Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh đã bộc lộ rủi ro, vi phạm lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”.

Thị trường TPDN, bất động sản sau biến động mạnh lại rơi vào nguy cơ đóng băng

Hoài Lam | 09/01/2023, 17:28

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh đã bộc lộ rủi ro, vi phạm lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”.

Chiều 9.1.2023, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa 15.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết với sự nhất trí cao thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và các nghị quyết như: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021…

qh.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Về công tác nhân sự, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ đối với ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang; bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy trình, thủ tục với sự đồng thuận, thống nhất rất cao.

Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2022, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên trong và bên ngoài nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm chỉ tăng 3,15% trong mức chỉ tiêu của Quốc hội; tăng trưởng GDP đạt 8,02%, là mức cao nhất trong 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt 1,804 triệu tỉ đồng, vượt 27,76% so với dự toán và tăng 14,12% so với năm 2021; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỉ USD, xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp…

Chủ tịch Quốc hội cho hay, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Tuy nhiên, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu chưa chấm dứt và hậu quả của đại dịch còn phải khắc phục trong nhiều năm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, xung đột Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhiều nước lạm phát ở mức cao, có dấu hiệu rơi vào đình trệ hoặc suy thoái, buộc phải kéo dài việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, gỗ, điện tử - điện máy… bị thu hẹp, chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý 4/2022 chỉ tăng 3%, giảm mạnh so với mức tăng 10,9% của quý 3/2022. Vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn FDI năm 2022 giảm 19% so với năm trước; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm.

Ngoài ra, những bất cập, hạn chế, yếu kém từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Năng lực hấp thụ vốn, tính thanh khoản của nền kinh tế suy giảm, giải ngân vốn đầu tư công và một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm.

“Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh đã bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn khiêm tốn; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

qh-2.jpg
Quốc hội họp kỳ bất thường

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các cấp, các ngành, đơn vị cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và điều hành; giải quyết những khâu, những mặt còn trì trệ, vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn và dài hạn bằng các giải pháp căn cơ, đồng bộ và có hệ thống.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới…

Trước mắt, cần triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm thực hiện đúng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường TPDN, bất động sản sau biến động mạnh lại rơi vào nguy cơ đóng băng