Các nhà cổ sinh vật học mới đây đã phát hiện một bộ xương hóa thạch của loài thằn lằn cá (ichthyosaur), thường được gọi là “rồng biển”, ở miền trung nước Anh.

Tìm thấy hóa thạch ‘rồng biển’ khổng lồ 180 triệu năm tuổi

Long Hải | 12/01/2022, 11:45

Các nhà cổ sinh vật học mới đây đã phát hiện một bộ xương hóa thạch của loài thằn lằn cá (ichthyosaur), thường được gọi là “rồng biển”, ở miền trung nước Anh.

nha-sinh-vat.jpg
Nhà cổ sinh vật học Dean Lomax nằm cạnh bộ xương của loài Rutland ichthyosaur

Hóa thạch “rồng biển” được phát hiện trong Khu bảo tồn thiên nhiên Rutland Water tại Anh vào tháng 1.2021. Joe Davis, trưởng nhóm bảo tồn của tổ chức Leicestershire và Rutland Wildlife Trust, điều hành khu bảo tồn thiên nhiên cùng với Anglia Water, là người đã phát hiện ra bộ xương ichthyosaur gần như hoàn chỉnh. Toàn bộ cơ thể dài khoảng 10 mét, trong đó chỉ riêng hộp sọ đã dài gần 2,1 mét.

Trong một tuyên bố, Davis nói: “Phát hiện này rất đặc biệt và là một điểm nhấn thực sự trong sự nghiệp của tôi. Hóa thạch ở Rutland có niên đại khoảng 180 triệu năm và thuộc về một con vật đồ sộ. Sinh vật này có thể đã từng bơi ở vùng biển phía trên chúng ta, và bây giờ một lần nữa Rutland Water là thiên đường cho động vật hoang dã ở vùng đất ngập nước dù có quy mô nhỏ hơn”.

Thằn lằn cá (ichthyosaur) là một nhóm bò sát biển khổng lồ đã tuyệt chủng. Chúng từng sống lang thang trên các đại dương khắp thế giới từ khoảng 90 triệu đến 250 triệu năm trước. Thằn lằn cá tồn tại cùng thời với khủng long nhưng có hình dáng và cấu tạo hoàn toàn khác. Cơ thể chúng trở nên thuôn dài và giống cá hơn theo thời gian.

Nhiều loài thằn lằn cá có kích thước tương đương cá mập ngày nay, chuyên săn cá, mực và những con mồi nhỏ khác. Vài loài là động vật ăn thịt hàng đầu, thường nhằm vào bò sát biển lớn. Tính đến nay, loài thằn lằn cá lớn nhất trong lịch sử sống ở kỷ Tam Điệp, cách đây 250-201 triệu năm.

Hơn 100 loài thằn lằn cá đã được phát hiện cho đến nay, mặc dù những mẫu vật lớn như bộ xương được tìm thấy ở Rutland Water, khoảng 180 triệu năm tuổi, là rất hiếm và thường chỉ được tìm thấy ở Đức và Bắc Mỹ.

Sau khi được phát hiện, hóa thạch của “rồng biển” đã được khai quật một cách cẩn thận bởi một nhóm các nhà cổ sinh vật học từ khắp nước Anh do Dean Lomax, nhà khoa học thuộc Đại học Manchester, dẫn đầu.

Lomax nói: “Thật vinh dự khi dẫn đầu cuộc khai quật. Nước Anh là nơi sinh của loài ichthyosaur và hóa thạch của chúng đã được khai quật ở đây hơn 200 năm”.

Theo Lomax, bộ xương này là bộ xương lớn nhất và hoàn chỉnh nhất từng được tìm thấy ở Vương quốc Anh. Các chuyên gia cho biết đây có thể là bộ xương đầu tiên của loài Temnodontosaurus trigonodon được tìm thấy ở nước này. Đầu kỷ Jura cách đây 180 triệu năm, Temnodontosaurus trigonodon là động vật ăn thịt dưới biển lớn nhất hành tinh.

“Mặc dù có rất nhiều hóa thạch ichthyosaur được phát hiện ở Anh, nhưng điều đáng chú ý đây là bộ xương lớn nhất từng được tìm thấy. Đây là một trong những khám phá vĩ đại nhất trong lịch sử cổ sinh vật học của Anh”.

Vài loài thằn lằn cá to như cá voi tiến hóa vào đầu kỷ Tam Điệp nhưng biến mất trong sự kiện đại tuyệt chủng cách đây 201 triệu năm. Những loài thằn lằn cá còn sống sót trở nên nhỏ dần nhưng một số loài lại phát triển kích thước lần nữa. Thông qua xem xét răng của mẫu vật mới, các nhà cổ sinh vật học có thể tìm hiểu về thức ăn và vai trò của thằn lằn cá Rutland trong hệ sinh thái cuối kỷ Jura.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm thấy hóa thạch ‘rồng biển’ khổng lồ 180 triệu năm tuổi