Nêu thực trạng các thành phố lớn thường xuyên bị ngập lụt, tình hình cháy nổ gia tăng trên cả nước, đại biểu quốc hội đề nghị truy trách nhiệm cụ thể.

‘Thành phố lớn thường xuyên ngập lụt, trách nhiệm của ai?’

P.V | 27/10/2022, 16:45

Nêu thực trạng các thành phố lớn thường xuyên bị ngập lụt, tình hình cháy nổ gia tăng trên cả nước, đại biểu quốc hội đề nghị truy trách nhiệm cụ thể.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở Quốc hội ngày 27.10, ông Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nói các thế hệ đi trước đã đúc kết "nhất thủy, nhì hỏa", nhưng công cuộc phòng thủy, phòng hỏa hiện nay còn nhiều bất cập. Hạ tầng kinh tế, kỹ thuật được đầu tư lớn nhưng chưa đủ trước biến đổi khó lường của thời tiết, khí hậu cực đoan. Hiểm họa "nhất thủy" luôn trực chờ, đe dọa.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho biết, hiện cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề sạt lở, lũ lụt, lũ quét vùng miền núi, xói lở bờ sông, bờ biển, nước triều dâng thường xuyên đạt đỉnh, gần đây những thành phố lớn được đầu tư hiện đại đều lần lượt bất ngờ xuất hiện ngập lụt lớn.

hoangducthang.jpg
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Ảnh: THQH

Theo ông Thắng, khi thiết kế kỹ thuật công trình hạ tầng kinh tế đô thị, các đơn vị ít chú ý đến thoát nước, thoát lũ; hoặc vì lợi ích trước mắt, các cơ quan bỏ qua những hệ lụy có thể xảy đến trong dài hạn. Mỗi con đường mở ra như những đê chắn nước, ngăn thoát lũ; mỗi khu dân cư, công trình đô thị mọc lên luôn rình rập sự quá tải của hệ thống thoát nước.

"Như vậy, không ngập úng mới là chuyện lạ. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào cho vấn nạn này", đại biểu tỉnh Quảng Trị nêu câu hỏi.

Theo ông, Việt Nam có chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 với mục tiêu đầy tham vọng. Nhưng dường như sự đầu tư và quyết tâm chưa tương xứng với sức tàn phá của thiên nhiên ngày càng khốc liệt. Vì vậy, ông Thắng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ tổng thể hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu để nhanh chóng có giải pháp căn cơ, chiến lược bài bản.

Theo đại biểu Thắng, trước mắt, cần tập trung nguồn lực giải quyết cho được bài toán về chống ngập lụt tại các đô thị, xói lở, sạt lở ở vùng miền núi, vùng ven biển, ven sông. Trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, vùng, địa phương tới đây nhất thiết phải đặt trọng tâm nhiệm vụ phát triển đi đôi với thích ứng biến đổi khí hậu, với dự báo tầm nhìn dài hạn và xem đây chính là động lực cho sự tăng trưởng.

Trong khi đó, bà Lê Đào An Xuân (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên) trăn trở khi thiệt hại do thiên tai gây ra trong 9 tháng đầu năm nay hơn 6.600 tỉ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm trước. Thiên tai liên tục do biến đổi khí hậu, khai thác rừng phòng hộ quá mức, trong khi rừng có vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ thực vật, dòng chảy đất, giảm tác động của lũ lụt.

xuanan.jpg
Đại biểu Lê Đào An Xuân - Ảnh: THQH

"Phần đông chúng ta hiểu rừng là trảng cây chứ chưa quan tâm đến hệ sinh thái, điều đó lý giải vì sao có rừng nhưng vẫn xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở ngày càng nhiều và khốc liệt hơn", bà Xuân nói, cho rằng cách trồng rừng độc canh, khai thác sớm như hiện nay không tạo được liên kết sinh thái, làm mất khả năng giữ đất, nước.

Nguồn tài chính huy động để thích ứng, giảm thiểu thiên tai còn hạn chế, chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Khu vực tư nhân chưa sẵn sàng và thiếu cơ chế tham gia. Doanh nghiệp thiếu nguồn lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đầu tư công nghệ sạch.

Nữ đại biểu đề nghị các ngành, địa phương coi rừng là lá chắn biến đổi khí hậu. Nhà nước cần thay đổi ngay định mức về khoán trồng và bảo vệ rừng; bổ sung chính sách trồng rừng gỗ lớn; hạn chế khai thác sớm, trắng rừng để cây đủ sức giữ đất, nước.

tuananh1.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Anh

Ông Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, tác động của biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân và đề nghị xây dựng chương trình đầu tư tầm quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta đã chuyển sang một giai đoạn mới, đòi hỏi Việt Nam vừa phải giải quyết vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội, trong khi phải thực hiện cam kết quốc tế về cắt giảm khí nhà kính.

Từ thực trạng này, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ các địa phương phát triển rừng và năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020 chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đã đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA cho 144 dự án, ngoài ra bộ, ngành, địa phương còn thực hiện một số các dự án đầu tư công có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, qua giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho thấy phần lớn nguồn lực này được đầu tư cho các hoạt động thích ứng, như xây dựng hồ chứa, hệ thống thủy lợi, đê, kè, cống ngăn mặn... trong khi tỷ trọng đầu tư cho giảm phát thải khí nhà kính là rất nhỏ.

Nhiều dự án triển khai còn chậm, chưa đạt tiến độ, mục tiêu đề ra. Quy mô một số dự án còn nhỏ lẻ, chưa tính đến yếu tố liên vùng. Một số dự án trồng phục hồi rừng chưa phù hợp với đăng ký ban đầu. Vì vậy, cử tri mong muốn có chương trình đầu tư mang tầm quốc gia để huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

“Việc xem xét xây dựng chương trình đầu tư mang tầm quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ báo cáo đầu tư công cho biến đổi khí hậu là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là cơ sở để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn là căn cứ để cử tri giám sát hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Anh Tuấn mong muốn.

Ngân hàng Thế giới ước tính biến đổi khí hậu khiến Việt Nam thiệt hại 10 tỉ USD năm 2020, tương đương 3,2% GDP. Nếu không có biện pháp, Việt Nam có thể thiệt hại 12-14,5% GDP mỗi năm do biến đổi khí hậu vào năm 2050. Việt Nam cần đầu tư 368 tỉ USD để ứng phó biến đổi khí hậu. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Thành phố lớn thường xuyên ngập lụt, trách nhiệm của ai?’