Như trong bài trước đã tường trình, khi đã có một bản án được ban hành thì ắt phải có một điểm sai nào đó trong vụ việc đã phát sinh và bị buộc phải điều chỉnh bằng pháp luật. Vấn đề ở đây là: phải xác định cho đúng chỗ sai và đối tượng buộc phải bị điều chỉnh theo pháp luật hiện hành để đảm bảo tính công bằng, công minh của luật pháp.

Sổ đỏ hợp pháp không được xem là hợp pháp (Kỳ 2): Lắt léo từ vụ án

Hữu Phú | 04/06/2017, 07:34

Như trong bài trước đã tường trình, khi đã có một bản án được ban hành thì ắt phải có một điểm sai nào đó trong vụ việc đã phát sinh và bị buộc phải điều chỉnh bằng pháp luật. Vấn đề ở đây là: phải xác định cho đúng chỗ sai và đối tượng buộc phải bị điều chỉnh theo pháp luật hiện hành để đảm bảo tính công bằng, công minh của luật pháp.

Kỳ 1: 8 hộ dân đồng loạt kiện UBND thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương

Một vụ án không phức tạp trở thành phức tạp

Quá bức xúc vì tài sản của mình có nguy cơ bị mất trắng và bị tước đi mọi cơ hội để giành lại công bằng cho mình và gia đình, những người dân đứng tên trong đơn kêu cứu khẩn cấp gởi báo điện tử Một Thế Giới đã đồng lòng cùng nhau tìm hiểu sâu vụ việc, để chỉ ra cho được nguyên nhân dẫn đến Bản án số 164/2013/DS-PT.

Theo trình bày của những người dân này thì toàn bộ quá trình tranh tụng (được thể hiện qua các bản án) có thể được lược thuật lại như sau:

Ngày 23.10.2012, TAND Bình Dương đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án dân sự thụ lý số 13/2011/TLST-DS ngày 11.3.2011, giải quyết yêu cầu của bà Ngô Bích Hải (thường trú tại 389 Farrington Street, St Paul, MN 55103, USA) buộc bà Nguyễn Thị Tuyết và hai con của bà Tuyết là ông Trần Văn Dũng và ông Trần Văn Thắng trả lại cho bà Hải căn nhà và 3.537m2 đất tọa lạc tại 150B, ấp Nội Hóa.

Theo nội dung bản án, TAND Bình Dương đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cụ thể là: Buộc bà Tuyết, ông Dũng và ông Thắng phải giao trả cho bà Ngô Bích Hải 2.790m2 đất (trong đó có 188,3m2 đất ở; 7,1m2 đất nghĩa địa và 2.595,5m2 đất nông nghiệp) và căn nhà số 150B, ấp Nội Hóa, P.Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Bà Ngô Bích Hải được quyền sở hữu các tài sản của bà Tuyết có trên khu đất do bà Tuyết, ông Dũng và ông Thắng giao trả, gồm: 52,2m2 nhà bếp, nhà tắm và chuồng trại cạnh nhà tắm; ông Ngô Phạm Thiện (đại diện theo ủy quyền của bà Hải) được quyền thay mặt bà Hải quản lý các tài sản nói trên; bà Tuyết, ông Dũng và ông Thắng được quyền quản lý, sử dụng 316,3m2 đất (trong đó có 50m2 đất ở và 266,3m2 đất nông nghiệp); buộc bà Hải có trách nhiệm thanh toán cho bà Tuyết tổng giá trị của căn nhà bếp, nhà tắm và chuồng trại cạnh nhà tắm là 15.824.700 đồng.

Ngày 29.10.2012, đại diện theo ủy quyền của bà Tuyết đã nộp đơn kháng cáo đến Tòa Phúc thẩm TAND Tối Cao Tại TP.HCM yêu cầu Tòa Phúc thẩm hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm nói trên và đình chỉ giải quyết vụ án. Ngày 20.5.2013, Tòa Phúc thẩm mở phiên tòa xét xử phúc thẩm và ra Bản án số 164/2013/DS-PT với nội dung giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 11/2012/DS-ST ngày 23.10.2012 của TAND Bình Dương.

