Ứng dụng nhắn tin Telegram, một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất, có thể sẽ vượt 1 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng trong vòng một năm tới vì nó đang lan rộng như "cháy rừng", theo nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Pavel Durov.
Công ty Telegram đặt trụ sở tại Dubai (UAE), được thành lập bởi Pavel Durov (tỷ phú gốc Nga 39 tuổi). Pavel Durov rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu đóng cửa các cộng đồng đối lập trên nền tảng mạng xã hội VKontakte (VK) mà ông đã bán.
“Chúng tôi có thể sẽ vượt qua 1 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng trong vòng một năm tới. Telegram đang lan rộng như cháy rừng”, Pavel Durov, người sở hữu hoàn toàn Telegram, nói với nhà báo Tucker Carlson (Mỹ) trong một video phỏng vấn. Video này được Tucker Carlson đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X.
Telegram hiện có 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, tăng từ 500 triệu vào đầu năm 2021.
Được tạp chí Forbes ước tính có khối tài sản trị giá 15,5 tỉ USD, Pavel Durov cho biết một số chính phủ đã tìm cách gây áp lực với ông nhưng Telegram vẫn sẽ là một "nền tảng trung lập chứ không tham gia vào địa chính trị".
Là một trong những đối thủ chính của Telegram, WhatsApp thuộc Meta Platforms hiện có hơn 2 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng. Vào tháng 3, tờ Financial Times đưa tin Telegram có thể sẽ nhắm đến việc niêm yết tại Mỹ sau khi công ty đạt được lợi nhuận.
Có ảnh hưởng đặc biệt ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Telegram được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat.
Lý do đặt trụ sở Telegram ở Dubai
Pavel Durov cho biết ông nảy ra ý tưởng về ứng dụng nhắn tin được mã hóa như một cách để liên lạc khi đang chịu áp lực ở Nga. Anh trai của ông, Nikolai Durov, đã thiết kế hệ thống mã hóa.
Pavel Durov nói rời Nga vì không thể nhận lệnh từ bất kỳ chính phủ nào, đồng thời bác bỏ nghi vấn Telegram bị Nga kiểm soát, gọi đó là tin đồn nhảm do các đối thủ cạnh tranh lo ngại về sự phát triển của ứng dụng này lan truyền.
“Tôi thà được tự do còn hơn là nhận lệnh từ bất kỳ ai”, Pavel Durov nói về việc rời khỏi Nga và tìm kiếm trụ sở cho công ty của mình, gồm cả thời gian ở Berlin (thủ đô Đức), London (thủ đô Anh), Singapore và San Francisco (thành phố ở Mỹ).
Pavel Durov nói thủ tục hành chính, đặc biệt là để tuyển dụng nhân tài toàn cầu, ở những nơi này quá phức tạp và ông đã bị tấn công trên đường phố ở San Francisco bởi những kẻ trộm điện thoại.
Tỷ phú sinh năm 1984 nói điều đáng báo động hơn là ông đã nhận được quá nhiều sự chú ý từ các cơ quan an ninh Mỹ, gồm cả Cục Điều tra Liên bang (FBI). Pavel Durov cáo buộc các cơ quan Mỹ đã cố gắng thuê một trong những kỹ sư của ông để tìm cửa hậu vào nền tảng Telegram. FBI không trả lời khi được Reuters đề nghị bình luận về chuyện này.
Khi nói đến quyền tự do ngôn luận, Pavel Durov cho biết những thách thức lớn nhất không phải từ các chính phủ mà là đối thủ cạnh tranh lớn như Apple và Google.
“Hai nền tảng đó về cơ bản có thể kiểm duyệt mọi thứ mà bạn có thể đọc và truy cập trên smartphone của mình”, Pavel Durov nói. Theo ông, Apple và Google tuyên bố rằng nếu Telegram không tuân thủ các nguyên tắc của họ thì sẽ bị xóa khỏi cửa hàng ứng dụng.
