Trò chuyện trực tiếp với PV TT&ĐS, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội đã thẳng thắn phân tích những bất cập lớn, những độc hại đáng rùng mình ở làng tái chế rác.

Rác thải nilon là “vàng tái chế”, phải kiểm soát được sự an toàn

Một Thế Giới | 03/07/2015, 19:31

Trò chuyện trực tiếp với PV TT&ĐS, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội đã thẳng thắn phân tích những bất cập lớn, những độc hại đáng rùng mình ở làng tái chế rác.

Quy trình tái chế mang theo đầy nguồn lây bệnh nguy hiểm
Thưa PGS, ông biết gì về quy trình tái chế rác ở Việt Nam?
Ở các nơi như làng Khoai, làng Triều Khúc, người ta đều thu gom đủ các loại đồ nhựa - từ túi nilon đến nhựa ống, nhựa hộp, nhựa kim tiêm các loại, người ta mang về, người ta cùng tái chế như thế, cùng một quy trình chứ cũng không khác gì nhau. Cũng cho vào nước rửa, có nơi có thiết bị quay - rửa rác chứ nhiều nhà không có thiết bị quay, người ta cứ làm thủ công rồi lấy cây sào đảo qua đảo lại.
Theo ông, với công nghệ như thế mà lại có cả rác thải y tế, có cả bơm kim tiêm thì liệu có độc hại cho người tiêu dùng không?
Trước hết phải thừa nhận là trong thời gian vừa qua, nạn rác thải, trong đó có các loại chất dẻo, ở nước ta là vô cùng lớn, mà chúng ta cũng không có một chiến lược gì để xử lý cho hợp lý cả, ngay với những trung tâm xử lý rác thải của Nhà nước, những nhà máy xử lý rác thải cũng không làm xuể. Cho nên việc hình thành làng nghề xử lý như thế này, nó là một sinh kế tự phát thôi, nhưng đôi khi cũng rất tốt để giải quyết vấn đề về xử lý môi trường. Thế nhưng, nó lại đẻ ra những tình huống mới. Ở đây không phải chỉ có một làng nghề làm nhựa mới ô nhiễm, mới độc hại đâu, mà tôi đã đến những làng nghề người ta xử lý ắc quy điện ấy, cực kỳ độc hại, rồi nấu nhôm, xử lý nhôm, nấu thép, rồi làm chất dẻo... Những làng nghề như vậy, trên thực tế cũng tạo sinh kế cho người dân, trong chừng mực nhất định nó còn tạo ra những sản phẩm tiêu dùng cho xã hội. Đứng về mặt tích cực cũng là tốt.
Nhưng vấn đề là không sử dụng đúng quy tắc thì lại là lợi bất cập hại. Qua các phóng sự mà phóng viên Tuổi trẻ & Đời sống đi quay, đi điều tra rất kỳ công, cho thấy một điều là người dân đã tự phát sử dụng một công nghệ vô cùng đơn giản: Đồ nhựa mang về có rất nhiều chất bẩn thì người ta cắt nhỏ nó ra, cho vào nước khoắng, có những nơi thì người ta cho vào thùng quay bằng kim loại xong cho nước vào quay với mong muốn chất bẩn ra ngoài, còn lại nhựa. Tức là họ cố loại bỏ các chất bẩn, các tạp chất vô cơ. Nhưng, rác đó là tổ hợp vô cùng nhiều chất bẩn, vì người ta mang rác đi vứt ra thùng rác thì bản thân cái túi ấy đã có những chất vô cơ như là rau thừa rồi những lông gà, xác chết, thức ăn thừa... người ta cho vào đấy hết. thì rõ ràng khi người ta có lộn túi đổ ra thì nó vẫn chứa đủ thứ nguồn bệnh ở khắp nơi về theo.
Thứ hai, người ta xử lý rác thải như thế, đầu tiên tôi cho là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chính người đang sinh sống ở đó, những người trực tiếp xử lý rác thải để tái chế. Công việc này đã tạo nên những chất độc hại vô cùng lớn, nguy cơ để những người đó mắc bệnh là chắc chắn có thể xảy ra, và người ta không lường trước được. Nhưng có lẽ vi sinh kế mà người ta sẵn sàng làm thôi chứ người ta cũng nhận thức một cách mơ hồ hoặc rõ nét hơn về cái nghề nó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chính họ, con cái họ, những người hàng xóm xung quanh họ, rồi ảnh hưởng đến môi trường của cả cái làng ấy.
Chúng tôi được biết, với nilon và nhựa, không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới họ cũng vẫn tái chế. Theo ông, họ đã làm gì để vừa có sản phẩm tái chế mà lại vẫn an toàn?
