Chúng ta không thiếu tiền, cái mà ta thiếu là cách thức vận hành bộ máy và sử dụng đồng tiền đó như thế nào. Điều ấy mới quan trọng, nhất là lúc này, khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới vươn mình.
Một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu bàn bạc, thảo luận sôi nổi tại Hội thảo khoa học quốc gia "Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" diễn ra sáng 15.11 tại Hà Nội là xây dựng bộ máy tổ chức của các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Một thông tin mới nhưng không làm nhiều người bất ngờ, đó là gần 70% ngân sách của chúng ta hiện được dùng để chi trả lương và chi cho bộ máy. Như vậy có nghĩa là chỉ 30% còn lại để chi cho đầu tư phát triển, cho văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, chi thực hiện các chính sách về an sinh xã hội… Để giảm tỷ lệ chi cho bộ máy, nâng tỷ lệ chi cho đầu tư phát triển thì một trong những nội dung bức thiết cần thực hiện là một cuộc cách mạng về sắp xếp lại hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, song dưới triều Lê Thánh Tông vào năm 1471, điều tra tổng hợp cả nước chỉ có 5.370 quan lại, chiếm 0,1% dân số cả nước. Giờ thì, theo Quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị thời kỳ 2022 - 2026 thì đến hết năm 2026, tổng biên chế của hệ thống chính trị (không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) là 2.234.720 biên chế. Đây là một con số quá lớn trong bối cảnh hiện nay. Hiện nước ta có trên 100 triệu dân, như vậy tỷ lệ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị hiện thời cao gấp nhiều chục lần so với dưới thời vua Lê Thánh Tông. Vì số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước quá lớn như vậy nên tỷ lệ dành chi cho lương, bộ máy cao là điều không lạ.
Để hạn chế chi thường xuyên, để có nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, giải pháp sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế đang được đặt ra như một bài toán cần giải và hy vọng sẽ đem lại những hiệu quả. Trước đây, chúng ta đã có những việc thực hiện mang lại hiệu quả như nhất thể hóa chức danh bí thư, đồng thời là chủ tịch, kiêm nhiệm chức vụ bên Đảng và HĐND hoặc bên Đảng với bên Nhà nước, bên khối MTTQ…
Trước đây, mô hình cải cách hành chính ở tỉnh Quảng Ninh đã từng được đánh giá cao, và theo thông báo đã tiết kiệm được khá lớn cho ngân sách. Mô hình Quảng Ninh đã được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ấy đánh giá cao trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Ninh các ngày 13 - 14.4.2016. Ông đã đánh giá rất cao và biểu dương cách làm của Quảng Ninh trong việc sắp xếp lại bộ máy và nhấn mạnh “đây là việc cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết mà Trung ương đã thống nhất từ lâu”. Tuy nhiên việc thực hiện này sau đó lại không được tiếp tục triển khai và đã có nhiều nội dung bị dừng lại. Có lẽ đã đến lúc lại phải bàn và thực hiện tiếp vấn đề này. Thực ra hiện nay chúng ta có quá nhiều các cơ quan, đơn vị bên khối Đảng, Nhà nước và kể cả MTTQ có những chức năng, nhiệm vụ trùng nhau.
Tất nhiên, với những công việc mới mẻ và mang tính đột phá, có thể ngay lập tức gặp những sự không đồng thuận và thậm chí chống đối, song lợi ích của quốc gia, dân tộc mới là tối thượng.
Chúng ta không thiếu tiền, cái mà chúng ta thiếu là cách thức vận hành bộ máy và sử dụng đồng tiền đó như thế nào mới là quan trọng.