Một số phòng khám đa khoa tư nhân, nhất là các phòng khám có yếu tố nước ngoài, dù đã nhiều lần bị xử phạt, thậm chí phạt kịch khung, nhưng vẫn tiếp tục vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh.

Sở Y tế TP.HCM nói gì về việc nhiều phòng khám tư bị phạt nặng vẫn tiếp tục vi phạm?

Hồ Quang | 30/11/2022, 17:50

Một số phòng khám đa khoa tư nhân, nhất là các phòng khám có yếu tố nước ngoài, dù đã nhiều lần bị xử phạt, thậm chí phạt kịch khung, nhưng vẫn tiếp tục vi phạm trong hoạt động khám chữa bệnh.

Sau thời gian tạm lắng do dịch bệnh COVID-19, gần đây một số phòng khám đa khoa tư nhân, nhất là các phòng khám có yếu tố nước ngoài, lại tái xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong hành nghề khám-chữa bệnh.

so-y-te-tphcm-noi-gi-ve-viec-nhieu-phong-kham-tu0nhan-biphat-nang-van-tiep-tuc-vi-pham-hinh-anh(1).png
Phòng khám đa khoa Quốc Tế (221 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) - một trong những phòng khám tư nhân đã bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM nhiều lần xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm trong hoạt động khám, chữa bệnh - Ảnh: PV

Điều đáng nói, các phòng khám này từng vi phạm và bị xử phạt ở khung cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể như: Phòng khám đa khoa Hồng Cường (87-89 Thành Thái, phường 14, quận 10); Phòng khám đa khoa Quốc Tế (221 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1); Phòng khám đa khoa Hồng Phong (160-162 Lê Hồng Phong, phường 3, quận 5)…

Đặc biệt mới đây, vào tháng 10, Phòng khám đa khoa Quốc Tế bị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt 116 triệu đồng; đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám-chữa bệnh trong thời hạn 2 tháng, nhưng phòng khám này vẫn tiếp tục bị bệnh nhân tố “vẽ” bệnh để thuyết phục bệnh nhân phải điều trị với số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Chiêu thức moi tiền của phòng khám này là người bệnh khi đến đây được yêu cầu thực hiện một loạt xét nghiệm, siêu âm. Sau đó, bệnh nhân được đưa vào các phòng tiểu phẫu để tư vấn điều trị. Dù có bệnh hay không, dù bệnh nhẹ hay nặng thì bệnh nhân đều được đưa ra những chẩn đoán là mắc bệnh nguy hiểm, cần phải làm tiểu phẫu, cắt, đốt với chi phí hàng chục triệu đồng…

Trước thực trạng trên, Sở Y tế TP.HCM cho rằng tất cả nhân viên ngành y tế TP đều phẫn nộ và lên án mạnh mẽ các hành vi “vẽ” bệnh, moi tiền người bệnh của một vài cơ sở tư nhân thường xuyên tái phạm những hành vi thiếu đạo đức này.

Sở Y tế kêu gọi người dân, nhân viên y tế cùng hỗ trợ ngành y tế phát hiện và kịp thời thông báo về Thanh tra Sở Y tế bằng cách gọi đường dây nóng, hoặc thông báo qua ứng dụng “Y tế trực tuyến”, hoặc bất cứ hình thức nào có thể để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Để có thể xử lý dứt điểm tình trạng trên, theo Sở Y tế TP.HCM, Quốc hội nên sớm thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám-chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh, và các quy định này sớm có hiệu lực khi được ban hành.

Cần tăng nặng các hình thức xử phạt như: thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cho biết đã chỉ đạo thanh tra duy trì thường xuyên (không chỉ theo đợt) công tác thanh-kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài và từng vi phạm, tiếp tục xử lý nghiêm với mức hình phạt cao nhất theo quy định hiện hành.

Sở Y tế đề nghị UBND các quận huyện tăng cường phối hợp với sở trong quản lý hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn, cụ thể là chỉ đạo phòng y tế phối hợp với các bộ phận chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các địa chỉ phòng khám từng vi phạm, đang vi phạm và bị tạm đình chỉ ngưng hoạt động, buộc các cơ sở vi phạm ngưng quảng cáo, che hoặc gỡ biển hiệu trong thời gian bị tạm ngưng hoạt động.

“Rất cần bổ sung các hình phạt nghiêm khắc nhất đối với các phòng khám đa khoa tư nhân xem thường pháp luật, và các quy định pháp luật về việc cho phép các bác sĩ nước ngoài hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam”, Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
35 phút trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sở Y tế TP.HCM nói gì về việc nhiều phòng khám tư bị phạt nặng vẫn tiếp tục vi phạm?