Tại Sóc Trăng, các phường, xã ven biển đã thành lập đội cơ động - xung kích. Tỉnh này còn trên 200 tàu cá với hàng nghìn người làm việc ngoài khơi khi có bão số 9.
Tối 24.11, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêucho biết Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh đã chỉ đạo cho các huyện, thị ven biển lên phương án phòng chống bão số 9.
Theo ông Lân, dự báo bão không ảnh hưởng đến Bạc Liêu nhưng cơ quan chức năng TP.Bạc Liêu, H.Hòa Bình và H.Đông Hải đang hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, chằng chống mái nhà. Các địa phương ven biển cũng chuẩn bị phòng chống bão theo phương án 4 tại chỗ:lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ.
"Chúng tôi đã ra lệnh cấm tàu thuyền ra biển. Còn việc sơ tán, di dời dân thì chưa có", ông Lân nói.
Tại Sóc Trăng, ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết địa phương chưa tổ chức sơ tán dân. Tuy nhiên, nếu bão chuyển hướng bất ngờ và Sóc Trăng ảnh hưởng bão số 9 thì tỉnh này sẽ sơ tán hàng chục nghìn người dân ở các H.Cù Lao Dung, Trần Đề, Long Phú và TX.Vĩnh Châu.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó phòng Kinh tế TX.Vĩnh Châu cho biếtcán bộ phòng chống bão đã trực tiếp đến các xã, phường để kiểm tra tình hình phòng chống bão.
"Các xã, phường đều thành lập đội cơ động - xung kích để hỗ trợ dân trong việc phòng chống bão. Các trạm chuyên môn đưa ra giải pháp và khuyến cáo về hỗ trợ kỹ thuật cho người dân sản xuất trong tình hình mưa bão, đặc biệt là hành sớm, lúa và tôm chuẩn bị thu hoạch. Chúng tôi khuyến cáo người dân không thả tôm và xuống giống rau màu trong thời gian mưa bão", ông Chí nói.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TX.Vĩnh Châu đã chỉ đạo cho các xã, phường kết hợp cùng các đồn biên phòng Vĩnh Hải, Vĩnh Châu, Lai Hòa thông báo cho chủ phương tiện tàu thuyền biết về diễn biến của bão số 9 để chủ động các phương án tránh, trú ẩn phù hợp. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản đối với các hoạt động trên biển...
Do giông lốc có thể xảy ra nên người dân và cơ quan chức năng ở huyện, thị ven biển phải chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, bệnh viện, trường học, các công trình công cộng. Sẵn sàng lực lượng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
HiệnSóc Trăng còn 224 phương tiện đánh bắt thủy sản ngoài khơi với 1.401 thuyền viên. Trong đó tàu xa bờ là 189 chiếc (1.315 thuyền viên) và gần bờ có 35 chiếc (86 thuyền viên). Cơ quan chức năng ở tỉnh này đã kêu gọi các tàu khẩn trương vào bờ, tìm nơi tránh, trú bão. Đối với tàu thuyền đang neo đậu trong bờ đã nhận được lệnh cấm ra khơi.
Hàm Yên