SpaceX hôm 13.1 phóng thành công sứ mệnh không gian thứ hai trong năm 2022, đưa 105 vệ tinh thương mại lên quỹ đạo.

SpaceX phóng cùng lúc 105 vệ tinh vào quỹ đạo

Long Hải | 14/01/2022, 15:10

SpaceX hôm 13.1 phóng thành công sứ mệnh không gian thứ hai trong năm 2022, đưa 105 vệ tinh thương mại lên quỹ đạo.

ten-lua11.jpg
Tên lửa Falcon 9 phóng 105 vệ tinh lên quỹ đạo - Ảnh: SpaceX

Tên lửa đẩy hai tầng Falcon 9 mang theo 105 vệ tinh thương mại, cất cánh từ Tổ hợp phóng 40 tại Trạm không gian Cape Canaveral ở Florida vào lúc 10 giờ 25 sáng 13.1 (giờ địa phương). Khoảng 9 phút sau khi rời bệ phóng, tầng đẩy thứ nhất đã tách ra và hạ cánh xuống một bãi đáp trên đất liền ở Cape Canaveral, cách địa điểm phóng ban đầu chỉ vài km.

“Cho đến nay, tên lửa Falcon 9 mã hiệu B1058 đã thực hiện 10 chuyến bay và được tái sử dụng 9 lần kể từ nhiệm vụ đầu tiên vào cuối tháng 5.2020. Lần phóng này cũng đánh dấu lần thứ 102 SpaceX thu hồi thành công dòng tên lửa tái sử dụng một phần”, Giám đốc kỹ thuật của SpaceX Kate Tice cho biết.

ten-lua22.jpg
Tầng 1 của tên lửa Falcon 9 hạ cánh xuống bãi đáp trên đất liền - Ảnh: SpaceX

Sứ mệnh vận chuyển hàng hóa không gian thương mại này mang tên Transporter 3, dự kiến ​​sẽ phân tán 105 vệ tinh nhỏ vào quỹ đạo địa cực. Quỹ đạo này được các công ty quan sát Trái đất săn lùng vì nó thuận tiện cho vệ tinh quay quanh quỹ đạo để quét toàn bộ hành tinh hàng ngày.

Các trọng tải của Transporter 3 có đủ loại kích cỡ: từ nhỏ như lon nước ngọt, đến cỡ hộp đựng giày, rồi lớn như máy giặt. Vệ tinh lớn nhất trong nhóm là Ukraine Sich 2-1, công cụ chụp ảnh Trái đất nặng 170 kg của chính phủ Ukraine. Nó được chế tạo bởi một công ty có tên là Yuzhnoye, với nhiệm vụ theo dõi những thay đổi về môi trường, sự mở rộng đô thị và giúp quản lý cây trồng.

Kế đến là 2 cặp vệ tinh viễn thám thuộc công ty ICEYE của Phần Lan và Capella Space của Mỹ. Đây chỉ là hai công ty trong số nhiều công ty đang cố gắng xây dựng một chòm sao nhỏ trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Các đội vệ tinh nhỏ của họ có các chức năng tương tự nhau: theo dõi và lập bản đồ các vùng đất, đại dương và các tảng băng trên Trái đất thông qua hình ảnh radar.

Kỹ thuật này không cung cấp hình ảnh nhiều màu sắc hoặc chi tiết như viễn thám quang học, nhưng có một lợi ích khác đó là radar có thể nhìn xuyên qua các đám mây và trong bóng tối, điều mà các thiết bị quang học không thể làm được. Cặp vệ tinh của ICEYE sẽ kết nối cùng 13 vệ tinh khác đã ở trên quỹ đạo, với mỗi vệ tinh nặng khoảng 85 kg. Bộ đôi của Capella mỗi vệ tinh nặng khoảng 100 kg và sẽ tham gia cùng 5 thiết bị khác trong không gian.

Video toàn bộ quá trình phóng 105 vệ tinh vào quỹ đạo của SpaceX

Các vệ tinh trên không phải là thiết bị duy nhất được trang bị radar trên Transporter-3. Công ty Umbra đã phóng vệ tinh thứ hai của chòm sao đang phát triển có thể cung cấp hình ảnh radar thương mại có độ phân giải cao nhất từ ​​không gian. Với độ phân giải 6 inch, thiết bị nặng 65 kg của Umbra có thể đánh bại các máy ảnh của ICEYE.

Các trọng tải còn lại trong sứ mệnh Transporter 3 chủ yếu là thiết bị cỡ nhỏ, bao gồm 44 vệ tinh quan sát Trái đất SuperDove của công ty Planet, 8 vệ tinh CubeSats Tevel do các sinh viên ở Israel chế tạo, 5 vệ tinh theo dõi thời tiết của Spire Global, 4 vệ tinh chuyển tiếp dữ liệu của Kepler Communications và 3 vệ tinh giám sát giao thông MDASats của Nam Phi... Theo SpaceX, mất khoảng một tiếng rưỡi để tất cả vệ tinh trên triển khai vào quỹ đạo.

Bài liên quan
SpaceX không thu hồi phần đẩy tên lửa trong lần thử nghiệm mới nhất
Trong lần thứ 6 phóng thử nghiệm Starship ngày 19.11, Công ty SpaceX không dùng cánh tay lớn bắt lại phần đẩy của tên lửa như dự kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
SpaceX phóng cùng lúc 105 vệ tinh vào quỹ đạo