Tesla sẽ sa thải hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu khi phải vật lộn với doanh số bán hàng giảm và cuộc chiến giá cả ô tô điện, theo một bản ghi nhớ nội bộ mà hãng tin Reuters nhìn thấy hôm 15.4.
Thế giới số

Tesla sa thải hơn 14.000 nhân viên toàn cầu sau khi doanh số ô tô điện hàng quý lần đầu giảm sau gần 4 năm

Sơn Vân 15/04/2024 21:27

Tesla sẽ sa thải hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu khi phải vật lộn với doanh số bán hàng giảm và cuộc chiến giá cả ô tô điện, theo một bản ghi nhớ nội bộ mà hãng tin Reuters nhìn thấy hôm 15.4.

Báo cáo thường niên mới nhất cho thấy Tesla có 140.473 nhân viên trên toàn cầu tính đến tháng 12 năm 2023. Tesla hiện là hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo vốn hóa thị trường (535,98 tỉ USD).

Bản ghi nhớ không cho biết cụ thể có bao nhiêu nhân viên Tesla sẽ bị sa thải, nhưng có thể hơn 14.000.

Một số nhân viên Tesla ở bang California và Texas (Mỹ) đã được thông báo về việc sa thải, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters, từ chối nêu tên do tính nhạy cảm của chủ đề.

Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, cho biết trong bản ghi nhớ: “Khi chúng tôi chuẩn bị cho Tesla trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, điều cực kỳ quan trọng là phải xem xét mọi khía cạnh của công ty để giảm chi phí và tăng năng suất. Là một phần của nỗ lực này, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng tổ chức và đưa ra quyết định khó khăn là giảm hơn 10% số lượng nhân viên trên toàn cầu”.

Tesla không không trả lời ngay lập tức khi Reuters đề nghị bình luận.

Cổ phiếu của Tesla đã giảm 1,3% trong giao dịch trước giờ mở cửa hôm 15.4. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Tesla giảm khoảng 31%. Trong khi cổ phiếu nhà sản xuất ô tô truyền thống Toyota Motor và General Motors lần lượt tăng 45% và 20% từ đầu năm đến nay, do sự chuyển đổi chậm rãi của người tiêu dùng khỏi các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.

Hôm 15.4, Reuters đưa tin gã khổng lồ năng lượng BP cũng cắt giảm hơn 1/10 lực lượng lao động trong lĩnh vực kinh doanh sạc ô tô điện sau khi khoản đặt cược vào sự tăng trưởng nhanh chóng của đội ô tô điện thương mại không mang lại thành công. Điều này nhấn mạnh tác động rộng lớn hơn từ việc nhu cầu ô tô điện chậm lại.

Craig Irwin, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại hãng Roth Capital, nói: “Tesla đang trưởng thành với tư cách là một công ty và không còn là câu chuyện tăng trưởng như trước nữa. Việc sa thải nhân viên ngụ ý rằng ban lãnh đạo Tesla dự đoán nhu cầu ô tô điện yếu sẽ tiếp tục tồn tại".

Tuy nhiên, Pedro Pacheco, Phó chủ tịch nghiên cứu và ô tô tại hãng Gartner, nói việc sa thải nhân viên có thể đơn giản là dấu hiệu cho thấy Tesla đang cắt giảm chi phí trước khi tung ra các mẫu ô tô điện mới, do doanh số bán hàng chậm lại sau sự tăng trưởng mạnh mẽ từ việc bán ra Model Y và Model 3 trước đây.

Tesla vừa báo cáo doanh số ô tô điện toàn cầu của hãng trong quý 1/2024 sụt giảm lần đầu tiên sau gần 4 năm do việc giảm giá không thể kích thích được nhu cầu.

Công ty Mỹ đã chậm cập nhật cho các mẫu ô tô điện lỗi thời trong khi lãi suất cao làm giảm nhu cầu tiêu dùng với các mặt hàng đắt tiền. Các đối thủ ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, đang tung ra những mẫu ô tô điện rẻ hơn.

