Trang Business Insider đưa tin, sau thành công của hệ thống pháo phản lực HIMARS tại Ukraine, nhiều quốc gia châu Âu muốn mua loại vũ khí này hoặc phát triển hệ thống riêng.
Theo trang Defense News, Tập đoàn quốc phòng Đức Rheinmetall bắt tay với đối tác Mỹ Lockheed Martin cung cấp GMARS - giải pháp thay thế cho hệ thống MARS 2 (Đức) đã cũ kỹ. MARS 2 là phiên bản châu Âu của hệ thống pháo phản lực phóng loạt M270 do Mỹ sản xuất.
Nguồn tin trong Lockheed Martin cho biết GMARS sẽ tương tự HIMARS nhưng kích thước lớn hơn, khung gầm cũng lớn hơn dựa trên xe tải HX 8x8 của Rheinmetall, đạn dược cùng hậu cần giống 80% các loại HIMARS sử dụng.
Xe tải chở GMARS dài khoảng 12 mét thay vì 7 mét như xe tải chở HIMARS, mang được 2 ổ phóng tên lửa (nhiều hơn 1 ổ so với HIMARS).
Ba Lan lại chọn mua 18 hệ thống HIMARS. Thương vụ trị giá 10 tỉ USD được Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua vào tháng 2, đặc biệt Washington còn bán kèm Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) - vũ khí tầm xa mà đến nay họ chưa chịu viện trợ cho Ukraine.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố HIMARS sẽ giúp Ba Lan ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực. Hệ thống có tầm bắn khoảng 80km, ATACMS đủ sức tiêu diệt mục tiêu cách xa hơn 300km và phóng được từ HIMARS.
Pháo phóng loạt xuất hiện từ Thế chiến thứ 2, khi hệ thống Katyusha huyền thoại của Liên Xô đánh bại lực lượng Đức quốc xã.
Đến tận những năm 1980, Mỹ cùng đồng minh vẫn ưa chuộng lựu pháo hơn pháo phóng loạt. Họ đánh giá đây là loại vũ khí thiếu chính xác, chỉ phù hợp cho tấn công khu vực rộng lớn. Nhưng sự ra đời của loạt tên lửa dẫn đường bằng GPS mới biến thứ từng bị nhận xét là “vũ khí cùn” thành vũ khí thông minh.
HIMARS giúp quân đội Ukraine tiêu diệt được nhiều cơ sở chỉ huy và kho đạn dược của Nga. Tuy nhiên, Nga sau đó đã đối phó bằng thiết bị gây nhiễu GPS.