Dự án siêu cảng Chancay trị giá hơn 3,5 tỉ USD sẽ mở ra cơ hội cho xuất nhập khẩu và logistics Việt Nam.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Siêu cảng hơn 3,5 tỉ USD mở ra cơ hội mới cho logistics Việt Nam

Tuyết Nhung 19:31 15/10/2024

Dự án siêu cảng Chancay trị giá hơn 3,5 tỉ USD sẽ mở ra cơ hội cho xuất nhập khẩu và logistics Việt Nam.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết siêu cảng Chancay tọa lạc ở phía bắc thủ đô Lima của Peru, nằm dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, một vị trí chiến lược vô cùng thuận lợi cho việc kết nối thương mại quốc tế.

cang-can.jpg
Siêu cảng Chancay

Dự án siêu cảng có tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỉ USD và được thiết kế để xử lý 1,5 triệu TEU (1 TEU tương đương 1 cont 20 feet) mỗi năm. Khởi công vào năm 2020 và dự kiến hoàn thành vào năm 2024, siêu cảng Chancay được kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm logistics hàng đầu của Mỹ Latinh. Việc xây dựng siêu cảng không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu nội địa của Peru mà còn mở rộng tầm ảnh hưởng và làm đầu mối logistic kết nối với các quốc gia khác trong khu vực như: Brazil, Chile, Argentina với thị trường châu Á, góp phần thúc đẩy giao thương và tăng cường kết nối kinh tế giữa Mỹ Latinh và châu Á Thái Bình Dương.

Trong tương lai, siêu cảng Chancay còn giúp các nước Mỹ Latinh xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như: nông sản, khoáng sản và dầu khí sang châu Á và ngược lại nhập khẩu công nghệ và hàng tiêu dùng từ các quốc gia châu Á. Cảng Chancay có thể trở thành một cầu nối giao thương trực tiếp, giảm thiểu sự phụ thuộc vào các tuyến vận tải dài qua Đại Tây Dương hoặc Bắc Mỹ, góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực.

Đối với Việt Nam, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhìn nhận cảng Chancay mang lại cơ hội mở rộng thị trường xuất nhập khẩu với Peru nói riêng và các nước Mỹ Latinh nói chung. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh đạt 20,6 tỉ USD, trong đó các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chiếm tỉ trọng lớn là hàng nông sản, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến, gỗ, điện tử và linh kiện, ngược lại Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước trong khu vực này các mặt hàng là nguyên liệu thô, nông sản, gỗ, nguyên phụ liệu may mặc, thức ăn chăn nuôi.

Với các tuyến vận tải biển kết nối giữa cảng Chancay và Việt Nam, các doanh nghiệp Việt có thể tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển. Dự tính Chancay có thể giúp giảm tới 30%, thậm chí 50% thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ Latinh, điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí logistics lên đến 20% so với các tuyến vận chuyển truyền thống. Việt Nam có thể tận dụng cảng này để xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh như: may mặc, điện tử, nông sản (gạo, cà phê) sang các nước Mỹ Latinh. Ngược lại, Việt Nam cũng có thể nhập khẩu các nguyên liệu khoáng sản, nông sản và dầu khí từ Mỹ Latinh với chi phí hợp lý hơn.

Cảng Chancay còn mở ra cơ hộị mới đối với ngành logistics tại Việt Nam. Với việc tăng cường kết nối vận tải biển và khả năng giao thương giữa hai khu vực, các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác từ Mỹ Latinh để thiết lập các tuyến vận tải biển mới, mở ra các cơ hội đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ logistics.

Siêu cảng Chancay sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia Mỹ Latinh. Theo dự báo, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh có thể tăng trưởng đến 10% mỗi năm nếu có sự cải thiện về logistics và kết nối giao thông. Tận dụng siêu cảng Chancay như là một giải pháp tối ưu về logistic, Việt Nam có thể tăng cường kim ngạch xuất nhập khẩu với các đối tác tại Mỹ Latinh, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, nông sản và năng lượng. Qua đó, cảng Chancay sẽ trở thành cầu nối quan trọng cho quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Peru nói riêng và với Mỹ Latinh nói chung, tận dụng tốt hơn nữa cơ hội từ các hiệp định thương mại đã được ký kết với các nước trong khu vực như: CPTPP, FTA Việt Nam - Chile, Hiệp định thương mại Việt Nam - Cuba.

Bài liên quan
Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển dịch vụ logistics
Ngày 16.5, UBND TP.Đà Nẵng cho biết vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển dịch vụ logistics nhằm kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Hành lang kinh tế Đông - Tây, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, gồm 10 dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siêu cảng hơn 3,5 tỉ USD mở ra cơ hội mới cho logistics Việt Nam