Hồi tháng 11.2022, Pavel Durov từng chỉ trích Apple tàn phá giấc mơ kinh doanh của doanh nghiệp khi bắt các nhà phát triển trả mức phí 30% cho việc mua hàng trong các ứng dụng được tải về từ App Store.
Pavel Durov cho biết ông đã chọn UAE làm trụ sở Telegram vì đây là một "quốc gia trung lập", muốn làm bạn với tất cả mọi người và không liên kết với bất kỳ siêu cường nào, vì vậy ông cảm thấy đây là nơi tốt nhất cho một "nền tảng trung lập".
Ông nói Telegram được cả các nhà vận động đối lập và chính phủ sử dụng nhưng sẽ không đứng về phía nào.
“Quan điểm khác nhau được tự do thể hiện và tranh luận với nhau có thể mang lại sự tiến bộ và một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người”, Pavel Durov cho hay.
Tỷ phú gốc Nga nói rằng ngoài tiền hay Bitcoin, ông không có tài sản lớn nào như bất động sản, máy bay phản lực hay du thuyền vì muốn được tự do.
Telegram hiện có doanh thu "hàng trăm triệu USD" kể từ khi giới thiệu tính năng quảng cáo và đăng ký gói trả tiền cách đây hai năm. Theo Pavel Durov, Telegram được định giá hơn 30 tỉ USD từ các nhà đầu tư tiềm năng. Ông loại trừ việc bán nền tảng vì "muốn duy trì sự độc lập".
Từng là ngôi nhà chung của cộng đồng tiền điện tử, Telegram nay đã bùng nổ nhờ các tính năng nhắn tin bảo mật mã hóa đầu cuối. Không chỉ cộng đồng tiền điện tử, Telegram trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng cho các chính phủ và quan chức cũng như người dùng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo Telegram không được kiểm duyệt nên vẫn là điểm nóng cho hoạt động tội phạm, lừa đảo cũng như nội dung cực đoan, khiêu dâm, khủng bố và thông tin sai lệch.
Theo Reuters, Pavel Durov từng được ca ngợi là "Mark Zuckerberg của Nga" sau khi đồng sáng lập VKontakte (VK), mạng xã hội phổ biến nhất tại Nga mà ông đã bán. Pavel Durov nhiều lần công khai ủng hộ quyền tự do ngôn luận và Telegram ra đời với lý do này.
Telegram hiện có 5 trung tâm dữ liệu đặt tại các khu vực khác nhau trên thế giới:
- Thủ đô Amsterdam của Hà Lan: Đây là trung tâm dữ liệu đầu tiên của Telegram, được thành lập vào năm 2014.
- Thành phố Frankfurt, Đức: Trung tâm dữ liệu này được mở vào năm 2016 để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của người dùng châu Âu.
- Singapore: Đó là trung tâm dữ liệu được mở vào năm 2018 để phục vụ cho nhu cầu của người dùng châu Á.
- Thành phố Mountain View, bang California, Mỹ: Trung tâm dữ liệu này được mở vào năm 2020 để phục vụ cho nhu cầu của người dùng Bắc Mỹ.
- Dubai (UAE): Đây là trung tâm dữ liệu được mở vào năm 2021 để phục vụ cho nhu cầu của người dùng Trung Đông và Bắc Phi.
Việc đặt các trung tâm dữ liệu ở nhiều khu vực khác nhau giúp Telegram đảm bảo tính an toàn và bảo mật cho dữ liệu người dùng, đồng thời giảm độ trễ và tăng tốc độ truy cập trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Telegram cũng sử dụng mạng lưới máy chủ phân tán để lưu trữ dữ liệu người dùng. Điều này giúp Telegram có khả năng chống chọi tốt hơn trước các cuộc tấn công mạng và đảm bảo tính sẵn sàng của dịch vụ. Số lượng trung tâm dữ liệu của Telegram có thể thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào nhu cầu người dùng và chiến lược phát triển của công ty.