Các đại biểu quốc hội đề nghị cấp bù lãi suất, đặt hàng doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, khoan thư sức dân… để doanh nghiệp vượt qua đại dịch.
Sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu
Tại phiên thảo luận chiều 8.11, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho biết đại địch đã khiến tăng trưởng rơi thẳng đứng, từ dương 6,61 xuống âm 6,7%, khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, người lao động phải bỏ về quê. Điều này cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực doanh nghiệp đang suy kiệt.
Theo ông Cường, để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp, các doanh nghiệp cần nguồn lực để phục hồi. Theo đó, cần có chính sách cấp bù lãi suất để doanh nghiệp vay vốn với mức lãi suất tương đương với tỷ lệ lạm phát.
Lý do là hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó có thể bù đắp được các chi phí vay cao trên thị trường; trong khi các tổ chức tín dụng đang phải duy trì mức lãi suất để đảm bảo kinh doanh, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu gia tăng.
“Nếu ngân sách dành 30-40 nghìn tỉ cấp bù lãi suất thì sẽ có được 1 triệu tỉ tiền vốn lãi suất thấp để giúp các doanh nghiệp phục hồi. Đồng thời, phải có cơ chế kiểm soát để doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay giá rẻ, không để tiền đổ vào các kênh đầu cơ tài sản”, ông Cường nói.
Ông Cường đề xuất cần có cơ chế đặt hàng để doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất các sản phẩm ưu tiên, tạo đột phá. Theo đó, có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng: đường sắt, kinh tế biển, hạ tầng công nghệ số.
“Vấn đề đặt ra là nguồn lực từ đâu để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng? Chúng ta có dư địa lớn để tăng nguồn lực đầu tư, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách thêm 2-3% sẽ có nguồn lực để phục hồi và đầu tư. Phát hành trái phiếu Chính phủ nên là giải pháp được lựa chọn”, ông Cường nói.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị Chính phủ sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên và củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo.
Song song với đó, đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ, bảo quản vào sản xuất và lưu thông. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để cắt giảm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Ông Vân cũng cho rằng cần cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào những công trình trọng điểm và công trình đã dang dở để hoàn thành, giữ nghiêm kỷ luật đầu tư công. Đặc biệt, Quốc hội, Chính phủ sớm cụ thể hóa Kết luận 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Đẩy mạnh cải cách thể chế
Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội, cần phải áp dụng một giải pháp phi tài chính, các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất kinh doanh, đầu tư toàn xã hội; không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Ông Lộc cho rằng, biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.
Đại biểu hoan nghênh chủ trương về việc hình thành quỹ hỗ trợ 2- 3% lãi suất cũng như là việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, bên cạnh việc triển khai các gói hỗ trợ, nhiệm vụ trọng tâm lúc này vẫn phải là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh toàn dân để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp với thiên hạ. Chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đề nghị Chính phủ quan tâm giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội, đó chính là cải cách thủ tục hành chính.
Lý do, cải cách thủ tục hành chính là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, đồng thời là nội dung bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp. Thông qua cải cách thủ tục hành chính có thể giúp xây dựng bộ máy phù hợp, lựa chọn bộ máy công chức hợp lý.
Ngoài ra, theo ông Hà, thông qua cải cách thủ tục hành chính sẽ gỡ bỏ rào cản với môi trường kinh doanh và đời sống người dân, giúp cắt giảm chi phí và rủi ro mà người dân phải gánh chịu. Đồng thời giúp tăng thu cho ngân sách, giảm chi cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, đại biểu Hà cho biết cải cách thủ tục hành chính ngăn chặn 4 nguy cơ, nhất là nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tham nhũng, lãng phí nguồn lực. “Đây là những giá trị vô hình nhưng có tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tác động tích cực đến đầu tư trong và ngoài nước”, ông Hà nhấn mạnh.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến cũng có thể sẽ có những chính sách miễn, giảm thuế. Do đó, trong thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh.
Đối với các gói an sinh xã hội, theo đại biểu, với mức hỗ trợ từ 2 đến 3 triệu/ người/ lần mang ý nghĩa động viên rất lớn nhưng đó chỉ là những giải pháp mang tính chất tình thế, không phải là giải pháp căn cơ lâu dài. Do đó, cần có những giải pháp hữu hiệu để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động.