20 năm là Tư lệnh bộ đội Trường Sơn, chỉ huy hơn 120.000 quân đảm bảo mạch máu tiếp tế cho cách mạng miền Nam, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên để lại những dấu ấn đậm nét trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.
Dấu ấn Trường Sơn
Tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 rồi kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, nhưng sự nghiệp của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với tuyến đường Trường Sơnhuyền thoại của 30 năm kháng chiến chống Mỹ - nơi ông đảm trách vị trí tư lệnh của hơn 120.000 ngàn quân tới 20 năm (1967-1976).
Thời điểm ông được Bác Hồ và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn (1.1.1967) là thời kỳ Mỹ đang đánh phá quyết liệt, bom đạn Mỹ đổ xuống Trường Sơn ác liệt nhất. Đây cũng là lúc chúng ta quyết định chuyển hướng từ vận chuyển bằng gùi, thồ, bằng phương tiện thô sơ sang hoạt động cơ giới. Trước những khó khăn bước đầu, nhiều ý kiến cho rằng, không thể vận chuyển bằng cơ giới được vì nếu địch ngăn chặn, đánh phá, ta sẽ không bảo toàn được lực lượng.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Bộ Tư lệnh 559 (từ 1970 gọi là Bộ Tư lệnh Trường Sơn - PV), chính tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nêu quan điểm, muốn thắng địch, muốn phát triển lực lượng để cân bằng với địch, để cách mạng miền Nam có thể giành được thắng lợi, thì phải vận chuyển bằng cơ giới. Đó là quyết tâm chuyển hướng táo bạo, quyết đoán và cũng là dấu ấn thể hiện bản lĩnh chỉ huy của tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên tại khu căn cứ chỉ huy Sê Pôn, chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971 - Ảnh: Tư liệu
Trong 20 năm giữ chức Tư lệnh Trường Sơn, ông đã kiên định thực hiện chủ trương này. Khi vào Trường Sơn, tướng Đồng Sỹ Nguyên có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe, chia thành 4 binh trạm, việc chi viện vào chiến trường miền Nam còn rất khó khăn. Thế nhưng, chỉ 8 năm sau, đến đầu 1975, tướng Nguyên đã nói với Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh: "Cần bao nhiêu gạo, đạn, xăng và xe chở quân cũng có đủ". Lúc này, chỉ riêng vận tải cơ giới, Trường Sơn có 2 sư đoàn với hơn 10.000 xe.
Một dấu ấn nữa của tướng Đồng Sỹ Nguyên là tư tưởng chỉ đạo dũng cảm, táo bạo mà kiên cường. Lúc đầu, để bảo toàn lực lượng, bộ đội ở Trường Sơn chủ yếu là “phòng tránh”, các lán trại cũng đặt cách đường vận chuyển 2-3 cây số. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trực tiếp nghiên cứu, khảo sát thì thấy rằng, cách hoạt động như vậy không ổn.
Ông cho rằng, đánh địch phải bám thắt lưng địch mà đánhnên bố trí của bộ đội Trường Sơn như vậy sẽ không hiệu quả, gây khó khăn cho việc chỉ huy cũng như hoàn thành nhiệm vụ của các lực lượng. Chính vì vậy, tướng Nguyên đã quyết định yêu cầu tất cả các binh trạm, các chỉ huy, đơn vị phải trực tiếp bám đường, bám trận địa, trực tiếp ngăn chặn sự phá hoại của quân thù với quan điểm “đánh định mà đi, mở đường mà tiến”.
Tướng Nguyên cũng là người chỉ huy rất sáng tạo để tháo gỡ những khó khăn trên chiến trường. Là tư lệnh nhưng ông luôn đi đầu, sát chiến trường, sát trận địa, sát với anh em chiến sĩ để tìm hiểu tình hình từ đó đưa ra những giải pháp hiệu quả cho chiến trường. Khi ấy, Mỹ đánh phá rất ác liệt, đặc biệt là chúng dùng máy bay C-130 ném bom, gây cản trở rất lớn cho lực lượng vận chuyển của ta. Nhiều anh em chiến sĩ khi ấy lo lắng và cho rằng, nếu cứ tiếp tục sẽ hy sinh lớn.
Trước tình hình đó, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã bàn với lãnh đạo, chỉ huy của Bộ Tư lệnh Trường Sơn và đề xuất biện pháp giải quyết bằng cách tạo ra “con đường kín”. Con đường kín ấy giúp chúng ta chạy được cả ban ngày mà địch không thể phát hiện được, từ đó giúp chúng ta tăng được cả tốc độ lẫn lưu lượng vận chuyển.
