Bộ phim indie xoay quanh cuộc đời 3 nhân vật nữ là các diễn viên phim người lớn tại Nhật. Có hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng họ đều vì lý do nào đó buộc phải chọn thứ công việc đầy thị phi này.
The Lowlife chuyển thể từ quyển tự truyện gây chấn động phát hành năm 2016, do ngôi sao phim người lớn Mana Sakura chấp bút. Cũng như tác phẩm sách, dự án phim nỗ lực truyền tải những nỗi khó khăn, chật vật có thật trong ngành kinh doanh AV (video người lớn) nổi danh nhưng cũng lắm tai tiếng ở Nhật Bản.
Thực hiện bởi đạo diễn dòng phim chính kịch kỳ cựu Takahisa Zeze, The Lowlife được công chiếu ra mắt trong Liên hoan phim quốc tế Tokyo, diễn ra cuối tháng 10 vừa qua.
“Bộ phim nói về những người đang cố gắng tìm chỗ đứng trong đời, tìm kiếm giá trị của chính họ,” Zeze trả lời phỏng vấn cùng trang tin AFP.
“Tôi không nghĩ chúng tôi lên kế hoạch làm phim chỉ với thôi thúc muốn gỡ bỏ hoàn toàn tư tưởng cấm đoán tiêu cực. Nhưng hy vọng rằng, The Lowlife sẽ phần nào giúp xóa dần định kiến tồn tại bấy lâu về nghề diễn viên phim đen”.
“Quá trình chúng tôi tiến hành thử vai cho tác phẩm, một số diễn viên nữ đã từ chối lời mời,” ông cho biết. “Họ cảm thấy ổn với việc cởi quần áo trước ống kính, nhưng lập tức ngần ngừ khi được biết sẽ phải thủ vai một ngôi sao phim người lớn”.
Đặt thông điệp nghệ thuật rõ ràng, tuy nhiên, The Lowlife không “nặng nề” yếu tố thuyết giảng. Lột tả câu chuyện chân thật - xúc động, bộ phim cho phép khán giả tự đưa ra cảm nhận riêng trước những gì được thể hiện trên màn ảnh.
Mỗi phân cảnh phim chứa đựng cao trào lẫn khả năng lắng đọng, duy nó không “trượt” dài vào ranh giới u uất - đen tối thường thấy ở không ít tác phẩm cùng chủ đề.
Miho, một bà nội trợ vất vả xoay trở với gánh nặng kinh tế, đồng ý quay phim đen chỉ để có thêm thu nhập. Hình ảnh cô hiện hữu trong The Lowlife là nét ẩn dụ, phản pháo cho chỉ trích áp đặt trước nay, rằng phụ nữ chọn con đường mưu sinh bằng việc quay AV luôn “ngờ nghệch,” thiếu suy nghĩ.
Bàn về tựa sách và phim chuyển thể, tác gia - ngôi sao phim đen Sakura lý giải. “Tương tự như mọi nghề khác, chúng tôi không phải lúc nào cũng hài lòng trước lựa chọn này.”
“Nhưng điều đó không có nghĩa, mọi người làm việc trong khổ sở. Tôi cảm thấy dư luận luôn có khuynh hướng nghĩ rằng diễn viên phim người lớn thường thấy không vui vẻ gì về công việc. Thứ tôi muốn tập trung truyền đạt là cuộc sống đời thường, điều gì đó tích cực, không phải mảng tối của câu chuyện.”
Nhịp phim nhẹ nhưng không nhạt, lối dựng theo phong cách tối giản được Zeze ưa chuộng, thể hiện hiệu ứng gần như một phim tài liệu, đem đến cảm xúc nghe nhìn gần gũi hơn cho người xem.
Về kỹ thuật dựng - quay phim, ông chia sẻ, “Tôi không muốn khán giả liên tưởng đến một tác phẩm điện ảnh được sáng tạo, thêu dệt. Mấu chốt ở đây là thể hiện hình ảnh đời sống thật, thay vì lôi kéo yếu tố gợi dục của ngành AV”.
Không tham vọng “vẽ” nên toàn cảnh ngành công nghiệp phim đen doanh thu tỉ đô tại Nhật Bản, The Lowlife thành công trong việc đem lại góc nhìn mới, khác biệt.
Kết phim, nhân vật Ayano trầm mình xuống một hồ bơi tự sát, sau khi phải đối diện người mẹ giận dữ vì phát hiện công việc cô đang làm. Sống sót, Ayano quyết định vẫn tiếp tục đứng trước máy quay. Lần này, cô cuối cùng đã tháo gỡ được cảm nhận tội lỗi trong lòng để sống kiên cường hơn.
“Có đủ loại sách theo phong cách kể-thật về nghề đóng AV,” người mẫu và ngôi sao phim đen Sakura nói, “Nhưng những nữ diễn viên như chúng tôi rốt cuộc chỉ là những phụ nữ bình thường với cuộc sống rất bình thường.”
Như Ý (theo AFP)