Rất tiếc là trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự luật PPP lại không có bất cứ lý giải nào về việc xóa bỏ tư cách chủ sở hữu của nhà đầu tư đối với công trình dự án do chính họ tạo ra, nhất là khi quyền này đã được Chính phủ ghi nhận từ trước đó”, luật sư Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Bộ Tư pháp nói.

Thiếu sót lớn của dự luật PPP là không ghi nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư với công trình

06/05/2020, 15:57

Rất tiếc là trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự luật PPP lại không có bất cứ lý giải nào về việc xóa bỏ tư cách chủ sở hữu của nhà đầu tư đối với công trình dự án do chính họ tạo ra, nhất là khi quyền này đã được Chính phủ ghi nhận từ trước đó”, luật sư Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Bộ Tư pháp nói.

Tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - Ảnh: LT

Không thể xóa bỏ quyền sở hữu của nhà đầu tư

Sáng 6.5, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Hợp đồng PPP và xử lý vi phạm.

Luật sư Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Bộ Tư pháp, cho rằng Nghị định 63/2018 ngày 4.5.2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã xác định quyền của nhà đầu tư đối với công trình dự án là quyền sở hữu.

Nhận định của ông Huệ được đưa ra dựa trên hai căn cứ. Một là Điều 66 Nghị định 63 có tên “Bảo vệ quyền sở hữu”, với tên gọi này Chính phủ đã cho rằng quyền của nhà đầu tư đối với công trình dự án chính là quyền sở hữu mà không phải là một loại quyền gì khác. Tuy nhiên, dự thảo Luật PPP lại không có quy định nào ghi nhận quyền này.

Ông Huệ cho rằng, việc nhà nước công nhận hay bác bỏ một quyền dân sự nào (trong đó có quyền sở hữu) là bình thường và đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, việc hành xử của nhà nước không thể tùy tiện mà phải dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn rõ ràng, đầy đủ. Vì thế, việc dự luật phủ nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với công trình dự án phải được nêu rõ lý do.

“Rất tiếc là trong tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội, cơ quan soạn thảo dự luật PPP lại không có bất cứ lý giải nào về việc xóa bỏ tư cách chủ sở hữu của nhà đầu tư đối với công trình dự án do chính họ tạo ra, nhất là khi quyền này đã được Chính phủ ghi nhận từ trước đó”, ông Huệ nói.

Ông Huệ nhấn mạnh rằng với nhà đầu tư, không có gì quan trọng bằng tư cách chủ sở hữu đối với tài sản là công trình dự án. Nếu mất tư cách này thì đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ bị tước bỏ đi rất nhiều quyền và lợi ích mà pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Dân sự 2015 đã dành cho họ với tư cách là chủ sở hữu tài sản.

“Việc không tiếp tục ghi nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với công trình dự án phải được coi là một thiếu sót rất lớn của dự thảo Luật PPP, do đó cần phải được xem xét lại”, ông Huệ nêu quan điểm.

Ông Huệ cũng lý giải viêc tại sao doanh nghiệp dự án không được coi là đồng chủ sở hữu đối với công trình dự án. Lý do là doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư thành lập ra với mục đích duy nhất là để ký kết hợp đồng dự án và thực hiện các công việc khác có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, vận hành, bảo vệ, thu phí công trình dự án.

“Tóm lại, chủ sở hữu công trình dự án là nhà đầu tư mà không thể là ai khác, kể cả doanh nghiệp dự án. Mặc dù không là đồng chủ sở hữu nhưng doanh nghiệp dự án cũng có một loại quyền nhất định đối với công trình dự án, được gọi là Quyền kinh doanh công trình như Nghị định 63 và dự thảo Luật đã ghi nhận”, ông Huệ nêu.

Cần thừa nhận tư cách vật quyền hạn chế

Luật sư này cho rằng cần phải xác định quyền kinh doanh công trình dự án không chỉ là một loại quyền tài sản thông thường mà là một loại vật quyền hạn chế, tồn tại song song và độc lập với quyền sở hữu công trình dự án của nhà đầu tư. Quyền này của doanh nghiệp dự án cũng có bản chất tương tự như một số quyền tài sản khác đã được ghi nhận trong pháp luật Việt Nam hiện hành như quyền sử dụng đất, quyền đối với bất động sản liền kề; quyền hưởng dụng và quyền bề mặt…

Ông Huệ dẫn một ví dụ về quyền sử dụng đất để minh họa cho tính tất yếu của việc phải thừa nhận tư cách vật quyền hạn chế của quyền kinh doanh công trình dự án.

Ở Việt Nam hiện nay, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, Nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực công nên không có nhu cầu trực tiếp sử dụng đất như các chủ thể khác (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình...).

Do đó, Nhà nước phải giao đất cho các chủ thể này sử dụng để làm ra của cải vật chất cho xã hội. Đồng thời với việc giao đất thì Nhà nước phải giao cho người có nhu cầu sử dụng đất một loại quyền nhất định vì nếu được giao đất mà không có quyền gì đối với đất thì người sử dụng đất cũng chẳng thể tăng gia sản xuất được. Quyền này ở Việt Nam gọi là quyền sử dụng đất.

Đó là lý do tại sao, ở Việt Nam, bên cạnh quyền sở hữu toàn dân về đất đai lại có một loại quyền khác trên đất là “Quyền sử dụng đất” với tư cách là một loại quyền tài sản (mà theo tôi, cần phải được coi là một loại vật quyền hạn chế).

Như vậy, quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản, tuy phái sinh (bắt nguồn) từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai nhưng lại tồn tại một cách độc lập với quyền sở hữu. Với tư cách là một loại quyền tài sản, quyền sử dụng đất đã được Luật Đất đai quy định cụ thể. Vì ở Việt Nam chưa áp dụng lý thuyết vật quyền nên quyền sử dụng đất chưa được công nhận là một loại vật quyền hạn chế mà chỉ được coi là một loại quyền tài sản thông thường.

“Việc chưa thừa nhận quyền sử dụng đất là một loại vật quyền hạn chế, theo tôi không chỉ là hạn chế của pháp luật đất đai hiện hành mà còn là một nguyên nhân rất cơ bản làm ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất vì chỉ khi nào quyền sử dụng đất được coi là một loại vật quyền hạn chế thì cơ chế và biện pháp bảo vệ quyền này mới thực sự được Nhà nước quan tâm hơn”, ông Huệ nói và cho rằng quan hệ giữa quyền sở hữu toàn dân về đất đai với quyền sử dụng đất cũng giống như quan hệ giữa quyền sở hữu của nhà đầu tư với quyền kinh doanh công trình của doanh nghiệp dự án.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
2 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu sót lớn của dự luật PPP là không ghi nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư với công trình