Sau đại dịch, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ đón nhận chuỗi cung ứng được dịch chuyển từ Trung Quốc sang và sự đổ bộ của dòng vốn FDI chất lượng cao. Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị đủ điều kiện thì không bắt được “làn sóng” này.

Sau đại dịch, Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc?

12/05/2020, 11:59

Sau đại dịch, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ đón nhận chuỗi cung ứng được dịch chuyển từ Trung Quốc sang và sự đổ bộ của dòng vốn FDI chất lượng cao. Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị đủ điều kiện thì không bắt được “làn sóng” này.

Chuỗi cùng ứng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam - Ảnh: Internet

Thời gian gần đây, Apple liên tục tuyển dụng nhân sự với các vị trí từ kỹ sư, quản lý vận hành làm việc tại Việt Nam. Đặc biệt, hãng này còn tìm kiếm rất nhiều các ứng viên tại bộ phận chuỗi cung ứng và vận hành. Từ tháng 3, Apple cũng tăng sản xuất Airpod tại Việt Nam.

Không chỉ Apple mà rất nhiều “ông lớn” khác cũng đang có động thái rời Trung Quốc để sang một nước thứ ba và Việt Nam là một trong các nơi họ nhắm tới. Cụ thể, Samsung đang tính chuyển dây chuyền sản xuất một số smartphone cao cấp tới Việt Nam.

Hay trong tháng 2, tờ Nikkei thông tin hai hãng công nghệ khổng lồ là Google, Microsoft đang chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, laptop từ Trung Quốc sang Việt Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc lại. Hậu COVID-19 sẽ có sự dịch chuyển, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn chất lượng cao.

Ông Lộc cho rằng nhiều doanh nghiệp đang muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc, Việt Nam có thể đón cơ hội này, chủ động tham gia các chuỗi cung ứng mới. “Chúng ta phải chủ động tiến công vào chuỗi cung ứng mới, chứ không phải chỉ chờ họ tìm đến chúng ta để hình thành chuỗi giá trị”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói rằng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã có định hướng mở rộng sản tìm kiếm cơ hội đầu tư hoặc dịch chuyển cơ sở sản xuất, gia công sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Việt Nam sẽ có cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài rất lớn nếu có chính sách thu hút phù hợp.

Do vậy, chúng ta cần tập trung vào thúc đẩy cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tái cơ cấu ngành hàng sản xuất kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ. Ngay từ bây giờ, chúng ta cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế chế tạo lớn của Việt Nam theo hướng bền vững.

Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nay uy tín và vị thế của Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế đánh giá cao qua những thành công đạt được từ công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua. Điều này chính là “cơ hội vàng” để thế giới biết tới Việt Nam, với lợi thế đặc biệt về “sự tin cậy chiến lược”, là điểm đến đến đầu tư an toàn và sẵn sàng đón nhận các dòng vốn chuyển dịch tới Việt Nam.

Tương tự, ông Stephen Wyatt, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam thông tin một số công ty đa quốc gia đã rục rịch lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Việt Nam từ năm ngoái, nhằm giảm áp lực hàng rào thuế quan mới đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao.

Dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy lượng hàng hóa Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam năm 2019 tăng 35,6% so với cùng kỳ, đối nghịch với mức giảm 16,2% trong lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Dữ liệu năm nay sẽ bị ảnh hưởng do tác động của COVID-19 lên chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng xu hướng sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục. Việt Nam vẫn là một điểm đến đầy hứa hẹn từ khi làn sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc bắt đầu.

Dịch COVID-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn hơn cho các doanh nghiệp trong tương lai.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc JLL Việt Nam nhìn nhận không phải tất cả các ngành sản xuất đều có thể dễ dàng chuyển sang Việt Nam. Mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc hiện cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nơi này cũng cao hơn. Quy mô của Trung Quốc không thể được nhân rộng: lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc còn cao hơn dân số Việt Nam. Hơn nữa, một khối lượng lớn ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy tổng vốn FDI trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 12,33 tỉ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ các năm 2016-2018. Như vậy, bất chấp tác động của dịch, dòng vốn FDI vẫn đổ vào Việt Nam và dự báo sẽ còn chảy mạnh hơn nữa vào nước ta trong thời gian tới.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
6 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau đại dịch, Việt Nam đón làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất từ Trung Quốc?