Vị tướng của đời thường
Là một tư lệnh tài ba, quyết đoán, ông cũng là con người quyết liệt và rất nóng tính, một khi ông đã yêu cầu là phải làm đến nơi đến chốn và phải làm bằng được. Khi có việc xe không đạt cung độ, ông yêu cầu từng binh trạm một phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân tại sao. Nếu không có lý do chính đáng sẽ bị kỷ luật, thậm chí thay ngay. Còn nếu có lý do thì ông yêu cầu phải tìm giải pháp khắc phục, chứ không thể thụ động.
Nhưng ông cũng là một người gần gũi, đồng cam cộng khổ với anh em chiến sĩ. Tôi còn nhớ, lần đầu tiên gặp ông là vào tháng 7.1974, khi còn là một tiểu đội trưởng của Trung đoàn 98 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn) - đơn vị phụ trách 20km đường qua phà sông Bung (Quảng Nam). Khi ấy chúng ta đang gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, mọi công việc đang rất gấp rút và căng thẳng.
Nhưng sau khi kiểm tra công việc, ông lại hỏi tôi về tâm tư, tình cảm và đời sống của anh em trong tiểu đội như thế nào. Khi ấy, tôi trả lời thành thực với ông rằng, anh em chỉ có 2 mong muốn: một là sớm thống nhất đất nước để có thể trở về quê hương; hai là làm thế nào để anh em bớt đói, có bữa cơm no để tiếp tục chiến đấu.
Trả lời chúng tôi, ông rất tâm đắc, nói rằng tâm tư của anh em rất xác đáng và đó cũng là tâm tư của anh em toàn Trường Sơn. Ông nói: "Anh em đều mong muốn sớm thống nhất đất nước để có ngày về quê hương với bố mẹ, vợ con. Và ngày đó sắp tới gần rồi. Cho nên, các chú phải tích cực, làm tốt nhiệm vụ. Làm thế nào để vận chuyển mỗi đêm được 50 xe hàng vượt qua sông Bung này. Thứ 2 là đường sá phải làm tốt hơn để tốc độ xe đi nhanh hơn và đảm bảo an toàn".
Nguyện vọng thứ 2, ông không trả lời chúng tôi, nhưng một tuần sau khi ông về thăm, tiêu chuẩn của anh em chiến sĩ từ 4-5 lạng gạo đã tăng lên 7-8 lạng. Anh em đều rất phấn khởi. Đó là một cử chỉ thể hiện rằng ông rất quan tâm tới đời sống, tâm tư anh em chiến sĩ.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người luôn trăn trở với thời cuộc, với những việc lớn của đất nước, dù ông đã nghỉ hưu - Ảnh: Báo TN
Sau ngày đất nước thống nhất, có nhiều dịp gặp gỡ, trò chuyện với ông, tôi càng thấy ông là một vị tướng giản dị, đời thường, ngay cả khi ông là ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tứcPhó thủ tướng Chính phủ).
Tôi còn nhớ, vào năm 2000 khi ông được giao trọng trách cố vấn đặc biệt của Thủ tướng, tham gia Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng đường Hồ Chí Minh(hay quốc lộ Trường Sơn), ông vẫn giữ tác phong của một người lính, ăn đường, ngủ rừng với anh em chiế sĩ, anh em ăn gì là ông ăn nấy, không có bất cứ đòi hỏi gì.
Ngôi nhà ông được phân từ khi ông chuyển về tới nay gần như vẫn nguyên vẹn, không có gì thay đổi, từ bộ bàn ghế đến các vật dụng sinh hoạt. Cho tới khi mất, ông vẫn giữ lối sống liêm khiết, giản dị.
Ông cũng sẵn sàng chia sẻ với những anh em chiến sĩ gặp khó khăn. Số tiền bạn bè phúng viếng khi vợ ông mất, ông chuyển cả cho Binh đoàn 12 (binh đoàn kế thừa Bộ Tư lệnh Trường Sơn - PV) và Hội Truyền thống Trường Sơn để làm quỹ hỗ trợ cho những anh em chiến sĩ của bộ đội Trường Sơn trước đây nay còn gặp khó khăn. Có thể nói, cho tới cuối đời, ông vẫn nghĩ cho đồng đội, cho đất nước, đó là điều đáng quý và hiếm có nơi một vị tướng lĩnh như ông.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng (nguyên Phó tư lệnh chính trị Binh đoàn 12)