Theo kết luận điều tra, những cá nhân có nhiệm vụ quyền hạn trong nước đã gây khó khăn, buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết.

Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Loạt yêu cầu ‘trên trời’ buộc doanh nghiệp phải gặp mặt, thỏa thuận chi phí

Nhã Thanh | 05/04/2023, 00:00

Theo kết luận điều tra, những cá nhân có nhiệm vụ quyền hạn trong nước đã gây khó khăn, buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết.

Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an, việc tổ chức các chuyến bay cứu hộ này là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn tình mạng, sức khỏe cũng như tài sản cho người dân.

Chủ trương kịp thời này đã nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, sự ủng hộ của đồng bào trong và ngoài nước, ghi dấu ấn ngoại giao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện tính nhân đạo của Đảng, Nhà nước.

Từ sự không rõ ràng về thẩm quyền

Trong hoàn cành diễn biến của đại dịch COVID-19 rất phức tạp, đòi hỏi việc tổ chức triển khai chủ trương nhân đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta phải được tiến hành một cách công khai, minh bạch, trách nhiệm.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra nhận thấy quá trình triển khai thực hiện, đã có sự không rõ ràng về thẩm quyền, từ đó một số cá nhân có thẩm quyền ở các Bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế "xin - cho" buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để “bôi trơn”, đưa hối lộ…

Cụ thể, tại Văn phòng Chính phủ (VPCP), các cá nhân thuộc Vụ Quan hệ Quốc tế (QHQT) và lãnh đạo VPCP đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, đề xuất thẳng lên lãnh đạo Chính phủ duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp, bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của Tổ công tác 5 Bộ trong việc thẩm định, đưa ra ý kiến đối với kế hoạch tổ chức các chuyến bay, qua đó nhận hối lộ của doanh nghiệp.

chuyen-bay-giai-cuu.jpg
Ảnh: Internet

Kết luận điều tra nêu rõ từ tháng 10.2020 đến tháng 4.2021, VPCP chỉ là đơn vị có chức năng tham mưu, đề xuất trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt chuyến bay trên cơ sở đề nghị, thống nhất của Bộ Ngoại giao và Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ; nhưng VPCP vẫn trực tiếp tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp để báo cáo lãnh đạo Chính phủ phê duyệt chuyến bay, không thông qua Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ, tạo thế bị động cho các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện.

Trước sự việc này, Bộ Ngoại giao đã tham mưu và ngày 29.4.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo số 82/TB-VPCP về việc giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối tổng hợp số lượng các chuyến bay, thống nhất trong Tổ 5 Bộ để thực hiện.

Từ tháng 12.2020 đến tháng 1.2022, Bộ Ngoại giao phát hành văn bản về kế hoạch thực hiện các chuyến bay đều đề xuất lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Ngoại giao là đơn vị chủ trì, đề xuất kế hoạch cấp phép chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong Tổ công tác 4 Bộ/5 Bộ.

Tại Bộ Ngoại giao, với nhiệm vụ chính là bảo hộ công dân Việt Nam tại nước ngoài và quản lý danh sách công dân Việt Nam đăng ký nhu cầu về nước, nhưng theo cơ quan điều tra, khi các doanh nghiệp triển khai chuyến bay combo được cấp phép, một số cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã không kịp thời thực hiện hết và đúng trách nhiệm bảo hộ công dân.

Thay vào đó, họ còn thỏa thuận, yêu cầu doanh nghiệp chia lợi nhuận theo từng chuyến bay, hoặc chi tiền theo số công dân được về nước, thu tiền của công dân vượt so với quy định.

Ở trong nước, Bộ Ngoại giao là đầu mối chủ trì xin duyệt cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp, nhưng các cá nhân có nhiệm vụ quyền hạn không chỉ nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp để chấp thuận cấp phép chuyến bay, mà còn còn gây khó khăn cho doanh nghiệp chưa chi tiền hối lộ khi triển khai các chuyến bay, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và người dân.

“Hành vi nhũng nhiễu của những cá nhân có nhiệm vụ quyền hạn tại Bộ Ngoại giao đã tạo ra “thị trường” mua bán giấy cấp phép chuyến bay giữa doanh nghiệp với Bộ Ngoại giao, và sang nhượng quyền được tổ chức các chuyến bay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp”, kết luận điều tra nêu rõ.

Ngoài ra, theo kết luận của Cơ quan ANĐT Bộ Công an, tại Bộ Giao thông vận tải, một số cá nhân có thẩm quyền vì vụ lợi, làm trung gian môi giới hối lộ hoặc nhận hối lộ để cấp phép bay, tăng số lượng công dân về nước theo phê duyệt của Tổ công tác 5 Bộ.