Đọc 2 bản án, thì nhiều người sẽ thấy chẳng có điều gì liên quan đến 7 hộ dân đứng tên trong đơn kêu cứu khẩn cấp để dẫn đến việc UBND thị xã Dĩ An ra quyết định thu hồi, hủy GCNQSDĐ của 7 hộ này. Nếu có, thì vụ án chỉ liên quan đến 1 hộ dân duy nhất là bà Nguyễn Thị Tuyết. Vậy tại sao 7 hộ dân không liên can đến vụ án lại bị UBND thị xã Dĩ An “lôi vào cuộc”, và nguyên nhân nào dẫn đến tình huống oái ăm này?

Tìm hiểu sâu hơn vụ việc, chúng tôi được biết: Ngày 26.5.2006, bà Tuyết được UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ số H5889 đối với thửa đất 1142, 1143, tờ bản đồ số 02, diện tích 3.238m2 tọa lạc tại ấp Nội Hóa, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Sau khi được UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ có số H5889 ngày 26.5.2006, trong quá trình sử dụng đất, bà Tuyết đã tặng cho toàn bộ 3.238m2 này cho các cá nhân khác và những người này đã tiếp tục chuyển nhượng…

Cụ thể: Ngày 1.11.2008, bà Nguyễn Thị Tuyết đã ký Hợp Đồng Tặng Cho Quyền Sử Dụng Đất (“HĐTCQSDĐ”) có số công chứng 288 tại Phòng Công chứng số 2 tỉnh Bình Dương (“PCC số 2”), tặng cho bà Bùi Thị Dung (thường trú tại 159B/19 tổ 19 Khu B, ấp Nội Hóa 2, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) quyền sử dụng 350m2 đất.

Ngày 18.3.2009, bà Bùi Thị Dung được UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ số H06763, diện tích 350m2, thửa đất số 4021, tờ bản đồ số 2BA.4; Ngày 2.7.2009, bà Bùi Thị Dung tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất trên cho ông Trương Văn Khắng (thường trú tại 16/A14 khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (“HĐCNQSDĐ”) có số công chứng 4160 tại PCC số 2. Ngày 11.7.2009, ông Khắng được UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ số H06763 đối với 350m2 đất này.

Ngày 1.11.2008, bà Nguyễn Thị Tuyết ký HĐTCQSDĐ có số công chứng 291 tại PCC số 2, tặng cho ông Trần Văn Hạnh (thường trú tại 10/3 khu phố Hòa Long, thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) 197,4m2 đất. Ngày 18.3.2009, ông Trần Văn Hạnh được UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ số H06764, diện tích 197,4m2, thửa đất số 4026, tờ bản đồ số 2BA.4. Ngày 5.8.2011, ông Trần Văn Hạnh đã chuyển nhượng toàn bộ phần diện tích đất này cho bà Võ Thị Lợi theo HĐCNQSDĐ có số công chứng 5624 PCC số 2. Ngày 14.9.2011, bà Võ Thị Lợi đã được UBND thị xã Dĩ An cấp GCNQSDĐ số CH01320 đối với 197,4m2 đất này.

Ngày 1.11.2008, bà Nguyễn Thị Tuyết ký HĐTCQSDĐ có số công chứng 290 tại PCC số 2, tặng cho ông Trần Văn Thắng (thường trú tại 159B/19 tổ 19, khu B, ấp Nội Hóa 2, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) 390,8m2 đất. Ngày 18.3.2009, ông Trần Văn Thắng được UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ H06765, diện tích 390,8m2, thửa đất số 4024, tờ bản đồ số 2BA.4. Ngày 5.8.2011, ông Trần Văn Thắng đã chuyển nhượng toàn bộ phần diện tích đất trên cho bà Võ Thị Lợi theo HĐCNQSDĐ có số công chứng 5625 tại PCC số 2. Ngày 6.9.2011, bà Võ Thị Lợi được UBND thị xã Dĩ An đã cấp GCNQSDĐ số CH01296 đối với 390,8m2 đất này.

Ngày 1.11.2008, bà Nguyễn Thị Tuyết ký HĐTCQSDĐ có số công chứng 289 tại PCC số 2, tặng cho bà Bùi Thị Dung quyền sử dụng 577,1m2 đất. Ngày 7.4.2009, bà Bùi Thị Dung được UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ số H06777, diện tích 577,1m2, thửa đất số 4023, tờ bản đồ số 2BA.4.

Ngày 5.8.2011, bà Bùi Thị Dung tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất này cho ông Võ Hữu Nghĩa (thường trú tại số nhà 25C/3 Bình Đáng, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) theo HĐCNQSDĐ có số công chứng 5621 tại PCC Số 2. Ngày 14.9.2011, ông Võ Hữu Nghĩa đã được UBND thị xã Dĩ An cấp GCNQSDĐ số CH01321 đối với 577.1m2 đất này.

Ngày 10.5.2012, ông Võ Hữu Nghĩa cùng vợ là bà Đoàn Thị Như Linh tiếp tục chuyển nhượng phần diện tích đất nói trên cho bà Võ Thị Kim Hạnh (thường trú tại 10/3 Khu Phố Hòa Long, Phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) theo HĐCNQSDĐ có số công chứng 3918 tại Văn Phòng Công Chứng Tân Uyên, tỉnh Bình Dương (“VPCC Tân Uyên”). Ngày 8.6.2012, bà Võ Thị Kim Hạnh được UBND thị xã Dĩ An đã cấp GCNQSDĐ số CH01992 đối với 577.1m2 đất này.

Ngày 1.11.2008, bà Nguyễn Thị Tuyết ký HĐTCQSDĐ có số công chứng 287 tại PCC số 2, tặng cho ông Trần Văn Hạnh 350m2 đất. Ngày 7.4.2009, ông Trần Văn Hạnh được UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ số H06776, diện tích 350m2, thửa đất số 4022, tờ bản đồ số 2BA.4. Phần diện tích đất này, ông Hạnh tiếp tục sử dụng.

Ngày 1.11.2008, bà Nguyễn Thị Tuyết ký kết HĐTCQSDĐ có số công chứng 292, tại PCC số 2, tặng cho ông Trần Văn Dũng (thường trú tại 159B/19 tổ 19, khu B, ấp Nội Hóa 2, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) 404,6m2đất.

Ngày 18.3.2009, ông Trần Văn Dũng được UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ số H06766, diện tích 404,6m2, thửa đất số 4025, tờ bản đồ số 2BA.4. Ngày 13.8.2010, ông Dũng đã tặng cho phần diện tích đất 100m2 đất (trong tổng 404,6m2) cho bà Trần Thị Kim Ngân (thường trú tại 140/B3 Khu phố Châu Thới, Phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) theo HĐTCQSDĐ có số công chứng 6102 tại Văn phòng Công chứng Dĩ An, tỉnh Bình Dương (“VPCC Dĩ An”).

Ngày 30.9.2010, bà Trần Thị Kim Ngân được UBND thị xã Dĩ An cấp GCNQSDĐ số CH00504 đối với 100m2 đất này. Đối với phần diện tích đất 304,6m2 của ông Trần Văn Dũng (phần diện tích đất còn lại sau khi tặng cho bà Trần Thị Kim Ngân), ngày 5.8.2011, ông Dũng đã chuyển nhượng cho ông Hồ Văn Xáng (thường trú tại 140/B3 Khu phố Châu Thới, Phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) theo HĐCNQSDĐ có số công chứng 5619 tại PCC số 2. Ngày 6.9.2011, ông Hồ Văn Xáng được UBND thị xã Dĩ An đã cấp GCNQSDĐ số CH01297 đối với 304,6m2 đất này.

Ngày 5.5.2009, bà Nguyễn Thị Tuyết đã ký HĐTCQSDĐ có số công chứng 1317 tại PCC số 2, tặng cho ông Võ Hoàng Tuyên (thường trú tại 26C1-8 Cư xá Điện Lực, Trần Não, phường Bình An, quận 2, TP.HCM) 968,1m2 đất còn lại của bà.

