Đang ngủ, mọi người trong nhà thức giấc vì tiếng ồn ào phía trước. Họ hoảng hốt, khi cánh cửa mở ra là một chiếc quan tài đặt ngay ngắn phía trước. Đau xót hơn, khi họ biết, người mang chiếc quan tài đến đặt ở cửa nhà lại chính là con trai của mình. Hành động của Sơn, khiến mâu thuẫn với cha mẹ ngày càng lớn hơn.

“Quý tử” mang quan tài đến cửa nhà “báo hiếu” cha mẹ

Một Thế Giới | 26/06/2015, 07:10

Đang ngủ, mọi người trong nhà thức giấc vì tiếng ồn ào phía trước. Họ hoảng hốt, khi cánh cửa mở ra là một chiếc quan tài đặt ngay ngắn phía trước. Đau xót hơn, khi họ biết, người mang chiếc quan tài đến đặt ở cửa nhà lại chính là con trai của mình. Hành động của Sơn, khiến mâu thuẫn với cha mẹ ngày càng lớn hơn.

Xót xa làm đơn... từ con
Trưa 24/6, sau bữa cơm, bà Nguyễn Thị Hồng (70 tuổi), phường Kim Long, TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế thở dài ngao ngán khi có người đến hỏi về con trai Trần Minh Sơn (SN 1980). Bà bức xúc: “Là bậc sinh thành, ai cũng muốn con trở thành người đàng hoàng. Tôi không ngờ, con trai do chính mình sinh ra lại trở chứng, trở nết. Điều này, tôi đau lòng lắm!”.
Bà kể, vợ chồng bà sinh sống ở phường Kim Long đã lâu. Thuở trước, dù có một cô con gái, ông bà vẫn khao khát có quý tử “chống gậy” khi về già. Ngày bà có thai, biết là con trai, hai vợ chồng đều vui mừng. Ngày sinh con trai vợ chồng bà cười mãi, tràn trề hạnh phúc. Sau khi cân nhắc, họ đặt tên con là Minh Sơn với mong muốn, sau này, khi trưởng thành, vận mệnh con trai sẽ sáng sủa, gặp nhiều thuận lợi và vững chãi tựa núi. Với suy nghĩ giản đơn đó làm họ thỏa nguyện và tập trung vào làm việc, nuôi con.
Qua hồi ức của người mẹ, ngày còn nhỏ, Sơn cũng hiền lành, dễ thương, vâng lời cha mẹ. Tuy nhiên, bước qua 10 tuổi, tính khí của Sơn thay đổi hoàn toàn. Sơn thích cãi lời cha mẹ. Mỗi khi người lớn nói hay hướng dẫn, khuyên bảo, Sơn thường làm trái lại. Chính điều này khiến vợ chồng bà Hồng vừa buồn vừa lo lắng. Không ít lần, vợ chồng bà ngồi trò chuyện to - nhỏ, phân tích đúng - sai để định huớng lại cách suy nghĩ, hành động của con. Tuy nhiên, mọi mong muốn của ông bà dần dần đổ vỡ theo tính cách ngỗ ngược của đứa con mà họ kỳ vọng.
Bước vào tuổi 14, Sơn bỏ bê việc học hành, thay vào đó, thích thú tụ tập, rượu chè với đám bạn. Mỗi khi say, Sơn lại gây gổ với mọi người. Bà Hồng không còn nhớ, con trai đã gây sự với những ai và bao nhiêu lần. Nhưng, trong tâm trí, bà vẫn còn nhớ rất rõ, mỗi khi Sơn gây chuyện, hàng xóm lại kéo sang mắng. Là người mẹ, bà cũng khổ tâm khi có đứa con như vậy.