Tại Bộ Y tế, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an là các cơ quan được giao nhiệm vụ tham gia việc kiểm soát tình hình dịch bệnh, khi giải quyết thủ tục cho công dân Việt Nam ở nước ngoài nhập cảnh về nước, các bị can cũng đã lợi dụng vào vai trò, chức năng, nhiệm vụ được phân công đã cố ý tạo ra khó khăn, nhũng nhiễu đề đòi hỏi, ép buộc các doanh nghiệp phải chi tiền mới chấp thuận giải quyết chuyến bay.

Tại địa phương, một số bị can tại UBND TP.Hà Nội, tỉnh Quảng Nam... đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp khi phê duyệt chủ trương cách ly cho công dân về nước.

Để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao trong việc tham mưu lãnh đạo Chính phủ cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước, Bộ Ngoại giao đã phân công đơn vị và cá nhân chịu trách nhiệm triển khai theo quy trình.

Cụ thể, tại nước ngoài, các cơ quan đại diện Việt Nam tập hợp công dân Việt Nam có nhu cầu đăng ký về nước báo cáo về Phòng Bảo hộ công dân ở trong nước để lập kế hoạch tổ chức đón về; hỗ trợ công dân ở nước ngoài về thông tin, thủ tục mua bé máy bay về nước, làm thủ tục xuất cảnh tại nước sở tại.

Trên cơ sở ý kiến của các Bộ ngành, Bộ Ngoại giao tập hợp trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt. Kết luận điều tra thể hiện từ tháng 4.2020 đến tháng 1.2022, Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước, bao gồm 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay Combo.

cuc-lanh-su.png
Các bị can là cựu lãnh đạo, cựu cán bộ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) khi bị khởi tố - Ảnh: BCA

Buộc doanh nghiệp phải tìm cách thỏa thuận

Theo kết luận điều tra, quá trình thực hiện nhiệm vụ đối với việc cấp phép các chuyến bay công dân tự trả phí, những cá nhân có nhiệm vụ quyền hạn trong nước đã tạo thành nhóm lợi ích và đưa ra nhiều yêu cầu, gây khó khăn nhũng nhiễu cho các doanh nghiệp, đề xuất thực hiện cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải chi tiền để được giải quyết.

Trong đó, cơ quan điều tra xác định các cá nhân có thẩm quyền thuộc Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ cho các cá nhân được giao nhiệm vụ tập hợp, đề xuất cấp phép chuyến bay.

Thực tế, bị can Nguyễn Thị Hương Lan (nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) chủ yếu chỉ lựa chọn các doanh nghiệp do cấp trên chỉ định xuống, do người thân quen nhờ, doanh nghiệp đã chi tiền trước, hoặc hứa hẹn sẽ chi tiền để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay.

Không những thế, bị can còn hướng dẫn các doanh nghiệp này mượn nhiều pháp nhân khác nhau để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị chú ý là doanh nghiệp được ưu tiên riêng của Cục Lãnh sự.

Đối với các doanh nghiệp chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ, các bị can sẽ gây khó dễ dưới nhiều hình thức. Cụ thể, mặc dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp nhưng các bị can không sắp xếp cho doanh nghiệp thực hiện theo lộ trình đã báo cáo, mà chỉ cho doanh nghiệp thực hiện chuyến đầu tiên, các lần tiếp theo phải chờ ý kiến bằng văn bản của Cục Lãnh sự.

Ngoài ra, theo kết luận, các bị can còn thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo, hoặc thay đổi kế hoạch bay, thay đổi số công dân trên chuyến bay làm cho doanh nghiệp không thể thực hiện được ngay mà phải xin gặp, chi tiền cho các cá nhân trong nhóm này nhằm xin được lùi chuyến bay để có thời gian bán vé máy bay và tổ chức chuyến bay.

Không những vậy, các bị can còn tự ý ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng triển khai chuyến bay trong khi doanh nghiệp đã bán hết vé máy bay cho khách và thuê tàu bay để đưa công dân về Việt Nam, buộc doanh nghiệp tiếp xúc, gặp gỡ, đưa tiền hối lộ để xin được tiếp tục triển khai chuyến bay.

Theo kết luận điều tra, từ tháng 5.2020 đến tháng 1.2022, biết được vai trò của Nguyễn Thị Hương Lan, 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, móc nối, đặt vấn đề và đưa tiền để Lan xem xét, giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay theo thẩm quyền của Nguyễn Thị Hương Lan.

Cơ quan điều tra kết luận bị can Nguyễn Thị Hương Lan đã có hành vi nhận hối lộ 20,2 tỉ đồng và 210.000 USD, tổng cộng hơn 25 tỉ đồng.

Bài liên quan
Ông Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng vụ ‘chuyến bay giải cứu’
Ông Tô Anh Dũng (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) bị Cơ quan ANĐT đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Loạt yêu cầu ‘trên trời’ buộc doanh nghiệp phải gặp mặt, thỏa thuận chi phí