Trên thế giới họ làm cách nào? Tôi xin nói là các nước họ cũng rất tận dụng phế liệu, rác thải, người ta còn coi là vàng, vì nó làm ra của cải vật chất cơ mà. Nhưng người ta có tận dụng đồ nhựa, thì một là người ta tái chế đồ nhựa theo một quy trình rất chặt chẽ, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Người ta chỉ tái chê đúc (sản xuất) ra ống nhựa dẫn nước thải. Vì so với ống bằng bê tông hoặc thép, thì ống nhựa chống ăn mòn cực kỳ tốt, mà lại tận dụng được tất cả những chất liệu mà người ta vứt đi.
Hai là người ta có thể làm được một số chất liệu dẻo có chất lượng, người ta có thể cán thành những tấm lưới hoặc nilon để che nắng cho những vườn cây trồng, ví dụ người ta ươm cây chè, ươm rau, hoa... Hiện nay người ta sử dụng rất nhiều, các nước người ta trộn các chất màu đen vào để cản bớt ánh sáng đi. Sau đó người ta thu lại, xử lý thêm lần nữa - tức là người ta có kế hoạch thu gom, xử lý rất cẩn thận.
Thứ ba, như Ấn Độ và một số nước châu Âu, người ta dùng nhựa đó nấu chảy rồi trộn với đá dăm trải trên mặt đường, tất nhiên là nó không thể thay thế hoàn toàn nhựa đường được nhưng nó cũng giải quyết được vấn đề đường nội bộ, đường có cường độ chịu lực thấp, nó có độ bền rất cao, tốt, ví dụ đường nông thôn chẳng hạn. Người ta làm rất tốt và hiệu quả cao,- lại ít ảnh hưởng xấu đến môi trường. Thế nhưng ở nước ta lại không có chương trình như vậy, chúng ta lại không biết tận dụng để làm những sản phẩm hữu ích cho xã hội, chúng ta vẫn phải sử dụng ống gang hoặc bê tông, thành phố thì xây những cống bê tông như vậy và nay vỡ, mai vỡ. Ống nhựa kia bền, rất tốt, có thể dùng đến hàng trăm năm, vậy tại sao chúng ta không làm? Lẽ ra Nhà nước phải tính đến chuyện đó, các cơ quan khoa học phải tính đến chuyện đó để làm, thậm chí là hướng dẫn cho người ta (dân làng Khoai chẳng hạn) công nghệ để họ làm.
Đáng tiếc là nhà khoa học, nhà quản lý ở Việt Nạm đã không ra tay như cần phải có để sử dụng hiệu quả và an toàn các rác thải nilon - nhựa. Tuy nhiên, ngay cả những nước tiên tiến, dù kiểm soát được công nghệ tái chế an toàn, chúng tôi được biết, họ cũng không bao giờ cho phép dùng nhựa tái chế bẩn thỉu để làm ra các sản phẩm phục vụ... cho thực phẩm, ăn uống vào miệng con người.
Bây giờ ta quay trở lại thực tế, hiện nay người ta mang về đủ thứ loại phế thải nhựa, nilon trắng, đen, màu, ống tiêm, hộp nhựa... tất cả những thứ người ta thải ra đó được gọi là hỗn hợp nhựa không rõ ràng. Đối với những đồ nhựa mà chúng ta hay dùng, sản xuất công nghiệp mà sử dụng cho thực phẩm, là người ta dùng nhựa nguyên khai - tổng hợp ban đầu, và chỉ được dùng một lần cho thực phẩm, sau đó loại ra làm phế liệu để dùng cho các mục đích khác. Thông thường người ta làm bằng polyetylen, polypropylen hoặc là polỵelit... Đó là những nhựa nguyên khai. Nhựa nguyên khai có nguyên tắc: nó là các polyme, nhưng trước khi là polyme thì nó là các monome. Cái độc chính là monome chứ không phải là polyme. Khi người ta xử lý người ta đã tổng hợp rất tốt, loại bỏ về cơ bản những monome ra thì không gây độc. Thế nhưng ở nước ta, các làng nghề người ta lại mang về nấu lên, tái chế, thì: thành phần nhựa đã không ổn định, người ta lại còn dùng tất cả các loại nhựa rồi trộn đủ thứ - ví dụ màu đen vào, cho phụ gia vào... và sản xuất những dụng cụ khác nhau. Như vậy rất độc hại.
Cực kỳ nguy hiểm cho người tái chế và cả xã hội
Còn nhựa y tế, về nguyên tắc, nhựa y tế là loại nhựa cực kỳ tốt, chất lượng cực kỳ cao, là loại nhựa cao cấp nhất trong số các loại nhựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới - WHO. Từ bình đựng nước truyền, ống dẫn truyền, ống dẫn máu, rồi đến những hộp thuốc, vỉ thuốc... Tất cả là nhựa được kiểm soát. Nhưng, sau đó thải ra rồi thì đây là một vấn đề nguy hiểm, đặc biệt là nhựa trong bệnh viện, ví dụ như chai đựng thuốc, huyết tương, máu... chứa vỏ cùng nhiều nguy cơ về bệnh tật, từ người nọ truyền sang người kia. Người ta mang về như thế thì đầu tiên là những vi khuẩn, những chất đó nhiễm độc vào chính những người trong làng đó. Đổ vào bãi như vậy thì trong môi trường đó vi sinh vật càng có cơ hội phát triển. Chứ nếu chất độc thì nó mới không phát triển và chỉ trôi đi thôi. Còn vi sinh vật thì phát triển, và nó gây bệnh cho chính bản thân người làng đó rồi lây ra toàn xã hội.
