Sáng 12.4, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP.Tân Uyên, thuộc tỉnh Bình Dương.

Thành lập TP.Tân Uyên

H.Đ | 12/04/2023, 13:23

Sáng 12.4, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP.Tân Uyên, thuộc tỉnh Bình Dương.

Thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 191,76km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường và 2 xã của thị xã Tân Uyên. Đây là địa bàn có cơ cấu kinh tế công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%; thu ngân sách khoảng 4.000 tỉ đồng/năm.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên cho biết năm 2013 thị xã Tân Uyên được thành lập theo Nghị quyết 136/NQ-CP của Chính phủ với đơn vị hành chính gồm 6 phường và 6 xã. Năm 2016, thị xã Tân Uyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngày 20.11.2018, Tân Uyên được công nhận là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh Bình Dương. Đến ngày 10.1.2020, các xã Vĩnh Tân, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp và Hội Nghĩa được nâng cấp lên phường, thị xã Tân Uyên có 10 phường, 2 xã.

Từ khi lên thị xã năm 2013, Tân Uyên phát triển nhanh và tích cực, bình quân tốc độ phát triển gần 13%/năm. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng trên địa bàn ước đạt 32.996 tỉ đồng, tăng 12,08% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại buổi lễ công bố, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị lãnh đạo TP.Tân Uyên tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị, đặt mục tiêu đưa Tân Uyên trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, đầu mối giao thông vùng.

Ông Đoàn Hồng Tươi cũng cho biết: “Để TP.Tân Uyên tiếp tục phát triển đúng hướng và bứt phá về đích theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, quan điểm phát triển của lãnh đạo TP là khai thác lợi thế và tiềm năng, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo nền tảng để TP.Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025. Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển TP.Tân Uyên trở thành một trung tâm lớn phía nam của tỉnh về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa - du lịch, đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội... Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và các đô thị khác của tỉnh cũng như TP.HCM và TP.Biên Hòa sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía nam; là đầu mối giao thông, quan trọng của tỉnh và của vùng…”.

TP.Tân Uyên hiện có 55 khu dân cư, trong đó có 25 khu hoàn thành hạ tầng kỹ thuật 80 - 100%. Tỷ lệ nhà kiên cố và bán kiên cố khu vực nội thị chiếm 100%, đạt diện tích sàn bình quân là 26,55 m2/người. Bên cạnh hệ thống giao thông, kho bãi, cảng bến liên kết đồng bộ, dự án đường kết nối vùng như vành đai 3, đường vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành qua Tân Uyên mở ra cơ hội tăng cường kết nối kinh tế, giao thương cho đô thị Tân Uyên trong tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành lập TP.Tân Uyên