Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tách hành vi và tài liệu liên quan, chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Tách hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

Nhã Thanh | 08/04/2023, 16:25

Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã tách hành vi và tài liệu liên quan, chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hộ lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh thành.

Theo đó, Cơ quan ANĐT đề nghị truy tố 54 bị can về 5 tội danh, gồm: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối hộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo kết luận của Cơ quan ANĐT Bộ Công an, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Hành vi phạm tội của các bị can đặc biệt nghiêm trọng, các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền và lợi ích của công dân.

Ngoài ra, hành vi của các bị can còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cơ quan, tổ chức và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; tạo sơ hở để các thế lực thù địch xuyên tạc, kích động, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân.

bay-giai-cuu.jpg
Cơ quan ANĐT Bộ Công an kết luận đây là vụ án "bay giải cứu" đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp - Ảnh: Internet

Ngoài làm rõ hành vi của các bị can tại Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế…, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng đề cập tới hướng giải quyết đối với hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng.

Theo đó, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan, chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Tiếp tục điều tra, xử lý ở giai đoạn sau

Trong vụ án này, cơ quan điều tra cũng ra quyết định truy nã bị can Trần Thị Hà Liên (lao động tự do) về tội “Môi giới hối lộ”. Theo đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định tách vụ án để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với dấu hiệu sai phạm liên quan tại một số bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và một số người khác có liên quan, Cơ quan ANĐT sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý ở giai đoạn sau trong vụ án.

Cụ thể, bị can Bùi Huy Hoàng (nguyên chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) bị cáo buộc làm trung gian, nhận 3,3 tỉ đồng từ doanh nghiệp, sau đó chi 2,6 tỉ đồng cho các cá nhân tại tổ công tác 5 bộ, địa phương để xin tổ chức chuyến bay và được chấp thuận cách ly tại Hải Dương.

Theo kết quả điều tra, bị can Hoàng hưởng lợi hơn 670 triệu đồng. Ngoài những người đã được làm rõ nhận tiền từ Hoàng, bị can này còn khai đưa tiền cho một cán bộ thuộc UBND tỉnh Hải Dương nhưng đến nay chưa đủ căn cứ xác định hành vi nhận tiền của vị cán bộ nên cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ, xử lý ở giai đoạn sau.

Liên quan đến bị can Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ) bị cáo buộc nhận tiền để tham mưu, đề xuất cấp trên ký tờ trình về việc đồng ý cho một số doanh nghiệp tổ chức chuyến bay.

Theo kết quả điều tra, ngoài số tiền đã được làm rõ, bị can Thân còn chủ động khai báo nhận tiền của đại diện một số doanh nghiệp khác; vì vậy cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ ở giai đoạn sau.

cuc-lanh-su.png
Các bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bị bắt trong vụ án - Ảnh: BCA

Không đủ căn cứ xử lý hình sự một số cá nhân

Trong kết luận điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng đã nói rõ về việc không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với một số cá nhân.

Cụ thể, đối với ông Đinh Quốc Hùng - Phó chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội, kết luận điều tra xác định bị can Lê Thị Ngọc Anh có nhờ ông Hùng phát hành sớm công văn chủ trương cách ly cho Công ty Á Châu và cảm ơn 5 triệu đồng.

Theo kết luận điều tra, ông Hùng không yêu cầu, đòi hỏi gì. Vì vậy, cơ quan điều tra xác định việc đưa và nhận 5 triệu đồng giữa ông Hùng và Lê Thị Ngọc Anh không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự.

Tương tự, ông Đặng Đình Tuyến là người giúp việc của ông Chử Xuân Dũng (nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội) đã nhận 3 lần phong bì để đưa cho ông Dũng và được cảm ơn 100 triệu đồng. Cơ quan điều tra kết luận do ông Tuyến là giúp việc cho ông Dũng, không có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xét duyệt chủ trương cách ly, không biết tiền đưa cho bị can Chử Xuân Dũng là tiền gì.

Ngoài ra, nhận thức được việc nhận tiền nêu trên là không đúng quy định, ông Tuyến đã tự nguyện nộp lại số tiền 100 triệu đồng vào tại khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. Vì vậy, hành vi giúp cho bị can Chử Xuân Dũng nhận tiền của ông Tuyến không cấu thành tội phạm hình sự.

Đối với ông Lê Dũng - nguyên Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, theo kết luận điều tra, ông Lê Dũng đã giới thiệu bị can Nguyễn Thị Dung Hạnh với bị can Tô Anh Dũng và chuyển giúp túi quà của Hạnh cho nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.

Kết quả điều tra xác định ông Lê Dũng không biết việc trao đổi, thỏa thuận đưa-nhận tiền giữa các bị can với nhau; không biết trong túi quà và mục đích chuyển túi quà là gì nên không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự…

      Cơ quan điều tra kiến nghị

Khi Đảng và Nhà nước cho chủ trương và giao Chính phủ thực hiện, Chính phủ cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh chồng chéo giữa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương. Các bộ ngành, địa phương cần ban hành những quy định, hướng dẫn triển khai cụ thể.

Quá trình dự thảo văn bản, cần có sự trao đổi, thống nhất giữa các bộ ngành, địa phương trong việc phân công nhiệm vụ.

Trong vụ án này, vấn đề chi phí doanh nghiệp của mỗi người dân đã không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến các doanh nghiệp tự ý đặt ra giá cao để thu lợi nhuận và có nhiều lần đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền xét duyệt, cấp phép các chuyến bay. Vì vậy, cơ quan điều tra đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo khắc phục trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tương tự sau này.

Bài liên quan
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Loạt yêu cầu ‘trên trời’ buộc doanh nghiệp phải gặp mặt, thỏa thuận chi phí
Theo kết luận điều tra, những cá nhân có nhiệm vụ quyền hạn trong nước đã gây khó khăn, buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tách hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng trong vụ 'chuyến bay giải cứu'