Quốc hội hiện đưa ra các thước đo: nợ công/GDP, chi tiêu Chính phủ/GDP, nợ nước ngoài/GDP, thâm hụt ngân sách/GDP… Ta cần có các chỉ tiêu song song với các chỉ tiêu trên như nợ công/thu ngân sách, nợ Chính phủ/thu ngân sách từ thuế…”, PGS.TS Phạm Thế Anh nêu quan điểm

PGS.TS Phạm Thế Anh: Cần có những thước đo khác, không nên chỉ dựa vào GDP

01/11/2019, 13:28

Quốc hội hiện đưa ra các thước đo: nợ công/GDP, chi tiêu Chính phủ/GDP, nợ nước ngoài/GDP, thâm hụt ngân sách/GDP… Ta cần có các chỉ tiêu song song với các chỉ tiêu trên như nợ công/thu ngân sách, nợ Chính phủ/thu ngân sách từ thuế…”, PGS.TS Phạm Thế Anh nêu quan điểm

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân trình bày tham luận - Ảnh: LT

Phải chăng cứ vay nợ để chi tiêu thường xuyên là không được phép?

Trả lời báo chí tại tọa đàm “Đánh giá lại quy mô GDP của nền kinh tế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm cho biết ở Việt Nam, sau khi tính lại, GDP giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%.

“Khi đánh giá lại GDP thì GDP bình quân đầu người tăng lên. Khi GDP đầu người tăng lên, một phần nào đó, phản ánh thu nhập của người dân tăng lên. Các tầng lớp dân cư có thu nhập khác nhau sẽ có cơ cấu, mô hình tiêu dùng khác nhau.

Ông Lâm cho biết khi tính lại GDP, TCTK đã tính toán một loạt chỉ tiêu dẫn xuất và phụ thuộc vào GDP. “Chúng tôi thấy các chỉ tiêu của Việt Nam khá phù hợp với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn tỷ lệ huy động thuế vào ngân sách hiện bằng 20%-22% GDP, sau điều chỉnh, tỷ lệ này bằng 17%-18% GDP, vẫn phù hợp với các nước trong khu vực”.

Đối với các chỉ tiêu nhạy cảm như nợ công, chi tiêu Chính phủ… người đứng đầu TCTK cho biết các ngưỡng an toàn sẽ do Chính phủ, các nhà kinh tế tính toán sao cho phù hợp. Ông nhấn mạnh “đừng quá cứng nhắc” với các ngưỡng đó, bởi “chúng ta cần thay đổi sao cho phù hợp với từng giai đoạn của nền kinh tế, trong bối cảnh hội nhập, kinh tế toàn cầu”.

“Phải chăng cứ vay nợ để chi tiêu thường xuyên là không được phép? Trong lúc suy giảm như thế, một đất nước đang bị suy thoái (tôi không nói Việt Nam) cần chi tiêu thường xuyên để cứu đất nước không bị đổ vỡ thì cần chứ. Chỉ có điều chúng ta chi tiêu đừng để thất thoát và có giải pháp để khắc phục, trả lại phần chi tiêu vượt đó trong năm sau…”, ông Lâm nói.

PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng việc điều chỉnh GDP là công việc thường xuyên, không thể tránh khỏi của các quốc gia, nhất là quốc gia có nền kinh tế đang phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều chỉnh GDP phải đi kèm với các giải trình chi tiết, làm rõ có sự khác biệt gì giữa hai con số GDP và vì sao lại có sự khác biệt đó.

Chuyên gia này cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách, Chính phủ cần có thêm những chỉ tiêu khác để giám sát mức độ an toàn, lành mạnh của nền kinh tế chứ “không nên chỉ dựa vào con số GDP, phụ thuộc vào GDP”.

“Tôi ví dụ, Quốc hội hiện đưa ra các thước đo: nợ công/GDP, chi tiêu Chính phủ/GDP, nợ nước ngoài/GDP, thâm hụt ngân sách/GDP… Ta cần có các chỉ tiêu song song với các chỉ tiêu trên như nợ công/thu ngân sách, nợ Chính phủ/thu ngân sách từ thuế…

Tức là ta thay thế GDP bằng một thước đo chính xác hơn, cụ thể hơn, hiện thực hơn. Thu từ thuế là khoản thu mà Chính phủ có được, rất cụ thể, còn GDP rất rộng và không có cái cụ thể. Đó là chưa nói việc thay đổi GDP diễn ra thường xuyên. Do đó, nếu phụ thuộc vào con số GDP thì nó sẽ vô hiệu hóa tất cả chỉ tiêu giám sát của Quốc hội, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Chính phủ đặt ra”, ông Thế Anh nêu quan điểm

Ông Phạm Thế Anh cũng lưu ý, việc TCTK điều chỉnh quy mô GDP không đồng nghĩa với tăng khả năng thu ngân sách của Chính phủ, do phần 25,4% tăng thêm không phải là những khoản thu mới xuất hiện.

