Đó là ba đứa trẻ không may sinh ra thiếu tháng, chỉ mới 25 đến 30 tuần tuổi thai, cân nặng chỉ từ 700g đến 800g, đều suy hô hấp nặng. Có bé bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết phải thở máy cả tháng trời. Ba đứa trẻ sơ sinh tưởng không thể nào sống nổi đã hồi phục một cách kỳ diệu.

Sự hồi phục kỳ diệu của 3 đứa trẻ sinh thiếu tháng nặng chỉ 700 - 800g

25/08/2020, 22:30

Đó là ba đứa trẻ không may sinh ra thiếu tháng, chỉ mới 25 đến 30 tuần tuổi thai, cân nặng chỉ từ 700g đến 800g, đều suy hô hấp nặng. Có bé bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết phải thở máy cả tháng trời. Ba đứa trẻ sơ sinh tưởng không thể nào sống nổi đã hồi phục một cách kỳ diệu.

3 bé sinh thiếu tháng trong ngày xuất viện - Ảnh: BVCC

Cấp cứu thành công bé sinh non bằng phương pháp mới

Khắc phục được hậu quả đối với não trẻ sinh thiếu tháng

Trẻ sinh non có thêm cơ hội sống sót trong tử cung nhân tạo

Trật khớp háng bẩm sinh: Trẻ sinh non có nguy cơ mắc cao hơn

Cách đây hơn 3 tháng, vào ngày 16.5.2020, một sản phụ 29 tuổi, quê ở tỉnh Bình Thuận đã mang tam thai hạ sinh cùng lúc 3 cháu bé tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) khi mới 26 tuần 5 ngày tuổi thai. Mỗi bé cân nặng khoảng 800g bị suy hô hấp nặng, có bé viêm phổi, nhiễm trùng huyết… Đến nay sau hơn 3 tháng chăm sóc và điều trị, cả 3 bé đã khỏe mạnh và được xuất viện.

BS.CK2 Bùi Thị Thủy Tiên - Trưởng Khoa sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương kể, lúc mới sinh bé thứ nhất chỉ cân nặng có 785g bị suy hô hấp, các bác sĩ ở đây phải cho bé thở áp lực dương liên tục (nCPAP), sau đó bé viêm phổi, suy hô hấp nặng phải thở máy. Đến tuần thứ 2 bé vẫn thở máy, viêm phổi nặng, nhiễm trùng sơ sinh kém đáp ứng kháng sinh, đổi kháng sinh, thiếu máu phải truyền máu. Các bác sĩ phải đặt PICC (đặt tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên) để nuôi ăn tĩnh mạch lâu dài.

Bé thứ 2 cân nặng được 850g nhưng bị suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm phổi - bệnh phổi mạn, phải thở máy, nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. Sau đó, lâm sàng của bé đáp ứng kém, tiếp tục thở máy, đổi kháng sinh, truyền máu 2 lần rồi đặt tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên.

Riêng bé thứ 3 cân nặng 860g nhưng phải thở máy đến 20 ngày, được bơm chất hỗ trợ phổi, điều trị kháng sinh và dinh dưỡng hỗ trợ. Đến sau hơn 2 tháng điều trị, bé mới được cai máy thở và được chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo (nằm ấp trong lòng mẹ). Ở những ngày đầu, bé này thở co lõm, rên, phản xạ kém, phải thở nCPAP, dùng kháng sinh, truyền dịch dinh dưỡng. Đến ngày thứ 3, bé vẫn tiếp tục thở nCPAP, dùng kháng sinh và tập cho ăn sữa, có cơn tím, được chụp X-quang thì phát hiện bệnh màng trong độ 1. Vào tối ngày thứ 3, bé có thêm nhiều cơn tím, phản xạ kém, mô dưới da cứng; được chuyển thở máy và đổi kháng sinh. Sau đó, bé vẫn thở máy, dùng kháng sinh. Đến ngày thứ 6, bé lại ọc dịch nâu, được truyền huyết tương tươi đông lạnh. Bé vẫn thở máy, tiếp tục điều trị kháng sinh đến ngày thứ 17 mới bắt đầu có những cải thiện.

“Giờ đây sau 3 tháng, cả 3 bé sinh cực non tháng đã khỏe mạnh, bú tốt và được xuất viện. Hiện mỗi bé đã cân nặng được khoảng 2kg”, bác sĩ Tiên cho biết.

Bé trai sơ sinh, thiếu tháng, cân nặng 800g bị suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, bệnh phổi mãn... đã khỏe mạnh và xuất viện - Ảnh: BVCC

Đặc biệt hơn cả phải kể đến là trường hợp một bé trai sinh non mới 25 tuần tuổi thai, cân nặng 800g cũng vừa được Bệnh viện Hùng Vương cứu sống.

Bác sĩ Bùi Thị Thủy Tiên cho biết đây là một là ca sinh cực non tháng, suy hô hấp nặng được cứu sống khá ngoạn mục “Chúng tôi đã phải mất đến 124 ngày mới nuôi sống thành công bé trai tí hon này. Hiện bé đã được xuất viện với cân nặng 1920g”, bác sĩ Tiên nói.

Theo bác sĩ Tiên, bé trai này bị bệnh màng trong, nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng, bệnh phổi mãn. Trong ngày đầu, bé thở co kéo, gắng sức sau sinh, phải thở máy, nuôi ăn tĩnh mạch hoàn toàn, thiếu máu phải truyền máu, với tình trạng nhiễm trùng sơ sinh sớm (công thức bạch cầu rất cao 130.000/mm3), bệnh màng trong phải bơm surfactant, điều trị kháng sinh vào ngày đầu sau sinh. Cả 1 tuần đầu, bé phải thở máy, nuôi ăn tĩnh mạch bán phần, kết hợp tập ăn bằng đường tiêu hóa qua sonde dạ dày, tình trạng rối loạn đông máu nặng phải truyền huyết tương tươi đông lạnh, điều trị kháng sinh.

Đến tuần thứ 2, bé vẫn thở máy, nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần, ói trong bệnh cảnh viêm ruột, nhiễm trùng sơ sinh vẫn chưa ổn, rối loạn đông máu nặng, thiếu máu, giảm tiểu cầu. Bé tiếp tục điều trị kháng sinh, truyền huyết tương tươi đông lạnh lần 2, truyền máu và truyền tiểu cầu. Sau đó, bé vẫn thở máy, nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch bán phần và nuôi ăn đường tiêu hóa qua sonde dạ dày, thiếu máu…

Quá xúc động trong ngày con mình khỏe mạnh được xuất viện, chị Ngô Thanh Trúc (mẹ của bé trai này) đã bày tỏ cảm xúc: “Cách đây hơn 4 tháng, ngày 17.4.2020 đã lấy đi của tôi không biết bao nhiêu nước mắt. Hôm nay là một ngày đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến bác sĩ trưởng Khoa sơ sinh, các bác sĩ và các cô điều dưỡng đã chăm sóc, điều trị cho con tôi để bé có được sức khỏe như ngày hôm nay. Ngàn lời cảm ơn cũng không diễn tả hết được lòng biết ơn của tôi. Chúc bác sĩ trưởng khoa, các bác sĩ cùng các cô điều dưỡng thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc đầy ý nghĩa, để mang đến cho các bé có cơ hội sống sót cũng như mang đến niềm vui và hạnh phúc”.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự hồi phục kỳ diệu của 3 đứa trẻ sinh thiếu tháng nặng chỉ 700 - 800g