Bà kể, có lần, bị hàng xóm phàn nàn về con trai phá phách, người mẹ không kìm được nước mắt. Thấy mẹ như vậy, mặt Sơn buồn thiu, không dám ngước lên nhìn. Bà cứ nghĩ, con trai sẽ thay đổi khi nhìn thấy nước mắt của mẹ. Nhưng, suy đoán, ao ước của bà đều vỡ mộng. Chỉ hôm sau, đôi mắt bà hãy còn sưng, Sơn đã “nhảy nhót” với bạn bè.
Bà Hồng xót xa, về sau, Sơn không chỉ gây sự với người ngoài mà còn lớn tiếng, chửi mắng người thân trong nhà. Sơn không chừa cả chính cha mẹ của mình. Nhiều lần, say rượu, Sơn lớn tiếng, có nhiều lời xúc phạm cha. Bà Hồng thấy thế, vội khuyên con, lẫn động viên chồng không nên nóng nảy. Nhưng, những lần say khướt như thế ngày càng dày đặc. Ông Trần Văn Minh (72 tuổi), chồng bà Hồng không chịu đựng nổi những lời hỗn hào của con nên lớn tiếng quát mắng. Cũng từ đó, họ vô tình tự đào hố sâu khoảng cách giữa hai cha con.
Ông Minh kể, là người cha, ông mong muốn các con của mình tốt tính, hiếu lễ. Sơn hỗn hào, không ít lần vợ chồng dằn cơn giận, khuyên ngăn nhưng không thay đổi được gì. Ông buồn và cảm thấy bất lực với con trai. Do đó, về sau, khi con trai hỗn hào với mình, ông cũng không dằn được cơn giận.
Trong tâm trí, ông vẫn còn nhớ, có lần, trong lúc mâu thuẫn, Sơn xông vào đánh khiến ông phải nhập viện. Một lần khác, Sơn đứng cạnh nhà, cầm con dao, quăng lên tầng hai làm vỡ kính chiếc ảnh thờ ông nội. “Hôm đó, tôi lên dọn dẹp mà nuớc mắt ứa tràn. Buồn vì không dạy được con và đau vì chiếc ảnh thờ của cha mình bị chính con trai làm rơi, vỡ”, ông Minh nói.
Vẫn chưa hết, một hôm, cả gia đình làm đám giỗ, Sơn lại quậy phá. Ông Minh phẫn uất trước hành động của Sơn nên quyết định làm giấy tờ... từ con. Từ đó, Sơn bỏ ra ngoài sống. “Là bậc cha mẹ, lòng đau như cắt khi làm giấy từ con. Đây là điều chẳng ai mong muốn, sở dĩ, tôi làm như thế, một phần vì giận, một phần vì muốn Sơn tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm. Thế nhưng, Sơn vẫn không thay đổi”, ông nói.
Mặc dù đã làm đơn từ con, vợ chồng ông Minh thỉnh thoảng vẫn hỏi tin tức về Sơn. Ông bà gieo hy vọng, một ngày nào đó, con trai sẽ “quay đầu là bờ”. “Chúng tôi chỉ cần Sơn thay đổi, đến xin lỗi một lần thì mọi chuyện sẽ yên ổn. Đó chính là niềm ao ước của bậc cha mẹ”, bà Hồng nói.
Lòng cha mẹ bao dung
Bà Hồng kể thêm, chị gái của Sơn đã đi lấy chồng. Tuy nhiên, tình cảm sứt mẻ, có nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết được, nên quyết định ly hôn. Chị được chia tài sản gần 1 tỉ đồng. Cách đây mấy hôm, Sơn đến nhà, ngỏ ý xin 15 triệu đồng. Chị không đồng ý. Sơn lại lớn tiếng, buông lời khinh miệt, cho rằng, chị có tiền tỉ mà không cho em trai. Bên cạnh đó, Sơn nghi ngờ chính cha mẹ có “lời ra tiếng vào” khiến chị gái không cho mình tiền.
