơ quan quản lý trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương theo 4 nhóm lớn: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và khôi phục hạ tầng sản xuất nông nghiệp.

Các lực lượng quân đội, công an đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, lực lượng tại chỗ trên địa bàn tập trung lực lượng, phương tiện cứu dân, chăm sóc người bị thương và đưa đến nơi an toàn; tích cực tìm kiếm những nạn nhân bị chết, mất tích; cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho hàng nghìn người dân, công nhân lao động ở khu vực bị chia cắt; giúp các địa phương khôi phục sản xuất.

Tất cả các trường, điểm trường, cơ sở y tế bị ngập nước đã khôi phục hoàn toàn, dọn dẹp vệ sinh ngay sau khi lũ rút, đồng thời bổ sung nhiều thiết bị dạy học, sách vở, đồ dùng học sinh để đón học sinh quay lại trường học. Đã cơ bản bảo đảm tất cả học sinh vùng lũ có sách, vở đến trường; các cơ sở y tế, trang thiết bị khám chữa bệnh đã được khắc phục bước đầu để kịp thời khám chữa bệnh cho nhân dân.

Đến nay, tất cả các tuyến giao thông chính đã được thông xe, bước đầu đáp ứng các yêu cầu về thông tuyến, bảo đảm an toàn giao thông. Tất cả các cột điện bị gãy đổ, dây điện bị đứt, trạm biến thế bị hư hỏng đều đã được khắc phục và cấp điện trở lại.

Đến nay, tất cả các nhà bị hư hại, tốc mái, bị ngập đã cơ bản khắc phục xong; riêng 1.531 hộ có nhà sập, trong thời gian xây dựng lại, chính quyền địa phương đã bố trí nơi ăn ở, đồng thời đang xác định các khu vực tái định cư, hoặc bố trí đất ở xen ghép đảm bảo an toàn. Đồng thời, khẩn trương ổn định đời sống nhân dân, tổ chức vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất theo thời vụ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị trước mắt, kiên quyết không để người dân thiếu đói, thiếu nước sinh hoạt, không có nơi ở; tổng hợp đề xuất hỗ trợ khẩn cấp, hướng dẫn thực hiện công tác khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, bảo đảm đủ cây, con giống để gieo và nuôi trồng phục hồi tái sản xuất theo đúng thời vụ. Bố trí lực lượng, phương tiện tiếp tục cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trong mọi tình huống…

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, từ thực tiễn quá trình chỉ đạo, điều hành ứng phó và khắc phục hậu quả đợt bão, mưa lũ vừa qua cần phải có những đánh giá vừa mang tình khẩn cấp trước mắt, vừa bảo đảm phù hợp lâu dài để rút ra một số bài học lớn, cốt lõi; đồng thời, có nghị quyết về công tác khắc phục hậu quả thiên tai để giải quyết một số vấn đề trước mắt cũng như lâu dài đã bộc lộ sau đợt thiên tai vừa qua…

Bài liên quan
WB: Thiên tai có thể 'cuốn sạch' hàng tỉ USD của Việt Nam
Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh tế Việt Nam mỗi năm lên tới 852 triệu USD (tương đương gần 20.000 tỉ đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiên tai miền Trung khiến 192 người chết, thiệt hại khoảng 30.000 tỉ đồng