Vậy thì rác thải nilon chỉ nên tái chế làm những vật dụng gì cho con người ta, thưa PGS?
Trở lại vấn đề, vậy nhựa đó có khả năng làm gì? Rất nhiều thông tin phản ánh nhựa đó làm những dụng cụ sử dụng cho thực phẩm. Nếu như những đồ nhựa đó, nếu dùng được - mà lại dùng cho dụng cụ thôi - ví dụ tôi làm cái ghế, bàn, những tấm trải nhà - những cái đó không phải là vấn đề lớn vì nó không trực tiếp vào miệng - không dính dáng đến đồ ăn, thực phẩm. Nhưng, nếu ngược lại, người ta sử dụng cho thực phẩm như hộp đựng cơm, ống hút, thìa nhựa..., trên thực tế là không được phép, về nguyên tắc, tất cả các loại nhựa đó đều không được phép tái chế như vậy. Vì, đã là hỗn hợp nhựa không kiểm soát được, so với nhựa nguyên khai thì bây giờ nó là hỗn hợp cực kỳ phức tạp. Đấy là thứ nhất. Thứ hai là trong quá trình gia công người ta phải nấu lại nhựa ít nhất là vài ba lần, mỗi lần nó lại càng độc hại. Đầu tiên người ta nấu lên cho thành khối rồi thành viên, viên nhựa đấy lại phải gia công nữa. Người ta tiếp tục sử dụng viên nhựa đó để gia công thì lại tiếp tục cho thêm những chất phụ gia, như cho màu, cho những chất hóa dẻo để dễ gia công, như thế là lại tiếp tục thêm độc hại, mà lại làm cho thực phẩm thì vô cùng tai hại.
Trong quá trình gia công lần thứ 2, người ta ép nhựa rồi làm khuôn tức là gia công nhiệt lần thứ 2, mà gia công như vậy thì các polyme ở nhựa nguyên khai trước kia lại tách thành monome cực kỳ độc hại. Vì monome là những phân tử kích thước nhỏ, vào trong cơ thể thì nó thấm qua màng ruột đi vào, chứ còn chúng ta ăn phải miếng nhựa thì chỉ hóc thôi chứ không hỏng dạ dày được. Nhưng đã thành monome thì nó thấm qua dạ dày, khi vào trong cơ thể con người, đặc biệt là vào tế bào, monome sẽ tạo ra những tế bào lạ trong cơ thể. Đó chính là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư. Vì cơ chế của ung thư chính là những tế bào lạ, nó phát triển vô tội vạ rồi chèn ép các tế bào khỏe; nó phát triển và chèn ép tế bào khỏe, chứ bản thân nó không phải là chất độc.
Thưa PGS, cơ chế để vi khuẩn từ rác thải y tế độc hại vào sản phẩm tái chế, đến xã hội là như thế nào?
Tế bào ung thư sinh ra do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là từ những monome sinh ra. Ví dụ như polyxyetylen là một chất nhựa mà chúng ta hay dùng làm hộp đựng thức ăn trắng trắng ấy. Nếu tái chế lại thì polyxyetylen sẽ tách ra thành xetylen - tức là một monome, nó có cấu trúc phân tử rất giống hóc môn của phụ nữ. Khi nó đi vào cơ thể, nó sẽ thay đổi các hóc môn của phụ nữ và ảnh hưởng rất xấu đến sinh sản. Hoặc là dùng chất hóa dẻo, cho các-đi-mi vào, đây là kim loại nặng đáng gờm, vì rất nhiều đồ nhựa dùng hợp chất có các-đi-mi, và các-đi-mi đi vào trong cơ thể thì nó vào trong máu, vào trong tế bào và cạnh tranh với tế bào xương, nó thay thế ion can xi ở trong xương và chiếm lĩnh xương, làm xốp xương. Bệnh này cực kỳ khó chữa vì chẳng có thuốc nào đẩy nó ra ngoài được cả. Trong trường hợp như thế nó tạo ra những nguy cơ lớn, ấy là chưa nói đến những loại nhựa có nguồn gốc y tế - khi người ta nấu nhiều lần như thế thì những vi sinh vật gây bệnh không sống được nữa, nhưng vi sinh vật đó có khả năng lan truyền từ khi rác thải chưa được xử lý vào tay, vào những dụng cụ mà người ta đang làm chứ không phải nó nằm trong hạt nhựa. Những vi sinh vật nhiễm vào dụng cụ, tuy ít nhưng nó lại phát triển được và vẫn lây lan ra cộng đồng, đến người tiêu dùng.
Xin chân thành cảm ơn PGS.
Trần Quân – Anh Ngọc/ Tuổi trẻ & Đời sống


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Rác thải nilon là “vàng tái chế”, phải kiểm soát được sự an toàn