Dự báo về thị trường bất động sản quý 2/2020, nhiều chuyên gia nhận định tiến độ xây dựng cũng như kế hoạch mở bán tại một số dự án có khả năng bị tác động và trì hoãn. Điều này dẫn đến lượng bán dự kiến thấp hơn so với dự báo trước đây.
Thị trường lao đao bởi dịch COVID-19
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tác động của dịch COVID-19 khiến nhiều chủ đầu tư không thể mở bán dự án mới, điều này ảnh hưởng đến các sàn môi giới. Hiện tại, trong tổng số khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới thì có tới 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm. Chưa kể, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Đây là những sàn còn hàng để bán do vẫn còn hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư, nhưng phải tối thiểu hóa hoạt động để cầm cự.
Đáng chú ý, dịch COVID-19 cũng khiến tồn kho bất động sản tăng cao. Trong số các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có đến 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỉ đồng; 4 tập đoàn có giá trị hàng tồn kho từ 4.200 tỉ đồng đến 7.397 tỉ đồng.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng cho rằng dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng, nhất là khi thị trường bất động sản có vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế.
Cụ thể, khủng hoảng kinh tế tác động trực tiếp đến thu nhập của đại bộ phận người dân, do đó người dân có xu hướng chỉ tập trung chi tiêu cho nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ đời sống và tạm dừng việc mua bất động sản để ở hoặc để đầu tư. Sự sụt giảm về mặt thu nhập khiến khách hàng đã hoặc có ý định sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng để đầu tư vào bất động sản gặp nhiều khó khăn trong quyết định đầu tư. Các doanh nghiệp bất động sản hầu như không có thêm khách hàng ký hợp đồng mới.
Báo cáo toàn cảnh thị trường bất động sản quý 1/2020 của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cũng cho thấy COVID-19 để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến các quyết định của doanh nghiệp trong năm 2020, thậm chí lâu hơn. Một số phân khúc thị trường có dấu hiệu chuyển từ giai đoạn tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng chậm và đối mặt với nhiều thách thức. Với đầu tư bất động sản, xu hướng thận trọng cũng được ưu tiên lên hàng đầu trong mùa dịch.
Còn theo Savills Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực thì du lịch và bất động sản du lịch đang chịu tác động tiêu cực nhất. Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường sẽ còn trì hoãn trong cơn đại dịch
Dự báo về thị trường bất động sản thời gian tới, JLL Việt Nam nói rằng dưới tác động của dịch COVID-19, tiến độ xây dựng cũng như kế hoạch mở bán tại một số dự án có khả năng bị tác động và trì hoãn. Điều này dẫn đến lượng bán dự kiến thấp hơn so với dự báo trước đây. Với tình hình hiện tại, JLL kỳ vọng khoảng 20.000 - 30.000 căn hộ và 1.200 - 2.000 căn nhà liền thổ dự kiến sẽ được mở bán trong năm nay. Tuy nhiên, con số này có thể biến động mạnh và tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới.
Cũng dự báo về khả năng hồi phục thời hậu COVID-19, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng thị trường căn hộ tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục có giao dịch nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao.
Đặc biệt, thị trường đất nền vẫn sẽ là sản phẩm chủ đạo trong quý 2/2020. Đối với bất động sản nghỉ dưỡng, phân khúc này có khả năng tiếp tục trạng thái “ngủ đông” bởi đây là giai đoạn chưa kết thúc các hoạt động phòng chống dịch COVID-19. Nếu tháng 5, tháng 6, Việt Nam ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh thì thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có những động thái thức tỉnh và có sự khởi động.
Tương tự, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định dịch COVID-19 trước mắt đã gây ảnh hưởng nặng đến thị trường bất động sản. Thế nhưng, tác động từ dịch chỉ là khó khăn tạm thời, về lâu dài không thể kìm hãm sự phát triển của thị trường. Hiện tại, thị trường bất động sản đang có độ nén cao, khi dịch bệnh được kiểm soát, các chủ đầu tư ra hàng, sức cầu sẽ bung ra với lượng khách hàng cơ hữu càng nhiều hơn.
Đáng chú ý, trước những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản, Bộ Tài chính chính thức bổ sung bất động sản là ngành nghề được giãn tiến độ nộp thuế GTGT và tiền thuê đất do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dự kiến, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỉ đồng.
Phan Diệu