Phương án nghỉ Tết âm lịch 2023 trong 7 ngày vừa được trình Thủ tướng xem xét, quyết định, hiện vẫn đang gây tranh cãi về số ngày nghỉ.

Phương án nghỉ 7 ngày Tết âm lịch vẫn gây nhiều tranh cãi

Tuyết Nhung | 28/10/2022, 13:21

Phương án nghỉ Tết âm lịch 2023 trong 7 ngày vừa được trình Thủ tướng xem xét, quyết định, hiện vẫn đang gây tranh cãi về số ngày nghỉ.

Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết phương án được chọn trên cơ sở lấy ý kiến, tổng hợp từ 16 bộ ngành suốt 2 tháng qua. Số ngày nghỉ liên tục không quá dài, hài hòa thời gian nghỉ chính thức 2 ngày trước Tết, 3 ngày sau Tết cộng thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần.

Trước đó, nhiều bộ ban ngành đã gửi góp ý về phương án nghỉ tết, trong đó có các phương án nghỉ 7 ngày, 8 ngày và 9 ngày. Cụ thể, có 10 cơ quan đồng tình phương án 7 ngày, nghỉ từ 29 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 5 tháng giêng năm Quý Mão, tức từ ngày 20.1.2023 đến hết 26.1.2023. Có 2 đơn vị chọn 9 ngày, từ 30 tháng chạp năm Nhâm Dần đến hết mùng 8 tháng giêng năm Quý Mão, tức 21.1.2023 đến hết 29.1.2023. Riêng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất nghỉ 8 ngày (19 - 26.1.2023, làm bù 28.1.2023). Còn hai đơn vị chưa góp ý.

Theo bộ, lịch nghỉ tết trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Đối với người lao động khối ngoài nhà nước, bộ đề nghị người sử dụng lao động quyết định chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 phù hợp theo thực tế của đơn vị. Phương án nghỉ Tết Nguyên đán của đơn vị phải đảm bảo 5 ngày, trong đó có 1 ngày năm cũ và 4 ngày năm mới; hoặc 2 ngày năm cũ 3 ngày năm mới. Nếu ngày nghỉ tết chính thức trùng ngày nghỉ hằng tuần thì người lao động được nghỉ bù vào các ngày đi làm của tuần tiếp theo. Các đơn vị chọn lịch nghỉ phù hợp và thông báo cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Về phương án nghỉ Tết 7 ngày của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (nghỉ từ từ 29 tháng chạp tới hết mùng 5 tháng giêng), người lao động đa phần không đồng tình và cho rằng nên nghỉ dài hơn (9 hoặc 10 ngày) và nghỉ sớm từ 26 hoặc 27 tháng chạp thay vì 29 tháng chạp như phương án hiện tại.

Đến nay, phương án nghỉ Tết Quý Mão 2023 trong 7 ngày tiếp tục gây nhiều tranh cãi vì người lao động làm ăn xa quê, nghỉ trước Tết quá ngắn sẽ gây áp lực lên giao thông và không có thời gian mua sắm, kích cầu cho tết.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc góp ý, xin ý kiến của các bộ ngành hiện nay về lịch nghỉ Tết âm lịch đều mang tính hình thức, cần thay đổi.

Trên thực tế, thời gian nghỉ tết theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành là 5 ngày. Ngoài ra, nghị định của chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời gian làm việc và nghỉ ngơi: Thời gian nghỉ Tết âm lịch do người sử dụng lao động lựa chọn 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm, hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm.

Tuy nhiên, căn cứ theo từng năm, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán thực tế sẽ được nối dài bao gồm cả ngày nghỉ bù và nghỉ cuối tuần. Do thời điểm tết của mỗi năm khác nhau, không thể quy định cứng mà phải căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội và xem xét lịch nghỉ bù phù hợp, thuận tiện nhất.

Đại diện Cục An toàn lao động, cơ quan tham mưu về lịch nghỉ lễ tết hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, từng cho rằng: "Nói nghỉ tết 7 hay 9 ngày là không đúng, thực tế lịch nghỉ chính thức chỉ có 5 ngày, những ngày còn lại là nghỉ bù và cuối tuần có thể thay đổi phù hợp với từng năm. Lịch nghỉ tết được ban hành cũng chỉ áp dụng cho cán bộ, viên chức nhà nước. Tổ chức có thể sắp xếp thời gian nghỉ riêng, nhưng đảm bảo 5 ngày nghỉ chính thức và thông báo lịch nghỉ này cho người lao động không quá 30 ngày trước kỳ nghỉ".

Bài liên quan
Bệnh nhân tai nạn, cấp cứu tại Chợ Rẫy trong 9 ngày nghỉ Tết năm nay giảm mạnh
Nếu so với 7 ngày nghỉ Tết năm ngoái thì 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 này, số bệnh nhân cấp cứu, tai nạn…nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy đều giảm mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
2 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phương án nghỉ 7 ngày Tết âm lịch vẫn gây nhiều tranh cãi