Trong vài tháng tới, hàng tỉ liều vắc xin COVID-19 sẽ được vận chuyển bằng xe tải, tàu thủy, tàu hỏa và máy bay đi khắp nơi trên thế giới.

Thách thức khi vận chuyển vắc xin COVID-19

Cẩm Bình | 05/03/2021, 11:18

Trong vài tháng tới, hàng tỉ liều vắc xin COVID-19 sẽ được vận chuyển bằng xe tải, tàu thủy, tàu hỏa và máy bay đi khắp nơi trên thế giới.

Số hàng cực kỳ đáng giá ấy chắc chắn lọt vào tầm ngắm của bọn tội phạm. Giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo vệ tài sản vận chuyển khu vực châu Âu Thorsten Neumann đánh giá việc đưa vắc xin đến nơi là “thách thức an ninh lớn nhất của thời đại”.

Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cuối năm 2020 ban hành cảnh báo cam về nguy cơ gia tăng vụ cướp vắc xin cũng như hoạt động phá hoại từ nhóm phản đối tiêm chủng. Trên web đen, vắc xin COVID-19 không rõ nguồn gốc được bán với giá 200 USD/liều.

Ước tính mỗi năm có đến 40 tỉ USD hàng hóa như điện thoại thông minh, giày thể thao, túi xách bị trộm cắp trên đường vận chuyển. Tình trạng ấy buộc đơn vị vận chuyển phải tăng cường nhân lực và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật số.

1000x-1-1-.jpg
Nhân viên an ninh Chile tại sân bay Santiago trong lúc vắc xin COVID-19  đang được vận chuyển - Ảnh: Getty Images

Đại dịch COVID-19 khiến một số mặt hàng liên quan trở thành mục tiêu đặc biệt. Năm ngoái một cơ sở hàng không Kenya bị mất hàng triệu mặt nạ phòng độc; số găng tay y tế trị giá 1 triệu USD bị đánh cắp từ một container ở Florida (Mỹ); gần 200 mặt nạ phòng độc trên đường đến Colombia cũng “không cánh mà bay”.

Tất nhiên không chỉ có trang thiết bị y tế: 130.000 cuộn giấy vệ sinh trên các xe chở hàng ở Anh đã bị lấy đi khi bùng lên làn sóng tích trữ nhu yếu phẩm.

Để chở vắc xin COVID-19 do Pfizer hợp tác BioNTech phát triển từ nhà máy ở Bỉ phân phối khắp châu Âu, H. Essers - công ty Hà Lan chuyên nhận vận chuyển hàng nhạy cảm như tiền mặt hay tác phẩm nghệ thuật - chọn ra những tài xế dày dặn kinh nghiệm nhất từ đội ngũ 600 nhân viên của mình.

1000x-1.jpg
Xe vận chuyển vắc xin COVID-19 của H. Essers rời khỏi nhà máy - Ảnh: AP

250 tài xế được chọn có thâm niên làm việc cho H. Essers trung bình 10 năm, nhưng công ty vẫn tiến hành kiểm tra lý lịch một lần nữa. Họ phải trải qua huấn luyện đối phó tấn công và cửa xe chở hàng trang bị khóa kỹ thuật số chỉ có thể mở từ xa.

“Chúng tôi áp dụng biện pháp an ninh mức độ cao nhất. Mỗi chiếc xe là một kho an toàn có bánh”, giám đốc Ron Van Holland phụ trách vấn đề an ninh của H. Essers tuyên bố.

Công ty Thụy Sĩ Kuehne + Nagel thì không đánh dấu xe chở vắc xin và lọ đựng, đồng thời triển khai lực lượng có vũ trang hộ tống. Xe còn được gắn thiết bị định vị giám sát liên tục bởi đội ngũ hơn 20 nhân viên.

Đại diện Kuehne + Nagel Robert Coyle cho biết: “Nhóm chuyên trách giám sát mọi chuyến hàng và trao đổi ngay với khách nếu phát sinh vấn đề. Chúng tôi nắm rõ khi nào cửa xe được mở, xe ngừng tại đâu, xe nghỉ bao lâu, nếu xảy ra chuyện chúng tôi báo ngay cho tài xế và đội ngũ”.

Hãng vận tải Đức Aircargo Transport GmbH sắm 12 xe tải Mercedes và Scania chở vắc xin, mỗi chiếc trị giá đến 300.000 USD. Cửa xe gắn thiết bị báo động phát ra âm thanh 90 decibel nếu bị cạy mở. Trên bảng điều khiển xe có một nút báo động để tài xế gửi tín hiệu về công ty. Nếu xe tải gặp tấn công thì tài xế khởi động công tắc tắt máy ngay.

Xe chở vắc xin COVID-19 chỉ dừng lại ở địa điểm lựa chọn trước, lô hàng trị giá hơn 10 triệu USD sẽ được cảnh sát hộ tống. Đi cùng đoàn xe là 2 vệ sĩ mặc thường phục đề phòng nguy cơ phá cửa sau container và lấy cắp vắc xin lúc xe vẫn đang chạy – cách thức mà băng đảng tội phạm ở Đông Âu hay dùng.

“Tình huống giống như phim điệp viên James Bond vậy”, giám đốc Aircargo Transport GmbH Horst Boedicker so sánh.

1x-1.jpg
Cảnh sát Đức hộ tống một lô vắc xin COVID-19 - Ảnh: Getty Images

Bên trong xe, mỗi thùng chứa vắc xin đều có cảm biến không dây giúp theo dõi nhiệt độ, ánh sáng lẫn vị trí nhằm đảm bảo sản phẩm nguyên vẹn. Tuy nhiên mối nguy không chỉ đến từ những vụ cướp.

Chuyên gia an ninh Mike Yarwood thuộc công ty tư vấn rủi ro TT Club cho biết: “Nếu một kẻ đột nhập xe chở 10.000 máy tính xách tay, lấy đi 2 chiếc thì 9.998 chiếc còn lại vẫn ổn. Nhưng bất kỳ tác động nào vào vắc xin cũng đều khiến toàn bộ lô hàng phải bị tiêu hủy”.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức khi vận chuyển vắc xin COVID-19