Reuters gần đây đưa tin Tesla đã hủy bỏ phát triển ô tô điện giá rẻ (tạm gọi là Model 2) từng hứa hẹn từ lâu mà các nhà đầu tư trông cậy để thúc đẩy tăng trưởng cho công ty trên thị trường đại chúng. Elon Musk phủ nhận báo cáo này, nhưng không xác định bất kỳ điểm thiếu chính xác cụ thể nào.

Tesla đang tìm cách tăng cường tỷ suất lợi nhuận vốn đã bị sụt giảm do giảm giá liên tục, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ địa phương, gồm cả công ty dẫn đầu thị trường BYD và Xiaomi mới tham gia. BYD đã tạm thời vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới trong quý 4/2023.

Tesla ghi nhận tỷ suất lợi nhuận gộp là 17,6% trong quý 4/2023, mức thấp nhất hơn 4 năm.

Vào tháng 2.2023, Tesla đã sa thải 4% lực lượng lao động tại thành phố New York như một phần của chu trình đánh giá hiệu suất và trước khi chiến dịch công đoàn được nhân viên phát động.

tesla-se-sa-thai-hon-14-000-nhan-vien-toan-cau-sau-khi-doanh-so-o-to-dien-giam.jpg
Tesla sẽ sa thải hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu khi phải vật lộn với doanh số bán hàng giảm và cuộc chiến giá cả ô tô điện - Ảnh: Reuters

"Ô tô điện giá rẻ mới có thể giải quyết các vấn đề của Tesla"

Theo hãng phân tích nổi tiếng Wedbush, chiếc robotaxi mà Elon Musk tiết lộ sẽ ra mắt tháng 8 tới không phải là điều mà công ty cần tập trung trong ngắn hạn. Thay vào đó, điều quan trọng là Tesla phải cung cấp một chiếc ô tô điện giá dưới 30.000 USD trong 18 tháng tới.

Robotaxi (còn được gọi là taxi tự lái hoặc taxi không người lái) là một chiếc ô tô tự hành được vận hành cho một công ty chia sẻ xe. Khách hàng có thể đặt xe robotaxi thông qua ứng dụng trên smartphone và xe sẽ tự động đến đón rồi đưa họ đến điểm đến mong muốn.

Robotaxi sử dụng nhiều loại cảm biến, bao gồm camera, radar, lidar và GPS, để giúp chúng nhận biết môi trường xung quanh và di chuyển an toàn. Robotaxi cũng được trang bị phần mềm tự lái tiên tiến cho phép chúng đưa ra quyết định về cách di chuyển, gồm cả việc tuân thủ luật giao thông và tránh chướng ngại vật.

Theo các nhà phân tích của hãng Wedbush, dù việc tiết lộ robotaxi sắp ra mắt của Tesla là một thông báo thú vị nhưng phải đến năm 2030 thì xe mới có khả năng tự chủ hoàn toàn.

Nhà phân tích lưu ý: “Nếu robotaxi được coi là ‘mẫu xe ma thuật’ để thay thế Model 2 (ô tô điện giá rẻ), chúng tôi sẽ coi đây là điều tiêu cực với câu chuyện Tesla. Sẽ là một canh bạc mạo hiểm nếu Tesla từ bỏ Model 2 và chuyển thẳng sang robotaxi”.

Ghi chú của Wedbush xuất hiện sau khi Reuters đưa tin hôm 5.4 rằng Tesla hủy việc phát triển chiếc ô tô điện Model 2 giá 25.000 USD để dành nhiều nguồn lực hơn cho xe tự lái. Reuters trích dẫn các thông điệp nội bộ của Tesla và các nguồn quen thuộc với tình hình.

Phản hồi bản tin này, Elon Musk viết "Reuters lại nói dối (một lần nữa)" trong bài đăng trên mạng xã hội X. Sau đó, tỷ phú 52 tuổi người Mỹ viết trên X rằng Tesla sẽ ra mắt robotaxi vào ngày 8.8 tới.

Việc tiết lộ robotaxi diễn ra sau nhiều năm Elon Musk thảo luận về cách phần mềm tự lái của Tesla, hiện yêu cầu tài xế chú ý mọi lúc, có thể khiến ô tô điện của hãng trở nên giá trị hơn nếu chủ sở hữu kiếm được tiền bằng cách cung cấp dịch vụ đi xe hoàn toàn tự động cho người khác khi không mình sử dụng xe.

