Như Một Thế Giới đã thông tin, hơn 2 tuần qua, một vài người dân ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) gửi đơn khiếu nại khắp nơi để yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp việc doanh nghiệp kéo điện 3 pha phục vụ vùng nuôi cá tra ở cồn Mỹ Phước nhưng không bồi thường giá trị đất đai, hoa màu và cây ăn trái ở khu vực bị ảnh hưởng lưới điện.
Theo đơn của một vài hộ dân ký tên thì tháng 2.2020, UBND xã Nhơn Mỹ kết hợp cùng Điện lực Kế Sách tổ chức họp dân để thông tin về việc triển khai lưới điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của một doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu. Ngoài nội dung trên thì người dân được thông báo dự án này không có bồi thường gì cho những hộ có lưới điện đi qua.
Theo lãnh đạo Điện lực H.Kế Sách giải thích, vào ngày 13.1, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông có liên hệ ngành điện để hỗ trợ tư vấn hướng tuyến cấp điện cho doanh nghiệp, và công trình cho đơn vị bên ngoài thi công. Đồng thời, cũng đề nghị Điện lực Kế Sách và UBND xã Nhơn Mỹ đến ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ (cồn Mỹ Phước) để xác định hướng tuyến và tổ chức họp dân để cùng thống nhất cho việc triển khai thi công công trình.
Khi tổ chức họp, có ông Nguyễn Hoàng Em - Phó bí thư xã Nhơn Mỹ, ông Ngô Hiển Vinh - Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ, Bí thư ấp, đại diện Điện lực Kế Sách cùng một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến đường dây cấp điện cho Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông.
Phía ngành điện đã giải thích và hướng dẫn rằng nhà ở và công trình vẫn được tồn tại dưới hành lang an toàn bảo vệ lưới điện cao áp (HLATBVLĐCA) đối với điện áp 22kV. Chủ đầu tư thống nhất bồi thường thiệt hại cây cối hoa màu theo đúng quy định địa phương trong suốt thời gian thi công. Các cây cối nằm dưới, trong và ngoài HLATLĐCA cần chặt, tỉa nhánh thì chủ đầu tư cũng bồi thường theo quy định. Trong suốt thời gian trao đổi các hộ dân đều thống nhất, chỉ có 1 hộ đòi bồi thường.
Đến ngày 12.2, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông đến gửi đơn xin mua điện và hồ sơ thỏa thuận đấu nối. Lần này công ty cũng đề nghị ngành điện lực, đại diện UBND xã đến hiện trường để chuẩn xác từng vị trí dựng trụ. Khi đó, có 3 hộ dân yêu cầu di dời qua vị trí khác và 3 vị trí này đoàn cũng vận động, thỏa thuận được với các hộ dân khác.
Nhưng khi hoàn tất công tác dựng trụ và triển khai kéo dây được 40% thì hộ ông V. và ông Ba V. không đồng ý cho kéo dây. Ông Ba V. có yêu cầu đơn vị thi công báo cho lãnh đạo Điện lực H.Kế Sách, UBND xã đến trao đổi mới cho kéo dây. Sau đó, ông Ba V. yêu cầu phải có quyết định phê duyệt đầu tư, quyết định đền bù…
Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Điện lực H.Kế Sách cho biết: “Công trình này không phải là công trình đầu tư công. Đây là công trình chủ đầu tư ký hợp đồng với đơn vị thi công ngoài, Điện lực Kế Sách chỉ tham gia tư vấn. Việc kéo đường dây này các hộ dân trong khu vực cũng được hưởng lợi do khi thiếu điện thì ngành điện di dời trạm biến áp hiện hữu, tăng cường công suất, lắp thêm trạm biến áp để phục vụ”.
Tuy nhiên theo ông Nam, phía Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông rất sẵn sàng thỏa thuận với một số ít hộ dân chưa đồng tình để đền bù hợp lý nếu họ vẫn không đồng ý.
Nguyễn Hồ