Sáng kiến trên nhằm bảo đảm sự ổn định của một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới nhưng lại đang có nhiều biến động, đồng thời buộc Trung Quốc kiềm chế những hành động gây lo ngại trên Biển Đông, Jiji Press dẫn một số nguồn tin cấp cao ở Tokyo cho hay.
Một quan chức cho biết các tuyến vận chuyển dầu nhập khẩu của Nhật đi qua biển Đông nên nước này có nhu cầu chiến lược phải duy trì an ninh, ổn định ở khu vực. Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) Katsutoshi Kawano mới đây cũng nhấn mạnh biển Đông là tuyến đường biển rất quan trọng va là nơi SDF cần thực hiện các chiến dịch cảnh báo, giám sát “được xác định tùy thuộc môi trường an ninh và yêu cầu thời gian”.
Về phía Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương David Shear cùng nhiều quan chức, sĩ quan khác cũng đã bày tỏ hy vọng SDF và quân đội Mỹ sẽ thực hiện các hoạt động cảnh báo - giám sát chung ở biển Đông.
Thực tế, đã có những bước tiến trong việc tạo ra khung pháp lý cần thiết cho việc tuần tra chung. Hồi tháng trước, tờ Mainichi Shimbun đưa tin 2 đảng trong liên minh cầm quyền của Nhật là LDP và Komeito đã nhất trí thông qua đề cương của dự luật an ninh mới, theo đó SDF được mở rộng hỗ trợ hậu cần cho Mỹ và các lực lượng nước ngoài khác trên phạm vi toàn cầu.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ South China Morning Post (SCMP) mới đây, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cũng cho hay ông ủng hộ Nhật sửa đổi Hiến pháp nhằm tăng cường vai trò quân sự trong khu vực. “Nếu Hiến pháp được sửa đổi thì Nhật sẽ dễ dàng đẩy mạnh vai trò an ninh ở Đông Nam Á. Các nước trong khu vực sẽ chào đón Nhật” tiến sĩ Lý Minh Giang thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định với SCMP.
Trong một diễn biến khác, hơn 11.500 binh sĩ Mỹ và Philippines ngày 20.4 bắt đầu cuộc tập trận tác chiến thường niên Balikatan kéo dài 10 ngày với sự tham gia của tổng cộng hơn 90 tàu chiến, máy bay Tham gia Balikatan 2015 còn có 70 quân nhân Úc cũng như nhiều quan sát viên đến từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, theo Đài GMA News. Giới tướng lĩnh Philippines khẳng định đây là cuộc tập trận Balikatan lớn nhất từ trước tới nay. Tuy địa điểm tập trận nằm tại tỉnh Palawan và một số khu vực khác của Philippines nằm kề cận khu vực tranh chấp ở biển Đông nhưng Manila khẳng định mục tiêu của sự kiện này tăng cường năng lực an ninh biển nói chung.
Cũng trong ngày 20.4, Reuters dẫn lời Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Indonesia Moeldoko cho hay nước này sẽ nâng cấp các cơ sở quân sự tại quần đảo Natuna và một số khu vực khác để ứng phó những diễn biến ở biển Đông”. Ông Moeldoko còn nhận định: Có sự thay đổi đáng kể về những điều kiện bình yên và ổn định tồn tại ở khu vực trong thập niên qua. Do đó, mọi người có quan điểm Trung Quốc là mối đe dọa đối với láng giềng. Khu vực cần có sự cân bằng quân sự mới”.
Văn Khoa / Thanh Niên