Cục Quản lý Lao động ngoài nước phát hiện nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục cấp đổi giấy phép nhưng buông lỏng, không có phương án xử lý; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015...

Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý nghiêm Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước

Lam Thanh | 05/03/2021, 16:03

Cục Quản lý Lao động ngoài nước phát hiện nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục cấp đổi giấy phép nhưng buông lỏng, không có phương án xử lý; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015...

Chưa thực sự quan tâm quyền lợi của người lao động

Đề nghị trên được đưa ra dựa trên kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại 6 tỉnh (Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hưng Yên) giai đoạn 2013 - 2018, công tác quản lý nhà nước về NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) quan tâm thực hiện.

xuat-khau-lao-dong.jpg
Nhiều vi phạm trong quản lý xuất khẩu lao động - Ảnh: Internet

Tuy nhiên, trong thời gian thanh tra, Bộ LĐ-TB-XH không báo cáo với Thủ tướng Chính phủ khi không xây dựng được chiến lược, kế hoạch về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; chậm kiến nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; ban hành một số văn bản hành chính thủ tục hành chính không đúng quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp đàm phán với nước ngoài để giảm chi phí cho NLĐ.

Trong thời gian dài, Bộ LĐ-TB-XH không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp dẫn đến NLĐ (thực chất là lao động nghèo khó) còn phải chi trả số tiền lớn mà chính sách của nơi tiếp nhận là không phải chi trả (Đài Loan và Nhật Bản); quy định mức phí, phí đào tạo NLĐ cho thị trường Nhật Bản chưa phù hợp với chính sách và thỏa thuận đã ký của Nhật Bản không đúng với tình hình thực tế, gây ảnh hưởng đến NLĐ, là nguyên nhân cơ bản khiến lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

Đáng lưu ý, Bộ LĐ-TB-XH chưa ban hành quyết định quy định chức năng nhiệm vụ của Thanh tra Bộ trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra; chưa chấn chỉnh công tác điều hành Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, trong thời gian dài không kiện toàn bộ máy quản lý quỹ, chậm kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng quỹ.

Tại thời điểm thanh tra, TTCP phát hiện Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH không xử phạt hết hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp với số tiền gần 9 tỉ đồng.

Nhiều sai phạm tại Cục Quản lý lao động ngoài nước

Cục Quản lý Lao động ngoài nước không quản lý, kiểm soát được doanh nghiệp trong việc thu phí thị trường Nhật Bản, dẫn đến trong thời gian dài NLĐ phải chi trả mức phí quá cao (7.000 - 8.000 USD/tháng); tham mưu ban hành văn bản quy định mức thu phí và phí đào tạo cho thị trường Nhật Bản không đúng với thỏa thuận đã ký và chính sách của Nhật Bản. Trong thời gian dài, Cục không có biện pháp tham mưu Bộ LĐ-TB-XH giải quyết vấn đề tiền môi giới Đài Loan và Nhật Bản.

Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước không tổ chức thực hiện việc quản lý NLĐ đi làm việc ở nước ngoài bằng mã số, không tham mưu cho Bộ LĐ-TB-XH báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng kết hằng năm về hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Cục Quản lý Lao động ngoài nước phát hiện nhiều doanh nghiệp không làm thủ tục cấp đổi giấy phép nhưng buông lỏng, không có phương án xử lý; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015; tham mưu và ban hành văn bản đồng ý cho 13 doanh nghiệp được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản khi chưa ký ghi nhớ hợp tác để triển khai chương trình…

Có tình trạng kết hôn giả để sang các nước làm việc không có hợp đồng

Kết quả thanh tra tại 6 tỉnh, thành phố, TTCP chỉ rõ việc tuyên truyền, phổ biến luật và văn bản hướng dẫn chưa triệt để, số lượng lao động của tỉnh cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài còn nhiều, đặc biệt ở thị trường Hàn Quốc (gồm các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Còn tình trạng doanh nghiệp ngoài tỉnh chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi giao nhiệm vụ cho chi nhánh, không thực hiện thông báo với Sở LĐ-TB-XH, chính quyền cấp huyện, xã nơi doanh nghiệp dịch vụ tuyển chọn lao động (ở các tỉnh Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Dương).

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp mở văn phòng đại diện chi nhánh, điểm tư vấn trên địa bàn tỉnh để tuyển sinh đi du học gắn với việc làm thêm có thu nhập cao ở Nhật Bản, Hàn Quốc thực chất là một dạng xuất khẩu lao động, gây nguy cơ hậu quả khó xử lý (ở Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh).

Đặc biệt, tại thời điểm thanh tra còn xảy ra hiện tượng NLĐ tự ý hoặc thông qua môi giới bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân, kết hôn giả… để sang một số nước như Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Canada, các nước Đông Âu làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp (tại Nghệ An).

Việc thực hiện trách nhiệm về đóng nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã được quy định, nhưng NLĐ chưa tham gia đóng nộp theo quy định (ở Nghệ An, Hà Tĩnh).

Kiến nghị xử lý một cục trưởng

Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH rà soát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và đối tượng áp dụng… Xây dựng chiến lược và kế hoạch về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; ban hành quy trình thẩm định hồ sơ cấp giấy phép, cơ chế giám sát thủ tục cấp phép; ban hành tiêu chí, điều kiện lựa chọn doanh nghiệp triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản; có biện pháp giải quyết triệt để vấn đề tiền môi giới thị trường Đài Loan và Nhật Bản; rà soát, điều chỉnh mức thu phí và đào tạo cho thị trường Nhật Bản đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Cùng với đó, cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước giai đoạn 2012 - 2016 trong việc tham mưu ban hành các văn bản không đúng quy định của pháp luật; xử lý trách nhiệm của Chánh thanh tra Bộ giai đoạn 2015 - 2018…

Bộ LĐ-TB-XH phải xử lý đối với các doanh nghiệp hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; thu hồi giấy phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Công ty cổ phần Thương mại và cung ứng nhân lực quốc tế Bắc Việt, Tổng công ty Thủy sản Hạ Long (nay là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam), công bố việc nộp lại giấy phép của Công ty cổ phần Liên doanh Đầu tư quốc tế KLF theo quy định.

Bộ LĐ-TB-XH phải có biện pháp xử lý số tiền do không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính của Thanh tra Bộ theo quy định; xác minh, thống kê, tổng hợp số tiền môi giới thanh tra toàn diện và phí dịch vụ mà các đơn vị đã thu của NLĐ không phù hợp với quy định của pháp luật, báo cáo trình xin ý kiến của Thủ tướng quyết định.

TTCP yêu cầu UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Nghệ An tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, có biện pháp giảm số lượng lao động của tỉnh cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài tránh ảnh hưởng đến uy tín chung về lao động xuất khẩu của tỉnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
3 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý nghiêm Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước