Siêu ủy ban cần phải có được những nhân sự có tư duy hiện đại, có tầm nhìn xa, có nhiều kinh nghiệm về thị trường quốc tế. Nếu nhân sự ngồi nhầm ghế thì sẽ rất nguy hiểm, làm trì trệ bộ máy”, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nói.

‘Siêu ủy ban' phải chống tình trạng tham nhũng, sân trước sân sau

01/10/2018, 11:13

Siêu ủy ban cần phải có được những nhân sự có tư duy hiện đại, có tầm nhìn xa, có nhiều kinh nghiệm về thị trường quốc tế. Nếu nhân sự ngồi nhầm ghế thì sẽ rất nguy hiểm, làm trì trệ bộ máy”, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nói.

Hàng loạt tập đoàn lớn về siêu ủy ban - ảnh minh họa

Ngày 30.9, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chính thức ra mắt và bắt đầu tiếp nhận việc quản lý hơn 2,3 triệu tỉ đồng tài sản của Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng là Chủ tịch ủy ban. Bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được phân công giữ chức vụ Phó chủ tịch.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội hoan nghênh việc thành lập ủy ban và cho rằng, ủy ban cần rõ ràng trong phân chia quyền hạn, tránh chồng chéo giữa các bộ và ủy ban; đồng thời phải tuyển dụng những nhân sự có chuyên môn giỏi, có tầm nhìn chiến lược; cần huy động thêm nhân lực từ khối tư nhân thông qua tuyển dụng trực tiếp hoặc cổ phần hóa các doanh nghiệp mà siêu ủy ban đang quản lý.

“Thời đại bây giờ không chỉ là cá lớn nuốt cá bé, mà còn xem cá nào nhanh hơn. Muốn nhanh hơn thì phải có được những nhân sự có tư duy hiện đại, có tầm nhìn xa, có nhiều kinh nghiệm về thị trường quốc tế. Nếu nhân sự ngồi nhầm ghế thì sẽ rất nguy hiểm, sẽ tiếp tục làm trì trệ thêm tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp”, ông Anh nói.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng ủy ban cũng cần phát huy các ngành mũi nhọn, sao cho các lĩnh vực này phải dẫn dắt được thị trường nhưng cũng phải chống việc cạnh tranh không lành mạnh đối với kinh tế tư nhân; đồng thời lập được giá trị chuỗi trong các sản phẩm siêu ủy ban đang kinh doanh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ.

Cũng theo ông Quốc Anh, ủy ban cần phải thúc đẩy công tác cổ phần hóa. Để làm được điều này thì quan trọng phải có nhiều phương án kinh doanh để các doanh nghiệp đó hoạt động hiệu quả.

Trả lời Một Thế Giới trước đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước lâu nay hết sức bất cập. Vốn nhà nước phân tán ở quá nhiều nơi, sinh ra lợi ích nhóm. Thậm chí, có tình trạng bộ chủ quản bao che cho các khiếm khuyết của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các bộ vừa là cơ quan chủ quản, lại là cơ quan quản lý nhà nước. Khi các bộ đề ra chính sách lại có sự thiên vị với những doanh nghiệp của ngành mình. Do đó, việc ủy ban ra đời cần phải giải quyết dứt điểm được tình trạng này, nâng cao tính minh bạch, giải trình.

Tại buổi ra mắt ủy ban, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc ra mắt ủy ban là bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Thủ tướng cho rằng, dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của ủy ban trong đổi mới tư duy, đổi mới quản trị, cách thức quản lý, cách thức hoạt động của DNNN, làm sao khắc phục cho được các yếu kém, cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của DNNN.

“Chúng ta có 2 con đường: Một là xây dựng một ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, DNNN. Và con đường thứ 2 là con đường tạo ra một cơ quan quan liêu kiểu cũ, có thể làm gánh nặng cho hệ thống doanh nghiệp cũng như của cả đất nước. Hai con đường đó thì chọn đường nào?”, Thủ tướng nói rõ.

Thủ tướng yêu cầu kiện toàn bộ máy tổ chức theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả. Tuyển dụng và bố trí đúng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất. Cần xây dựng mục tiêu, chỉ số đánh giá hiệu quả của từng bộ phận, từng cán bộ, từng quy chế nội bộ, không để kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực. Ủy ban cần có thước đo đánh giá kết quả của từng tập đoàn.

Cũng theo lời Thủ tướng, bây giờ quản lý không chỉ xuống doanh nghiệp mà qua hệ thống công nghệ thông tin mới là hướng đi đúng. Ủy ban cần hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của đất nước để nhanh chóng hoàn thiện, đưa vào sử dụng các công cụ, giải pháp quản lý, giám sát vốn, tài sản DNNN, từng tập đoàn, tổng công ty theo công nghệ của cách mạng 4.0. “Chỉ có cách đó thì ủy ban mới tạo điều kiện, tạo môi trường kinh doanh cho tập đoàn, không gây phiền hà cho đơn vị”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu ủy ban tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. Giám sát tình trạng thất thoát vốn nhà nước, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của DNNN. Trong quá trình hoạt động, ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng phương án, lộ trình, các công việc cần thiết để tiếp nhận, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty.

“Hãy chống tình trạng tham nhũng, tiêu cực, sân trước sân sau, người nhà trong kinh doanh và không để phức tạp xảy ra như một số vụ việc mà chúng ta đã vấp phải”, Thủ tướng nêu.

Siêu ủy ban quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh viết tắt là CMSC.

Doanh nghiệp do ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu gồm: Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; Tập đoàn Dầu khí; Tập đoàn Điện lực; Tập đoàn Xăng dầu; Tập đoàn Hóa chất; Tập đoàn Công nghiệp Cao su; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản; Tập đoàn Bưu chính viễn thông; Tổng công ty Viễn thông Mobifone; Tổng công ty Thuốc lá; Tổng công ty Hàng không; Tổng công ty Hàng hải; Tổng công ty Đường sắt; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc; Tổng công ty Cảng Hàng không; Tổng công ty Cà phê; Tổng công ty Lương thực miền Nam; Tổng công ty Lương thực miền Bắc; Tổng công ty Lâm nghiệp và các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Siêu ủy ban' phải chống tình trạng tham nhũng, sân trước sân sau