Đại biểu quốc hội Trần Thị Hồng Thanh cho rằng do thiếu quy định về đất di tích, di sản nên hiện nay người dân trong khu vực vùng lõi di tích, di sản gặp khó khăn về nhà ở, đặc biệt là những hộ dân cần tách hộ cho các thế hệ sau.

Thiếu quy định về đất di tích di sản, người dân gặp khó khăn

Hoài Lam | 07/04/2023, 17:15

Đại biểu quốc hội Trần Thị Hồng Thanh cho rằng do thiếu quy định về đất di tích, di sản nên hiện nay người dân trong khu vực vùng lõi di tích, di sản gặp khó khăn về nhà ở, đặc biệt là những hộ dân cần tách hộ cho các thế hệ sau.

Băn khoăn việc định giá đất

Tại hội nghị đại biểu quốc hội chuyên trách ngày 7.4, góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho rằng bên cạnh doanh nghiệp tư nhân hoạt động về định giá đất, cần có đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước hoạt động trên lĩnh vực này.

Đại biểu phân tích, nếu doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng đất là tài sản công, bắt buộc đơn vị kiểm tra giá đất phải là một đơn vị công lập. Hơn nữa, nếu đất do Nhà nước thu hồi để sử dụng chung, đơn vị thẩm định cũng phải là đơn vị sự nghiệp công lập, có như vậy mới đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý tài sản. Còn nếu là giao dịch tư nhân, có quyền chọn đơn vị tư vấn là tư nhân.

nhan.jpg
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) phát biểu

Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm, trong hệ thống nhà nước cấp tỉnh và một số cấp huyện cần hình thành đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ tư vấn, định giá đất để Nhà nước sử dụng hoặc để nhân dân đối chiếu.

Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị tư vấn định giá đất, đại biểu cho rằng để hoạt động định giá đất có cơ sở khách quan cần sử dụng tư liệu quốc gia về đất. Đây là điều kiện bắt buộc để hoạt động định giá đất, dù là đơn vị tư nhân hay công lập.

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Lê Xuân Thân cũng tán thành việc nên có hội đồng thẩm định giá đất, đồng thời cần quy định rõ chủ tịch của hội đồng này là phó chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, và cơ quan chuyên môn về tài chính, về tài nguyên và môi trường là phó, có các đại diện một số sở ngành.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ xem xét quyết định giá đất. “Thực tế cho thấy, giá đất ghi trên các hợp đồng chuyển nhượng, kể cả công chứng thường có sự chênh lệch bằng hoặc là thấp hơn giá ở bảng giá đất được ban hành”, bà Yên nói.

yen.jpg
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu

Do đó, đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị nên coi kết quả xác định giá đất do tổ chức tư vấn định giá đất thực hiện là một trong những căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định giá đất quy định tại khoản 4 điều 150. Đây cũng là một trong những thông tin đầu vào của việc xác định giá đất.

Thiếu định danh về đất di tích, di sản

Góp ý về đất di tích, di sản, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho biết di tích, di sản có giá trị vô cùng quý giá vì là nơi tọa lạc các di tích, di sản mang tầm quốc tế, khu vực và quốc gia. Đây là những viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc cần được bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị trong công cuộc phát triển đất nước đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa mạnh mẽ.

“Muốn vậy, việc quản lý và sử dụng đất di tích, di sản phải được thực hiện dựa trên hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất mà trước hết là Luật Đất đai. Tuy nhiên, trong Luật Đất đai hiện hành, loại đất này chưa được định danh giải nghĩa riêng mà được xếp vào nhóm đất phi nông nghiệp”, bà Thanh nêu.

Theo bà Thanh, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng không có định nghĩa về loại đất di tích, di sản và cũng không có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng loại đất đặc thù này, mà mới chỉ đặt ra yêu cầu bảo vệ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.

thanh.jpg
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị bổ sung vào điều 3 về giải thích từ ngữ trong dự thảo luật khái niệm về đất có di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên. Ngoài ra, cần có quy định riêng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại đất này.

“Việc quy hoạch sử dụng đất cần xác định rõ vùng lõi, vùng phụ cận lõi và vùng bao quanh bên ngoài di tích, di sản để có quy định chế độ bảo vệ di tích, di sản tích hợp lồng ghép trong việc quản lý và sử dụng loại đất này. Cụ thể, đối với vùng lõi của di tích, di sản và vùng phụ cận lõi di tích, di sản nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm sử dụng đất sai mục đích vùng bao quanh, bên ngoài di tích, di sản được sử dụng đất nhưng không được làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ di tích, di sản”, bà Thanh nói.

Đại biểu Thanh cũng nêu thực tế ở Ninh Bình hiện nay có Tràng An là di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Đây là di sản hỗn hợp, vừa là di sản văn hóa, vừa là di sản thiên nhiên thế giới đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.

“Trên thực tế hiện nay người dân trong khu vực vùng lõi di tích, di sản gặp khó khăn về nhà ở, đặc biệt là những hộ dân cần tách hộ cho các thế hệ sau. Đề nghị trong Luật Đất đai sửa đổi cần có quy định cụ thể hơn về việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực di sản, cho phép chuyển đổi một số diện tích nhất định, đất vườn, ao sang đất ở trong khu dân cư tập trung của di sản…”, bà Thanh nêu.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng đề nghị có quy định riêng về đất khu du lịch, di sản để có chế độ quản lý, sử dụng đất đai riêng phù hợp với đặc thù của loại đất này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu quy định về đất di tích di sản, người dân gặp khó khăn