Một sự ủng hộ chưa từng có từ Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) giúp nâng cao tầm quan trọng của Đài Loan nhưng lại có thể ảnh hưởng đến an ninh và quan hệ giữa hòn đảo tự trị với các nước trong khu vực.

Sự ủng hộ của G7 với Đài Loan có lợi đến đâu?

Cẩm Bình | 20/06/2021, 15:53

Một sự ủng hộ chưa từng có từ Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) giúp nâng cao tầm quan trọng của Đài Loan nhưng lại có thể ảnh hưởng đến an ninh và quan hệ giữa hòn đảo tự trị với các nước trong khu vực.

Hội nghị cấp cao của G7 cùng đối tác vừa diễn ra tập trung bàn bạc hàng loạt vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Nhóm kết thúc cuộc gặp bằng một tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc về nhân quyền ở Tân Cương, kêu gọi giữ mức độ tự chủ cao cho Hồng Kông và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình cũng như sự ổn định trên eo biển Đài Loan.

Đây là lần đầu tiên tuyên bố chung G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Phía Đài Loan ngay sau đó lập tức bày tỏ cảm ơn sâu sắc đồng thời cam kết tăng cường quan hệ với G7 hơn nữa.

Tuy nhiên, đại sứ quán Trung Quốc tại Luân Đôn (nơi diễn ra hội nghị cấp cao G7) lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

roundtable-building-back-better-g7.jpg
Hội nghị cấp cao G7 ra tuyên bố chung có nội dung thân thiện với Đài Loan - Ảnh: AP

Học giả Sana Hashmi thuộc Tổ chức giao lưu Đài Loan - châu Á (TAEF) nhận xét tuyên bố G7 là thắng lợi ngoại giao dành cho Đài Loan, cho thấy hòn đảo tự trị có thể nhận được sự ủng hộ quốc tế bất chấp Trung Quốc tìm mọi cách gây khó dễ.

“Để nắm bắt cơ hội, Đài Loan cần đưa ra tầm nhìn nêu rõ mối quan tâm của họ nằm ở đâu – chẳng hạn như kết nối cơ sở hạ tầng, công nghệ, những vấn đề quốc tế chung. Như vậy các quốc gia chia sẻ chung mối quan tâm mới biết và tìm đến hợp tác”, theo học giả Hashmi.

Học giả Jonathan Berkshire Miller thuộc Viện nghiên cứu Các vấn đề quốc tế Nhật Bản đánh giá Đài Loan có thể tận dụng “sự cởi mở” mà tuyên bố G7 mang lại nhằm thuyết phục cộng đồng quốc tế về lợi ích khi để họ gia nhập một số tổ chức đa phương như Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) hay Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) – cơ quan điều hành Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

taiwan.jpg
Đài Loan liệu có thể "thừa thắng xông lên" ? - Ảnh: SCMP

Nhưng nhà phân tích Tsuneo Watanabe thuộc Quỹ Hòa bình Nhật Bản cảnh báo động thái thường xuyên nhắc đến Đài Loan trên trường quốc tế có thể khiến Trung Quốc quyết định triển khai nỗ lực thống nhất bằng vũ lực.

Giáo sư Phương Thiên Tứ thuộc đại học Thanh Hoa Đài Loan cũng lo ngại “quá to tiếng” về mặt ngoại giao có thể tạo ấn tượng rằng hòn đảo tự trị không an toàn, làm giảm niềm tin của giới đầu tư nước ngoài. Ông cho rằng Đài Loan nên ưu tiên nhận hỗ trợ thực chất hơn – chẳng hạn như vắc xin COVID-19.

Theo giáo sư Phương, Ấn Độ và Úc - 2 đối tác G7 dự hội nghị cấp cao vừa qua - đều không xem Đài Loan là ưu tiên đối ngoại, nên họ sẽ thận trọng trong phát triển quan hệ chiến lược (khuôn khổ phi chính thức) với Đài Loan.

Giáo sư Benjamin Ho thuộc Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam, Singapore nhận định không có khả năng Nhật, Ấn, Úc công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập vì làm vậy khiến quan hệ của họ với Trung Quốc thay đổi.

Các quốc gia Đông Nam Á sẽ “giữ khoảng cách” với tuyên bố G7 vì muốn tránh việc chọn phe. Theo giáo sư Ho: “Họ vẫn nhấn mạnh chính sách một Trung Quốc nhưng tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan ở mức kín đáo nhất có thể”.

"Phải đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cố tập hợp lực lượng chống lại nhau là một thách thức không nhỏ cho các quốc gia Đông Nam Á", giáo sư Ho cho biết.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự ủng hộ của G7 với Đài Loan có lợi đến đâu?