Những người có sức ảnh hưởng tạo ra sự khác biệt bằng việc thách thức nhằm thay đổi thực trạng , khởi xướng những lối tư duy mới, tạo ra thay đổi hoặc truyền cảm hứng cho người khác phát triển.
Trên thực tế, những người sử dụng tài năng bẩm sinh và những kỹ năng học hỏi được để gây ảnh hưởng đến người khác chính là những người đưa thế giới của chúng ta đi lên ở những tầm mức lớn, nhỏ khác nhau. Trong số họ có cả những người hướng ngoại và người hướng nội - những người tạo ra sự khác biệt thông qua một quá trình mà tôi gọi là Quá trình tạo ảnh hưởng thầm lặng.
Người tạo ảnh hưởng thầm lặng là những ai?
Khi Tim Cook đảm nhiệm vị trí CEO (Tổng giám đốc Điều hành) của Apple từ cuối năm 2011 sau khi Steve Jobs bị bệnh và qua đời, ông có nhiều trọng trách phải gánh vác. Một phóng viên của tạp chí Fortune đã mô tả một cuộc họp với các nhà đầu tư mà ở đó, Cook đã thể hiện thương hiệu “người có tầm ảnh hưởng mang phong thái trầm tĩnh” của riêng mình.
“Điều gây ấn tượng nhất đối với các nhà đầu tư của Apple ngày hôm đó là khi CEO Tim Cook bước vào phòng họp trong khi Giám đốc Tài chính (CFO) Oppenheimer của Apple đã phát biểu được khoảng hai mươi phút, ông lặng lẽ ngồi xuống một chiếc ghế ở cuối phòng và đã làm một điều mà mọi người cho là khác thường với cương vị một CEO: đó là ngồi bên dưới và chăm chú lắng nghe. Ông không một lần kiểm tra email và cũng không ngắt lời người đang phát biểu.
Sau khi vị CFO kết thúc bài phát biểu, Tim Cook, người lúc đó đã ở vị trí Tổng giám đốc Điều hành của Apple được 5 tháng, mới đứng dậy để đưa ra nhận xét. Ông đường hoàng bước lên trước khán phòng và ngay lập tức trở thành trung tâm của sự chú ý với phong thái không kiểu cách, đi thẳng vào vấn đề rất đặc trưng của mình. Một trong các nhà đầu tư cho biết: “Ông ấy hoàn toàn làm chủ tình huống, biết mình là ai và biết mình muốn đạt được điều gì. Ông thẳng thắn trả lời mọi câu hỏi, không vòng vo hay tránh né bất kỳ vấn đề nào”.
Bạn có nghĩ Tim Cook là một người hướng nội không? Tôi thì có đấy. Ông chọn ngồi ở cuối phòng và cho rằng không nhất thiết phải trở thành trung tâm của sự chú ý. Phong cách của ông là tập trung vào chiều sâu và không cầu kỳ. Dù có bản tính vô cùng trầm lặng, nhưng rõ ràng ông vẫn là người có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Bằng cách chọn tạo ra sự khác biệt bằng phong thái trầm tĩnh nhưng hiệu quả của mình, Cook giúp khởi xướng những lối tư duy mới và đưa Apple không ngừng đi lên.
Ông đã dẫn dắt một công ty rất thành công và đầy sáng tạo như Apple vượt qua giai đoạn vừa mất đi người sáng lập đầy tính biểu tượng của mình và mở ra một tương lai mới dựa trên nền tảng đổi mới không ngừng. Vì những lý do đó, tôi xem ông là người ảnh hưởng hướng nội - người mang lại sự thay đổi và duy trì đà phát triển cho tổ chức với phong cách hướng nội điển hình.
Thế mạnh của người có tầm ảnh hướng
Giống như những người ảnh hưởng hướng nội khác, đặc điểm cốt yếu trong phong cách cá nhân của Cook là tính khiêm nhường. Jody Wirtz, Giám đốc Điều hành của một ngân hàng thương mại và là một trong những người ảnh hưởng hướng nội cũng thể hiện tính khiêm nhường tương tự khi trả lời câu hỏi phỏng vấn của tôi “Ông có tự nhận thấy mình là người có tầm ảnh hưởng không?”.
Câu trả lời của Wirtz là: “Có lẽ cô nên hỏi những người xung quanh tôi. Nhưng nếu quả thật tôi là một người có sức ảnh hưởng thì đó là nhờ thông qua việc tư duy, tôi đã tìm thấy những chân lý đúng đắn và có khả năng trình bày hoặc chứng minh những điều đó theo cách có thể thuyết phục được người khác và mang lại lợi ích cho họ”.
Mặc dù có bản tính khiêm nhường, nhưng Cook và Wirtz cùng nhiều người hướng nội khác vẫn được mọi người công nhận vì phong cách tạo ảnh hưởng hiệu quả của họ. Eleanor Roosevelt, Charles Darwin, Mahatma Gandhi, Abraham Lincoln và Rosa Parks cũng là những người hướng nội có tầm ảnh hưởng lớn lao. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kể đến Warren Buffett, Condoleezza Rice, Steven Spielberg, J. K. Rowling và Mark Zuckerberg.
Mặc dù có nhiều quyển sách viết về những kỹ thuật và phương pháp tạo ảnh hưởng, nhưng phần lớn đều có xu hướng tán dương những cách thức tạo ảnh hưởng mang tính hướng ngoại, vốn là những trở ngại đáng kể đối với người hướng nội. Các chiến lược tạo ảnh hưởng này chủ yếu hướng đến việc chinh phục lòng người bằng cách đặt mình ở vị trí trung tâm, nói lời hay ý đẹp để quảng bá cho điều gì đó, trình bày những lập luận sắc bén và dùng lời nói để thuyết phục người khác làm theo ý mình.
Tạo ảnh hưởng theo cách thức của người hướng nội không phải là dùng lời nói suông, vẽ ra một viễn cảnh hấp dẫn để giành lấy sự ủng hộ từ người khác. Cách người hướng nội tạo ảnh hưởng thường tinh tế, không dễ nhận thấy và khác với những phương thức dùng ngôn từ để gây chú ý.