Ngày 21.2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (New START), đồng thời cho biết một số hệ thống chiến lược mới đã được đưa vào trực chiến, cảnh báo Nga có thể khôi phục hoạt động thử hạt nhân.

Quy mô kho vũ khí hạt nhân Nga

Cẩm Bình | 23/02/2023, 12:56

Ngày 21.2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (New START), đồng thời cho biết một số hệ thống chiến lược mới đã được đưa vào trực chiến, cảnh báo Nga có thể khôi phục hoạt động thử hạt nhân.

Diễn biến mới nhất là đòn giáng mạnh vào nỗ lực hạn chế phổ biến hạt nhân, làm dấy lên chú ý về kho vũ khí hạt nhân mà Nga đang nắm giữ.

Cường quốc hạt nhân

Nga - kế thừa vũ khí hạt nhân từ Liên Xô - sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới. Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS) xác định, tính đến năm 2022 Nga có khoảng 5.977 đầu đạn. Khoảng 1.500 đầu đạn không còn được sử dụng nhưng còn nguyên vẹn, 2.889 đầu đạn dự trữ và khoảng 1.588 đầu đạn chiến lược được triển khai.

Theo tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists, khoảng 812 đầu đạn triển khai trên tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền, khoảng 576 đầu đạn trên tên lửa phóng từ tàu ngầm và khoảng 200 đầu đạn trên máy bay ném bom.

russia01.jpg
Máy bay ném bom Tu-95 của Nga - Ảnh: SCMP

Phía Mỹ sở hữu 5.428 đầu đạn hạt nhân - trong đó khoảng 1.644 là đầu đạn chiến lược được triển khai. Số đầu đạn Trung Quốc, Pháp, Anh sở hữu lần lượt là 350, 290, 225.

Không chỉ số lượng, vũ khí triển khai đầu đạn hạt nhân - tên lửa, tàu ngầm, máy bay ném bom - cũng quan trọng không kém.

Bulletin of the Atomic Scientists xác định Nga có khoảng 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa mang được đầu đạn hạt nhân, có thể mang tới 1.185 đầu đạn; khoảng 10 tàu ngầm có thể mang tối đa 800 đầu đạn; 60 - 70 máy bay ném bom mang được đầu đạn hạt nhân.

Trong Bản đánh giá tình hình hạt nhân 2022, Mỹ xác định Nga và Trung Quốc đang mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân. Tổng thống Putin từng tuyên bố ông nắm thông tin Mỹ đang phát triển một số loại vũ khí hạt nhân mới.

russia00.jpg
Tàu ngầm Severodvinsk mang tên lửa hành trình - Ảnh: AP

Ai nắm quyền ra lệnh tấn công hạt nhân?

Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Tổng thống nước này là người ra quyết định cuối cùng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Chiếc cặp hạt nhân “Cheget” (đặt theo tên núi Cheget thuộc dãy Kavkaz) luôn ở bên cạnh tổng thống. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cùng Tổng tham mưu quân đội Nga được cho cũng có chiếc cặp như vậy.

Chiếc cặp là phương tiện để Tổng thống Nga liên lạc với các tướng lĩnh cấp cao cũng như với lực lượng tên lửa. Một đoạn phim chiếu trên đài truyền hình Zvezda năm 2019 cho thấy bên trong một trong những chiếc cặp là một loạt nút, phần “mệnh lệnh” có nút “phóng” màu trắng cùng nút “hủy” màu đỏ. Zvezda cho biết cặp được kích hoạt bằng một thẻ đặc biệt.

Nếu Nga xác định nước này phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào mình, Tổng thống trực tiếp gửi lệnh - thông qua cặp “Cheget” - đến Bộ chỉ huy Tổng tham mưu và các đơn vị chỉ huy dự bị nắm giữ mã hạt nhân. Mệnh lệnh tiếp tục truyền xuống lực lượng tên lửa, sau khi nhận lệnh họ sẽ phóng tên lửa.

Nếu xác thực có một cuộc tấn công tên lửa, Tổng thống có thể kích hoạt “Perimetr” (Bàn tay chết chóc): hệ thống máy tính tự động hóa đưa mệnh lệnh chiến đấu đến mọi cấp độ chỉ huy được trang bị vũ khí hạt nhân - cho phép phóng tên lửa cả khi không có liên lạc, tức là đáp trả ngay lập tức đòn đánh của kẻ thù.

Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy mô kho vũ khí hạt nhân Nga