Ngày 26.6.2009, ông Võ Hoàng Tuyên được UBND huyện Dĩ An cấp GCNQSDĐ số H06836, diện tích 968,1m2, thửa đất số 1143, tờ bản đồ số 02. Quá trình sử dụng đất, ngày 20.8.2011, ông Võ Hoàng Tuyên đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất 968,1m2, thửa đất số 1143, tờ bản đồ số 02 cho bà Trịnh Thị Kim Hà theo HĐCNQSDĐ có số công chứng 6015 tại VPCC Dĩ An. Ngày 4.7.2012, bà Trịnh Thị Kim Hà đã được UBND thị xã Dĩ An cấp GCNQSDĐ mới số CH02038 đối với 968,1m2 đất này.

Như vậy, từ tháng 5.2009, bà Tuyết đã không còn quyền sử dụng đối với toàn bộ 3.238m2 đất tọa lạc tại ấp Nội Hóa, xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Toàn bộ diện tích đất này đã được tặng cho cho các ông bà Bùi Thị Dung, Trần Văn Hạnh, Trần Văn Thắng, Trần Văn Dũng, Võ Hoàng Tuyên một cách hợp pháp, giao dịch tặng cho được công chứng, thực hiện đầy đủ thủ tục kê khai, đăng ký biến động theo đúng quy định pháp luật.

Đến tháng 5.2012, sau khi nhận chuyển nhượng/tặng cho từ các ông bà Bùi Thị Dung, Trần Văn Hạnh, Trần Văn Thắng, Trần Văn Dũng, Võ Hoàng Tuyên và thực hiện đầy đủ thủ tục kê khai, đăng ký biến động, đóng thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định pháp luật, các hộ dân gồmTrương Văn Khắng, Trần Văn Hạnh, Võ Thị Kim Hạnh, Võ Thị Lợi, Hồ Văn Xáng, Trịnh Thị Kim Hà và Trần Thị Kim Ngân là người sử dụng đất hợp pháp đối với toàn bộ diện tích đất này. Từ thời điểm được cấp các GCNQSDĐ, họ là người trực tiếp sử dụng đất và không có bất kỳ vi phạm, bất kỳ tranh chấp nào phát sinh.

Và như thế, có thể thấy ngay rằng: Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2012/DS-ST ngày 23.10.2012 của TAND Bình Dương và Bản án dân sự phúc thẩm số 164/2013/DS-PT ngày 20.5.2013 của TAND Tối Cao đều diễn ra sau khi bà Nguyễn Thị Tuyết không còn quyền sử dụng đối với lô đất bị tranh chấp. Vì vậy, mới dẫn đến câu chuyện đầy “kịch tính” như đã nêu trong bài trước, khiến những người trong cuộc “cười không nổi”…

Đơn kêu cứugửi báo điện tử Một Thế Giới

Ai liên can và ai vô can?

Trước hết, cần phải xác định ngay rằng: 7 hộ dân đứng tên trong đơn kêu cứu gởi các cơ quan truyền thông, báo chí (không có hộ bà Nguyễn Thị Tuyết) hoàn toàn vô can trong toàn bộ 2 bản án đã nêu nhưng lại là những người chịu toàn bộ những hệ lụy, thiệt hại - nếu có - trong vụ án. Những tấm GCNQSDĐ đã bị UBND thị xã Dĩ An thu hồi để phục vụ cho việc thi hành án đều đứng tên của những người dân vô can này, còn bà Nguyễn Thị Tuyết - người duy nhất trong 8 hộ dân kêu cứu có liên can - thì lại… chẳng còn tờ GCNQSDĐ nào để mà thu hồi.

Những người dân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bà Tuyết có cần phải biết rằng miếng đất đang bị tranh chấp để chủ động từ chối thực hiện hành vi chuyển nhượng, đề phòng một hậu quả mà họ không hề biết sẽ xảy ra trong tương lai nhằm giúp các cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc xử lý vi phạm - nếu có?