Vào khoảng 23h ngày 21/6, con gái bà đang ngủ ở quán cà phê, được làm cùng thửa đất, thì nghe tiếng động lớn ở phía truớc. Chị mở cửa, hốt hoảng, hét lớn khi nhìn thấy một chiếc quan tài, có cả nắp, đặt trước cửa quán. Nhiều người dân nghe tiếng hét, hiếu kỳ, lũ lượt kéo đến xem.
Lúc này, bà Hồng cũng vội chạy ra. Bà nhìn thấy chiếc quan tài, thì ngất xỉu vì quá hoảng sợ. “Lúc ấy, tôi hoảng hốt quá không thể suy nghĩ được gì. Khi tỉnh dậy, nhờ sự động viên của người thân, tôi mới lấy lại được tinh thần”, bà Hồng nói. Suốt đêm hôm đó, cả gia đình bà không ai dám chợp mắt.
Dau long canh “quy tu” mang quan tai den cua nha “bao hieu” cha me-hinh-anh-1
Sáng hôm sau, ông Minh khuyên, nếu để chiếc quan tài ở quán cà phê thì sẽ gây sự tò mò. Do đó, gia đình nhờ người bê chiếc quan tài từ quán cà phê sang vườn nhà mình. Đồng thời, bà Hồng lấy phấn ghi lên chiếc quan tài với nội dung: “Cám ơn người cho hòm”. “Đất nhà cho người ta thuê để mở quán cà phê. Nếu cứ để chiếc quan tài trước quán thì ai mà dám vào uống. Do đó, vợ chồng tôi mới đem chiếc quan tài về bên này”, bà Hồng giãi bày.
Cùng ngày, ông Minh đến Công an phường Kim Long trình báo sự việc. Đồng thời, qua phân tích, ông bà nghi ngờ Sơn đã đưa quan tài đến cửa nhà mình. Ngay sau đó, Sơn được công an mời đến đến làm việc. Sơn thừa nhận, mình chính là “tác giả” chiếc quan tài trong vườn nhà của bố mẹ. Sáng ngày 23/6, công an mời Sơn, ông Minh đến trụ sở làm việc. Tại đây, ông Minh yêu cầu con trai phải mang chiếc quan tài đi chỗ khác. Sơn châp nhận ký vào đơn và khẳng định sẽ làm theo yêu cầu.
Trưa hôm ấy, vợ chồng bà Hồng đang chợp mắt thì nghe tiếng Sơn gọi cửa. Bà Hồng cứ ngỡ, Sơn đến mang chiếc quan tài đi. Tuy nhiên, lúc bà ra, Sơn bảo: “Chưa có người nên chưa thể mang đi được”. Chiều hôm đó, Sơn lại đến và sử dụng điệp khúc cũ. Tối cùng ngày, Sơn đến với một số người và mang chiếc quan tài đi. “Chiếc quan tài được mang đi mà trong lòng tôi thấy nhẹ nhõm rất nhiều. Chứ, nó cứ để ở truớc nhà, mỗi khi thấy là lại bực mình không chịu nổi”, bà nói.
Bà Hồng nghẹn ngào: “Từ trước đến nay, tôi vẫn mong, có ngày Sơn sẽ nhận ra cái sai. Bậc cha mẹ luôn sẵn sàng đón con về trong vòng tay khi con biết sửa sai, quay về. Thế nhưng, điều mong mỏi ấy chưa thành hiện thực thì Sơn lại gây ra chuyện này”. Im lặng trong giây lát, bà tâm sự thêm: “Ai cũng mong muốn gia đình tốt đẹp. Tốt khoe, xấu che. Đến nay, tôi bức xúc quá nên kể ra những chuyện này. Nói với mọi nguời, tôi cũng đau lắm! Tôi chỉ mong, Sơn biết được những suy nghĩ của cha mẹ, suy xét lại hành động của mình. Lòng cha mẹ bao giờ cũng đầy bao dung”.
Huy Cường/ Theo Đời sống & Pháp luật
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Quý tử” mang quan tài đến cửa nhà “báo hiếu” cha mẹ