“Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp xúc, đi ra nước ngoài để tiếp cận thị trường, gặp gỡ doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội hợp tác nhưng việc 9 người bỏ trốn ở lại là không tốt chút nào”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

‘Tạo điều kiện cho đi nhưng trốn ở lại là không tốt chút nào’

Bùi Trí Lâm | 18/10/2019, 22:17

“Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp xúc, đi ra nước ngoài để tiếp cận thị trường, gặp gỡ doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội hợp tác nhưng việc 9 người bỏ trốn ở lại là không tốt chút nào”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, chiều 18.10, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời về câu hỏi của phóng viên về việc 9 người đi nhờ chuyên cơ đoàn Chủ tịch Quốc hội tự ý ở lại Hàn Quốc.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, việc 9 người này bỏ trốn đã ảnh hưởng rất lớn đến danh dự và uy tín của Quốc hội. Những người này không phải “đi cùng” bởi những người này không thuộc Đoàn mà đi theo Đoàn của "Diễn đàn Kinh tế thương mại" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức.

Ngay khi nhận thông tin từ phía Hàn Quốc, Văn phòng Quốc hội đã kiên quyết gửi văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an khẩn trương phối hợp với cơ quan chức năng của Hàn Quốc để trục xuất những người còn lại về nước, đồng thời lập biên bản.

Tổng Thư ký Quốc hội chia sẻ, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp xúc, đi ra nước ngoài để tiếp cận thị trường, gặp gỡ doanh nghiệp nước ngoài tìm cơ hội hợp tác nhưng việc 9 người bỏ trốn ở lại là không tốt chút nào. Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, đây là bài học sâu sắc để rà soát, rút kinh nghiệm khi tổ chức đoàn doanh nghiệp đi cùng, không để lặp lại sự cố này trong các chuyến đi tiếp theo.

Về ứng dụng công nghệ thông tin tại kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, nếu như tại kỳ họp trước Quốc hội tiến hành thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu quốc hội thì kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội chính thức sử dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp và sử dụng tài liệu.

Theo đó, tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội chỉ là tài liệu điện tử, không có văn bản giấy (trừ nội dung mật). Hiện nay, Văn phòng Quốc hội đã hoàn thiện việc nâng cấp một số tính năng của phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu trên thiết bị di động và máy tính bảng để kịp thời phục vụ đại biểu tại kỳ họp. Các đại biểu Quốc hội cũng có thể sử dụng các ứng dụng thư viện số, hỗ trợ tức thì để có thêm thông tin. Qua đó tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.

Trước băn khoăn của các phóng viên về độ tin cậy của các báo cáo gửi đến Quốc hội, trách nhiệm của các cơ quan trước vụ việc báo cáo thi hành Luật Thủ đô của Bộ Tư pháp gửi Quốc hội nhưng số liệu không chính xác, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, theo quy định, tài liệu gửi tới Quốc hội sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Trước đó Uỷ ban Pháp luật thẩm tra sơ bộ.

Trên cơ sở ý kiến của Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 36 thì Bộ Tư pháp giúp Chính phủ chỉnh lý. Hiện nay, báo cáo của Chính phủ chưa được Bộ trưởng Bộ Tư pháp chính thức gửi tới Quốc hội.

Ông Nguyễn Trường Giang cũng cho hay, cơ quan nào báo cáo thì chịu trách nhiệm số liệu và thông tin của báo cáo. Báo cáo được gửi đến Quốc hội là bảo đảm tính công khai, thể hiện được sự giảm sát của đại biểu quốc hội, của cử tri đối với các báo cáo này và từ đó lên tiếng, đặt lại vấn đề cho cơ quan báo cáo để giải trình các thông tin. Ông Giang nhấn mạnh, đây là những kênh giám sát rất quan trọng.

Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp cuối năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm tỷ lệ hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp). Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội).

Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 13 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 09 dự án luật khác, cụ thể: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Luật Thư viện; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (theo quy trình tại một kỳ họp).

Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị quyết về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (theo quy trình tại một kỳ họp); Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội (nếu có); Xem xét, quyết định việc miễn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước (đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp).

Bên cạnh đó, một số Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Thanh niên (sửa đổi); Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 28 ngày (không kể ngày nghỉ). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 27.11.2019.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, cloud, 5G và AI
11 phút trước Khoa học - công nghệ
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, cloud, 5G và AI”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Tạo điều kiện cho đi nhưng trốn ở lại là không tốt chút nào’