Xin trả lời ngay và luônlà: Họ không cần phải biết và cũng không có đủ phương tiện, quyền hạn để xác định tính hợp pháp hay hậu quả của miếng đất mà họ nhận chuyển nhượng. Việc thẩm định đó thuộc về các cơ quan chức năng địa phương, nếu họ thấy hợp lệ, hợp pháp thì công nhận vụ chuyển nhượng và cấp giấy GCNQSDĐ. Đồng thời, việc chịu trách nhiệm cho tính hợp pháp cũng như những hậu quả xảy ra sau này nếu giấy GCNQSDĐ được cấp sai cũng thuộc về các cơ quan chức năng đã cấp tấm giấy đó.

Trong trường hợp của bà Nguyễn Thị Tuyết, bà có sai trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho những người khác? Cũng xin thưa ngay và luôn là: Bà không hề sai trong thời điểm tiến hành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác. Bởi, nếu bà Tuyết sai thì các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm ngăn chặn hành vi này để phòng tránh những hậu quả. Việc bà Tuyết thực hiện hành vi chuyển nhượng thành công, được chính quyền địa phương công nhận sau các bước tiến hành thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và hoàn thành các thủ tục cần thiết để hiện thực hóa hành vi này đã chứng minh quá trình chuyển nhượng là hợp pháp.

Vậy thì… ai sai, trong suốt câu chuyện dài mà chúng tôi vừa kể? Chắn chắn rằng phải có một bên nào đó đã để xảy ra sai sót, nhưng cũng chắn chắn rằng bên sai đó không phải là những người dân vô tội đã tuân thủ pháp luật, thực hiện các hành vi mua bán, chuyển nhượng tài sản của mình dưới sự giám sát, công nhận của các cơ quan chức năng.

Một tấm GCNQSDĐ là tài sản của cả một đời người với quy trình cấp, chuyển nhượng, thu hồi… rất khó khăn và nghiêm ngặt. GCNQSDĐ được cấp là để đảm bảo quyền lợi của người chủ sở hữu trước luật pháp, vậy thì khi nó bị xâm phạm bởi bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì thì quyền lợi của người chủ sở hữu tấm GCNQSDĐ phải được đưa lên hàng đầu và được pháp luật bảo hộ.

Trong trường hợp của những người đứng đơn kêu cứu trong vụ án này, quyền lợi của những người chủ sở hữu các tờ GCNQSDĐ đã được UBND thị xã Dĩ An xem xét đến hay chưa? Nếu có, thì tại sao họ lại không có cả cơ hội để được tham gia một phiên tòa xét xử để bảo vệ quyền lợi của mình, trước khi những tấm GCNQSDĐ bị hủy để được cấp mới cho người khác?

Trong trường hợp GCNQSDĐ hợp pháp của những người đứng đơn kêu cứu bị “mất trắng” thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những thiệt thòi mà những người này phải gánh chịu? Nếu những người dân này phải mặc nhiên gánh chịu hậu quả của một sai lầm nào đó mà không phải do họ gây ra thì luật pháp ở đâu? Trong trường hợp mà những tờ GCNQSDĐ bị xem như vô hiệu, bất hợp pháp khi nó được chính các cơ quan chức năng của nhà nước cấp thì lỗi có phải ở người dân?...

Còn quá nhiều câu hỏi cần đặt ra với các cơ quan chức năng địa phương từ việc những người dân đang hàng ngày phải gánh chịu thiệt thòi từ những lỗi lầm không phải của họ. Cả dư luận cũng cần câu trả lời minh bạch cho những câu hỏi đặt ra để người dân được yên lòng sống trong sự bảo hộ của luật pháp.

GCNQSDĐ hợp pháp được cấp bởi các cơ quan chức năng mà lại không được xem là hợp pháp, bị thu hồi mà không xem xét đến những quyền lợi chính đáng của người chủ sở hữu, thì người dân còn biết tin vào cái gì? UBND thị xã Dĩ An có hoàn toàn vô can trong vụ án để đứng trong vụ việc với tư thế của “người phán xét”?

Hữu Phú
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
1 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sổ đỏ hợp pháp không được xem là hợp pháp (Kỳ 2): Lắt léo từ vụ án