Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, bước sang tháng 1.2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Tín dụng tháng đầu năm giảm 0,6%
Lý giải về tình trạng tín dụng giảm trong tháng đầu năm, lãnh đạo các ngân hàng cho biết đây là hiện tượng bình thường trong các tháng đầu năm do tâm lý khách hàng và các hoạt động kinh tế chưa sôi động bởi đây là mùa nghỉ lễ.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank, năm 2024 nhìn chung cơ chế dành cho tăng trưởng tín dụng của NHNN là rất thoáng, không có vướng mắc. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm giảm do khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn chậm. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư cũ đang còn những vướng mắc, chưa được các địa phương giải quyết triệt để, tồn đọng nhiều năm nên không thể giải ngân vốn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, đến hết tháng 1.2024, dư nợ cho vay của ngân hàng giảm 2,3%, tương ứng khoảng 30.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023. Trong đó, tín dụng bán buôn giảm 19.000 tỉ đồng, còn tín dụng bán lẻ giảm 11.000 tỉ đồng. Với mảng tín dụng bán lẻ, nguyên nhân cho vay giảm trong tháng 1 do xu hướng vay bất động sản (BĐS), tiêu dùng suy giảm.
Lý giải về điều này, ông Tùng cho hay, tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường BĐS trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm. Số dự án mới được cấp phép cũng ít hơn, khiến nguồn cung hạn chế.
Ở khía cạnh bán buôn, vướng mắc pháp lý là vấn đề lớn với nhu cầu đầu tư, mở rộng của nhiều doanh nghiệp (DN). Vietcombank đã phối hợp với khách hàng để tháo gỡ khó khăn, nhưng xử lý vướng mắc pháp lý cần nhiều thời gian. Ngoài ra, trong bối cảnh này, DN cũng ngần ngại đầu tư mới, mở rộng kinh doanh, dẫn tới giảm vay vốn.
Theo ông Tùng, một yếu tố đặc thù của Vietcombank là tỷ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn thường chiếm tỷ trọng lớn. Dư nợ cho vay thanh toán quốc tế có yếu tố thời vụ. Tâm lý chung của khách hàng là ngại vay nợ trong tháng đầu tiên của năm.
Tương tự Vietcombank, ông Trần Long – Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, dư nợ tín dụng của BIDV giảm 1,25% so với cuối năm trước, tương đương giảm 25.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Long, mức giảm này là thường thấy như những năm gần đây.
Cầu tín dụng vẫn yếu
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng thời gian vừa qua, ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay bởi cầu tín dụng yếu.
“Nhiều DN đủ điều kiện họ không muốn vay bởi kinh tế khó khăn, họ không mở rộng kinh doanh. Còn không ít DN muốn vay thì không đủ điều kiện của ngân hàng bởi những tài sản có thể thế chấp thì họ đã thế chấp để vay vốn. Thậm chí vừa qua, nhiều DN còn rơi vào nhóm nợ xấu, hoặc bị chuyển nhóm nợ xấu, càng khó tiếp cận vốn”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho rằng phía ngân hàng dù phải kiểm soát rủi ro nhưng cũng cần có cơ chế cởi mở, thủ tục thông thoáng hơn trong việc cho DN vay vốn, qua đó khôi phục dần sự sôi động của nền kinh tế.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng cần chú trọng hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí (giãn/hoãn/miễn) một số khoản thuế - phí cho DN.
“Cần phải “khoan thư” sức dân, không gây xáo trộn môi trường kinh doanh vốn đã không có nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và hộ gia đình. Có thể khôi phục một nghị quyết riêng về cải cách thể chế, môi trường đầu tư – kinh doanh; rà soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh gây khó khăn, phiền hà, tăng chi phí cho DN”, ông Việt nói.
Hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên
Theo Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc tín dụng toàn hệ thống suy giảm trong tháng đầu năm một mặt cho thấy có tính chất quy luật (dịp trước và trong Tết Nguyên đán tăng trưởng tín dụng có xu hướng chững lại), mặt khác cũng cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, khiến khả năng hấp thụ vốn tín dụng yếu.
Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần tập trung vào các giải pháp cụ thể, đơn cử như có thể định hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo như chỉ đạo của Chính phủ.
Ông Đào Minh Tú gợi ý: “Gói 15.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ đối với ngành lâm sản, thủy sản thời gian qua cho thấy đã phát huy hiệu quả, tôi đề nghị thời gian tới các ngân hàng nên nâng quy mô gói này lên gấp đôi, ở mức 30.000 tỉ đồng”.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, hiện room tín dụng không còn là vấn đề. Dư địa cho vay nhiều nhưng quan trọng là ngân hàng phải kiếm được khách hàng tốt để cho vay, kể cả cho vay cá nhân.
“Ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng. Hiện đối với tín dụng tiêu dùng xuất hiện các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội gia tăng, nhưng không có cơ quan quản lý nào xử lý, người vay chây ì trả nợ... Do đó, các công ty tài chính không dám mạnh tay cho vay. Đây cũng là cơ hội để tín dụng "đen" len lỏi vào đời sống người dân và nguy cơ gia tăng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), năm 2024, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khó khăn dưới tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng; tăng trưởng kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với các thách thức khi cầu thế giới dự kiến vẫn tăng thấp, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 được nhiều tổ chức quốc tế dự báo thấp hơn 2023…
Theo đó, với những khó khăn đến từ thế giới, cầu tín dụng trong nước có thể tiếp tục bị tác động bởi sự khó khăn trong đầu ra của DN dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm.
Bà Giang kỳ vọng các chính sách hỗ trợ dòng tiền cho DN (như chính sách giảm thuế VAT,…) tiếp tục được triển khai, các dự án đầu tư công sau khi hoàn thành thủ tục đầu tư, các chính sách thương mại tiếp tục được củng cố và mở rộng,… sẽ tạo đà thúc đẩy động lực tăng trưởng của nền kinh tế.