“76.000 doanh nghiệp được bổ sung vào quá trình đánh giá lại GDP không phải là thứ TCTK không quan sát được. Thực ra đó đều là những doanh nghiệp đã hoạt động, đăng ký với cơ quan thuế, do đó việc bổ sung này không hàm ý với tăng nguồn thu", ông Thế Anh nói.

Băn khoăn về tham mưu của TCTK

GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam băn khoăn về vấn đề kinh tế ngầm như trốn lậu thuế, không đóng BHXH…

Theo ông Thái, trong điều kiện ứng dụng Internet, một số người đã trốn lậu thuế vì buôn bán, trao đổi hàng hóa nhưng thỏa thuận trên không gian mạng, có thể tránh được phần nào kiểm soát của cơ quan thuế. GDP vì thế có thể tăng thêm, nhưng không phải “đoán” để đưa thêm vào GDP, khi Nhà nước vẫn chưa thu được thuế.

“Nhiều chuyên gia dự đoán quy mô kinh tế ngầm tới 25-30%GDP, nhưng TCTK cho rằng ít hơn. Biện pháp để làm rõ quy mô của kinh tế ngầm chính là tăng cường công khai minh bạch, tiến nhanh trên con đường số hóa nền kinh tế (kể cả tích hợp các thông tin quản lý) và tích cực phòng chống tham nhũng khi quan chức Nhà nước “lờ” đi nhiều hoạt động bất hợp pháp để thu lợi bất chính”, ông Thái nói.

Ngày 1.2.2019 Thủ tướng đã phê duyệt đề án Thống kê khu vực chưa quan sát được, trong đó nêu năm 2020 chính thức đưa kinh tế ngầm và bất hợp pháp vào GDP.

"Tôi băn khoăn về tham mưu này của TCTK với Chính phủ, hoặc không khả thi hoặc dẫn đến “đoán mò”, để năm 2025 thực hiện đưa hai khu vực này sang khu vực quan sát. Ở đây có điểm băn khoăn, có lẽ không ai dám nói nước mình hết kinh tế ngầm và bất hợp pháp (ngay cả Mỹ)", GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái nói.

Theo ông Thái, kinh tế phi chính thức gồm hoạt động nhỏ lẻ, không có hợp đồng lao động. Đôi khi các nhà khoa học cũng gộp thêm các hoạt động khác như kinh tế tự sản tự tiêu và các hoạt đồng kinh tế “truyền thống” nhưng khó quản lý và gần đây là cả nhiều hoạt động “phi nông nghiệp” ở nông thôn, ven đô và cả hoạt động “khởi nghiệp” trong giai đoạn ban đầu.

Về kinh tế tự sản tự tiêu, kinh tế hộ gia đình, ông Thái dẫn số liệu của Tổng cục thuế cho thấy, năm 2018 có tới gần 600.000 hộ kinh doanh chưa được đưa vào diện quản lý thuế, cần tăng cường trong tương lai.

Đây cũng là nguyên nhân chủ quan của công tác quản lý Nhà nước cần nhanh chóng khắc phục, nhưng không nên bắt chuyển thành “doanh nghiệp”, vì kinh tế hộ nên có biện pháp đăng ký đơn giản hơn.

Cũng theo chuyên gia này, hoạt động kinh tế bị bỏ sót khi thu thập và xử lý dữ liệu. Đây cũng là nguyên nhân chủ quan của các cơ quan Nhà nước có thể sớm khắc phục.

Ngoài ra, ông Thài còn băn khoăn về mối tương quan thống kê địa phương và trung ương; sai số thương mại quốc tế quá lớn, đặc biệt với Trung Quốc cần được giải thích? Việc điều chỉnh GDP sẽ ảnh hưởng thế nào đến chuỗi số liệu nghiên cứu đã tiến hành?

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS.TS Phạm Thế Anh: Cần có những thước đo khác, không nên chỉ dựa vào GDP