Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa 11) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” nhấn mạnh như vậy chiều 9.4.
Sự tham gia tích cực, tự giác của nhân dân trong phát triển văn hóa ngày càng thể hiện rõ nét. Các hoạt động văn hóa ở cơ sở ngày càng đi vào thực chất.
Ngân sách đầu tư cho lĩnh vực văn hóa không ngừng được nâng lên. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở từng bước ổn định, cơ sở vật chất trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng cấp xã, nhà văn hóa ấp, nhà văn hóa liên ấp, nhà văn hóa dân tộc được đầu tư nâng cấp, phát triển về quy mô, trang thiết bị, thu hút và tạo điều kiện cộng đồng dân cư đến tham gia sinh hoạt, vui chơi giải trí ngày một nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Công tác gia đình và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được lồng ghép tuyên truyền thực hiện vào trong các tiêu chí, tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu văn hóa, đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh vào quy ước khu dân cư…
Công tác quản lý nhà nước lĩnh vực di sản văn hóa được tăng cường với sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương. Các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm bảo vệ và phát huy giá trị.
Ba câu hỏi của Phó thủ tướng
Ba câu hỏi được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra đối với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh là nhận thức của lãnh đạo tỉnh đã thực sự coi trọng văn hoá chưa, trong các phiên họp của cấp ủy, chính quyền thì vấn đề văn hóa - xã hội được đề cập như thế nào? Tinh thần nêu gương của cán bộ đảng viên được thực hiện ra sao? Ý kiến của các chuyên gia về văn hóa đã được coi trọng đúng mức hay chưa, đội ngũ cán bộ làm văn hóachuyên sâu có vấn đề không?
Phó thủ tướng đề nghị làm rõ những nét đặc thù của Tây Ninh tác động thế nào đến hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa, con người như: Có biên giới dài; các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng gắn rất chặt với đời sống với tỷ lệ tín đồ trên số dân cao nhất cả nước; có những di tích lịch sử cách mạng rất quan trọng như di tích Trung ương Cục miền Nam…
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh thẳng thắn nhìn nhận, trong chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết 33 có nơicó lúc chưa tập trung quyết liệt, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, có lúc chưa đồng bộ, chặt chẽ. Công tác tuyên truyền, vận động các phong trào văn hóa chưa thường xuyên, liên tục, nội dung chưa sát với từng đối tượng, có nơi còn mang tính rập khuôn, hình thức.
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang có chuyển biến nhưng chưa toàn diện, vững chắc, một số tập tục lạc hậu như thời gian lễ tang kéo dài, chôn cất người mất tại đất của gia đình, dòng tộc, không đưa vào nghĩa trang.
Việc xét công nhân danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa” có nơi, có lúc chưa đúng thực chất, còn biểu hiện chạy theo chỉ tiêu, thành tích.
Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa chưa thật sự đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, nhất là về tâm huyết, trách nhiệm. Biểu hiện vừa thừa, vừa thiếu, chưa có giải pháp khắc phục.
Lãnh đạo các sở Công an, VH-TT-DL, GD-ĐT… đã cung cấp thêm những góc nhìn đa dạng, trực diện, thẳng thắn về các vấn đề đặt ra khi thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa, con người theo Nghị quyết 33.
Bên cạnh các khó khăn về nguồn lực, cơ sở vật chất, con người thì mặt trái cơ chế thị trường tạo ra một số hệ lụy xấu về mặt xã hội như hình thành lối sống thực dụng, hưởng thụ sống gấp, sống ảo. Mối quan hệ cộng đồng, gia đình trở nên lỏng lẻo; tình làng nghĩa xóm không còn giữ nguyên giá trị truyền thống vốn có. Đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, thậm chí đánh mất một số giá trị văn hóa truyền thống.
“Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm cách làm hiệu quả để giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử, truyền thống cho thanh thiếu niên, đặc biệt là những lao động trẻ làm trong các khu công nghiệp”, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Đặng Thanh Hải trăn trở.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Bí thư Huyện ủy huyện Dương Minh Châu chia sẻ kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, thông tin, phối hợp với các cơ sở tôn giáo trong triển khai phong trào xây dựng đời sống văn hoá gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch UBND huyện HòaThành Nguyễn Nam Hưng cho biết, với hơn 90% dân số theo đạo Cao Đài, cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc trong vận động người dân, tín đồ thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Hợp cho biếtmối quan hệ gắn kết giữa các tổ chức tôn giáo và các cấp ủy, chính quyền, MTTQ… rất gần gũi, gắn bó, từ đó góp phần quan trọng trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, khắc phục những khiếm khuyết, bức xúc về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử, đời sống hàng ngày hiện nay. Đóng góp đó bắt nguồn từ những việc làm tưởng chừng nhỏ nhặt như xây dựng ý thức kính già, yêu trẻ, thái độ ứng xử hàng ngày, tình yêu thiên nhiên, yêu những cái tốt, yêu lao động, biết ơn những người giúp đỡ mình đến việc hình thành nếp sống, tập tục ma chay, cưới hỏi, xử lý môi trường, nước sạch…
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằngTây Ninh có những cách làm rất sáng tạo trong công tác dân tộc, tôn giáo. Đây là kinh nghiệm rất tốt cần được nhấn mạnh trong báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 33.
Nắm vững những điểm đặc thù của văn hóa
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, như quy luật của nhiều nước trên thế giới thời gian đầu quá chú trọng phát triển kinh tế mà không chú ý đến môi trường, khi nhận ra thì mất hàng chục năm và nhiều phần trăm GDP để khắc phục, nhưng muộn hơn nữa, khi nhận ra hệ quả của việc không chú ý đến văn hóa - xã hội thì phải mất hàng thế hệ và có khi mất nhiều lần mức tăng trưởng mới khắc phục được.
Trong khi đó, lĩnh vực văn hóa rất khó lượng hóa, đo đếm, phát sinh và tích tụ dần dần, song khi bộc lộ ra cũng không khắc phục được ngay. Bên cạnh đó, nhìn trong ngắn hạn các hoạt động văn hóa, xã hội nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, không đóng góp trực tiếp về kinh tế. Trong giải quyết các vấn đề văn hóa, ý kiến chuyên gia chưa được coi trọng đúng mức. Để thay đổi nhận thức này không đơn giản.
Mặc dù còn nhiều điểm không hài lòng, nhưng Phó thủ tướng cho biếtthế giới đánh giá cao Việt Nam về bản sắc văn hóa, công tác bảo tồn di sản. Thu nhập bình quân đầu người hơn 2.000 USD nhưng giáo dục tương đương những nước có mức thu nhập bình quân đầu người 15.000 - 20.000 USD, ngang các nước OECD và mô hình tốt nhất trong các nước đang phát triển. Tương tự, hiệu quả của y tế ở Việt Nam cũng tương đương với những nước có mức thu nhập bình quân đầu người trên 10.000 USD.
Phân tích thêm về một số vấn đề cụ thể, Phó thủ tướng cho rằng trong lĩnh vực giáo dục tiếp tục phải đổi mới tư duy quản trị các trường phổ thông từ chỗ chủ yếu chỉ có chính quyền, ban giám hiệu… cần có sự tham gia của cộng đồng, tập thể giáo viên và người lao động, phụ huynh và học sinh.
Trường học phải được coi là "thiết chế công cộng" để huy động nguồn lực xã hội trên cơ sở tự nguyện, công khai, minh bạch.
Đối với kiến nghị của Tây Ninh liên quan đến xã hội hóa giáo dục, cho thuê cơ sở vật chất, trường lớp, Phó thủ tướng giao các bộ ngành rà soát lại các quy định pháp luật liên quan, trường hợp chưa rõ thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét thí điểm.
“Nếu có cơ chế xã hội hóa, huy động tư nhân đầu tư vào giáo dục hoặc cho thuê lại cơ sở vật chất, trường lớp có sẵn thì chúng ta sẽ có thêm nguồn lực cho những vùng còn khó khăn, thiếu trường lớp, thầy cô”, Phó thủ tướng gợi mở.
Đối với y tế, Phó thủ tướng mong muốn các địa phương như Tây Ninh cần mạnh dạn đổi mới hoạt động của bệnh viện công, khuyến khích phát triển bệnh viện tư để người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất cũng như đáp ứng các đối tượng có yêu cầu và thu nhập cao hơn.
Theo VGP News