Elon Musk cho biết trong một cuộc phỏng vấn năm 2022 rằng "trọng tâm lớn" của Tesla là giải quyết vấn đề lái xe tự động hoàn toàn.

Tỷ phú công nghệ nói trong cuộc phỏng vấn: “Đó thực sự là sự khác biệt giữa việc Tesla có giá trị rất lớn hay về cơ bản có giá trị bằng 0”.

Giám đốc điều hành Tesla cho biết những chiếc ô tô điện mới nhanh chóng mất giá trị và và các công ty ô tô kiếm tiền từ việc bán các đội xe hiện có.

Phiên bản beta phần mềm Full Self-Driving (FSD) của Tesla hiện được phân loại là cấp độ 2 trong tiêu chuẩn ngành lên đến cấp độ 6. Phần mềm FSD hiện vẫn yêu cầu sự giám sát đầy đủ của con người. Nhiều vụ tai nạn liên quan đến ô tô điện Tesla thời gian qua đã dẫn đến các vụ kiện và sự giám sát chặt chẽ từ những cơ quan quản lý an toàn.

Elon Musk từng nhấn mạnh tầm quan trọng của mẫu ô tô điện Tesla rẻ hơn trong nhiều năm.

“Đây luôn là giấc mơ của chúng tôi, kể từ những ngày đầu thành lập công ty”, ông nói trong buổi thuyết trình Battery Day của Tesla vào năm 2020.

Do thiếu các lựa chọn giá thấp khiến một số khách hàng không muốn chuyển sang ô tô điện, Tesla đã chứng kiến nhu cầu giảm. Công ty Mỹ đã nhiều lần cố gắng giảm giá để cạnh tranh tốt hơn với các công ty khác, chẳng hạn BYD.

Vào tháng 1, Elon Musk đã nói với các nhà phân tích rằng các đối thủ Trung Quốc, đáng ngại nhất là BYD và Geely, sẽ đánh bại hầu hết công ty ô tô khác trên thế giới khi họ tăng doanh số ô tô điện trên toàn cầu với mức giá rẻ hơn nhiều những gì Tesla hiện có thể cung cấp.

Nỗi lo ngại của Elon Musk đã trở thành sự thật khi Tesla tuần trước công bố lượng giao ô tô điện quý 1/2024 giảm 8,5% xuống còn 386.810 xe.

Việc Xiaomi vừa gia nhập vào thị trường ô tô điện Trung Quốc chắc chắn khiến Elon Musk càng lo lắng thêm về sự cạnh tranh ở quốc gia này.

Xiaomi, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thường gắn liền với việc sản xuất smartphone, đã ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên của mình tại một sự kiện sang trọng ở thủ đô Bắc Kinh cuối tháng 3. Chiếc sedan Speed Ultra 7 (SU7) của Xiaomi có giá khởi điểm 30.000 USD (tương đương 215.900 nhân dân tệ).

Dù Speed Ultra 7 bước vào một thị trường đông đối thủ cạnh tranh, việc Xiaomi ra mắt mẫu ô tô điện rẻ hơn mẫu rẻ nhất của Tesla, chỉ ba năm sau khi Giám đốc điều hành Lôi Quân công bố kế hoạch xe điện, đã thu hút được sự chú ý đặc biệt, với gần 90.000 đơn đặt hàng trong 24 giờ đầu tiên.

Bài liên quan
Mỹ: Chủ sở hữu một công ty Trung Quốc đánh cắp công nghệ pin độc quyền của Tesla và rao bán trên YouTube
Hôm 22.3, công tố viên liên bang Mỹ cho biết Klaus Pflugbeil, chủ sở hữu của một công ty Trung Quốc, bị cáo buộc đánh cắp công nghệ dây chuyền lắp ráp pin Tesla rồi rao bán trên YouTube và LinkedIn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tesla sa thải hơn 14.000 nhân viên toàn cầu sau khi doanh số ô tô điện hàng quý lần đầu giảm sau gần 4 năm