Hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức quân đội Myanmar cho biết hầu hết các nhà lãnh đạo khu vực và nhà nước bị giam giữ trong quá trình tiếp quản chính quyền đã được thả hôm 2.2.

Quân đội Myanmar thả nhiều quan chức cấp cao, ngân hàng hoạt động lại

Nhân Hoàng | 02/02/2021, 15:05

Hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức quân đội Myanmar cho biết hầu hết các nhà lãnh đạo khu vực và nhà nước bị giam giữ trong quá trình tiếp quản chính quyền đã được thả hôm 2.2.

Đường phố Myanmar vắng lặng đêm qua trong thời gian giới nghiêm được áp dụng để ngăn chặn lây lan coronavirus. Quân đội và cảnh sát chống bạo động đã chiếm các vị trí ở Thủ đô Naypyitaw và thành phố lớn nhất Yangon.

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã (Trung Quốc) dẫn lời một quan chức quân đội Myanmar cho biết hầu hết các nhà lãnh đạo khu vực và nhà nước bị giam giữ trong quá trình tiếp quản chính quyền đã được thả hôm 2.2. Trong số này dường như không có bà Suu Kyi (cố vấn nhà nước Myanmar).

Thủ hiến vùng Sagaing, Myint Naing nói với BBC sau khi được trả tự do rằng ông bị giữ trong một ký túc xá và được đối xử tốt. “Tôi lo lắng cho tương lai của quốc gia. Chúng tôi đã hy vọng điều tốt nhất nhưng điều tồi tệ nhất đang xảy ra”, Myint Naing nói.

Đến sáng 2.2, kết nối điện thoại và internet đã được khôi phục nhưng các khu chợ nhộn nhịp thường yên tĩnh và sân bay của Yangon đã đóng cửa.

Các ngân hàng ở Yangon đã mở cửa trở lại sau khi ngừng dịch vụ vào 1.2 do kết nối internet kém và trong bối cảnh người ta đổ xô rút tiền mặt.

Người dân lo ngại biến động sẽ gây tổn hại thêm cho nền kinh tế vốn đang quay cuồng vì sự bùng phát COVID-19.

Mọi người sẽ không ra ngoài”, tài xế taxi Aung Than Tun nói.

quan-doi-myanmar-tha-nhieu-quan-chuc-cap-cao.jpg
Binh lính Myanmar đứng bên trong Tòa thị chính Yangon sau khi chiếm đóng tòa nhà  ở Yangon, Myanmar ngày 2.2

Năm nay 75 tuổi, Suu Kyi đã phải chịu đựng khoảng 15 năm quản thúc tại gia từ năm 1989 đến 2010 khi bà lãnh đạo một phong trào dân chủ chống lại quân đội, lực lượng đã cầm quyền trong gần 6 thập kỷ qua.

Cuộc đảo chính mới nhất đánh dấu lần thứ hai quân đội từ chối công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), đồng thời bác bỏ kết quả của các cuộc thăm dò năm 1990 nhằm mở đường cho chính phủ đa đảng.

Sau các cuộc biểu tình quần chúng do các nhà sư Phật giáo lãnh đạo vào năm 2007, các tướng lĩnh đã đặt ra một lộ trình cho sự thỏa hiệp, trong khi không bao giờ từ bỏ quyền kiểm soát tối cao.

NLD lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2015 theo hiến pháp đảm bảo quân đội có vai trò chính trong chính phủ, bao gồm một số bộ chính và quyền phủ quyết hiệu quả với cải cách hiến pháp.

Củng cố vị trí của mình, chính quyền mới do Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đứng đầu đã bãi nhiệm 24 bộ trưởng và chỉ định 11 người thay thế cho các danh mục khác nhau bao gồm tài chính, quốc phòng, đối ngoại và nội vụ.

Tướng Min Aung Hlaing đã hứa sẽ có một cuộc bầu cử tự do, công bằng và bàn giao quyền lực cho người chiến thắng nhưng không đưa ra khung thời gian.

Nhà sư Phật giáo - Shwe Nya War Sayadawa, được biết đến vì ủng hộ NLD, cũng nằm trong số những người bị bắt hôm 2.1. Các nhà sư có thể là một lực lượng chính trị mạnh mẽ ở Myanmar đa số theo đạo Phật.

Một trong những mối quan tâm chính với các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc là số phận của những người Hồi giáo Rohingya, những người đã phải chịu đựng nhiều năm đối xử khắc nghiệt dưới bàn tay của quân đội.

Một cuộc đàn áp quân sự năm 2017 ở Bang Rakhine của Myanmar đã khiến hơn 700.000 người Hồi giáo Rohingya chạy sang Bangladesh.

Khoảng 600.000 người Rohingya vẫn ở lại Myanmar, trong đó có 120.000 người bị giam giữ trong các trại.

NLD hôm 2.2 kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Suu Kyi và yêu cầu chính quyền công nhận chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử tháng 11, một ngày sau khi cuộc đảo chính quân sự gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu. Trong đó,  Tổng thống Joe Biden hôm 1.2 đã đe dọa tái áp dụng các biện pháp trừng phạt với Myanmar sau cuộc đảo chính của các nhà lãnh đạo quân đội nước này và kêu gọi phản ứng quốc tế phối hợp để thúc ép họ từ bỏ quyền lực.

Ông Biden lên án việc quân đội Myanmar tiếp quản chính phủ do dân sự lãnh đạo và giam giữ các nhà lãnh đạo NLD, bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi, là "cuộc tấn công trực tiếp vào quá trình chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền của đất nước".

"Cộng đồng quốc tế nên cùng nhau lên tiếng để thúc ép quân đội Myanmar từ bỏ ngay quyền lực mà họ đã nắm giữ, trả tự do cho các nhà hoạt động và quan chức mà họ đã giam giữ. Mỹ đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Myanmar trong thập kỷ qua dựa trên sự tiến bộ với dân chủ. Việc đảo ngược tiến độ đó sẽ đòi hỏi phải xem xét ngay lập tức các luật xử phạt và cơ quan chức năng của chúng tôi, sau đó là hành động thích hợp”, ông Biden tuyên bố.

Nơi giam giữ Suu Kyi vẫn chưa được biết đến, hơn 24 giờ sau khi bà bị bắt và thông tin liên lạc duy nhất từ nhà lãnh đạo Myamar đến dưới dạng tuyên bố được viết trước cuộc đảo chính kêu gọi phản đối chế độ độc tài quân sự.

Bài liên quan
Trung Quốc từ chối lên án cuộc đảo chính ở Myanmar sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị gặp Tổng Tư lệnh Aung Hlaing
Hôm 1.12, Trung Quốc cho biết đã "ghi nhận" cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar và hy vọng rằng tất cả các bên có thể xử lý phù hợp sự khác biệt của họ theo hiến pháp và duy trì sự ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quân đội Myanmar thả nhiều quan chức cấp cao, ngân hàng hoạt động lại