Cải cách của Việt Nam chỉ có thị trường, thị trường và thị trường. Tại sao lại vậy? Tại vì ở Việt Nam, mọi thứ đang đè nén thị trường, thế thì ta phải đẩy nó, phải thị trường, thị trường, thị trường hơn nữa”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

TS Nguyễn Đình Cung: Cần tháo trần tư duy để cải cách triệt để

31/10/2019, 07:03

Cải cách của Việt Nam chỉ có thị trường, thị trường và thị trường. Tại sao lại vậy? Tại vì ở Việt Nam, mọi thứ đang đè nén thị trường, thế thì ta phải đẩy nó, phải thị trường, thị trường, thị trường hơn nữa”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - Ảnh: Cafef

Ngày 30.10, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo "Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng".

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu Tổng hơp CIEM cho biết thời gian qua, Việt Nam tăng trưởng tương đối nhanh ở khu vực công nghiệp và theo đó, khai khoáng tăng trở lại sau khi sụt giảm trong năm 2018.

Đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng là công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn bán lẻ và sửa chữa mô tô, xe máy, xe có động cơ khác. Tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng tăng nhẹ.

Một số ngành còn nhiều dư địa như thông tin và truyền thông; khoa học công nghệ… Xuất nhập khẩu vẫn giữ đà phục hồi tăng trưởng; thặng dư thương mại trong 9 tháng ước đạt 7,1 tỉ USD, vượt cả cùng kỳ năm 2018. Khu vực đầu tư nước ngoài giảm tốc thấp hơn so với khu vực trong nước.

“Trong 9 tháng của năm, khu vực tư nhân thêm sức sống, điều đó thể hiện ở chỗ đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh nhất. Từ đó, tạo động lực cho nhà đầu tư toàn xã hội; hứng khởi kinh doanh tăng được thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới vẫn tăng. Sức sống, sáng tạo, linh hoạt và thích nghi trong bối cảnh mới như thực hiện dự án hạ tầng lớn, khai thác các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ”, ông Dương nhìn nhận.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng tạo nên mức tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, tăng trưởng nhờ xuất khẩu khá bấp bênh, không chắc chắn và rủi ro không nhỏ.

Cụ thể, xuất khẩu tăng 7,6% nhưng phụ thuộc rất lớn vào Mỹ (xuất khẩu vào Mỹ tăng 26,6%). Cùng thời gian, mức xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ tăng nhẹ, lần lượt là 7,5% và 9%, trong khi giảm ở các trường: EU (giảm 1,9%), Trung Quốc (giảm 2,9%).

“Như vậy, Mỹ đang là cứu tinh cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và điều này cũng đặt kinh tế Việt Nam vào thế bất định, rủi ro. Việt Nam không thể tiếp tục làm thế này mà Mỹ cũng chẳng cho ta làm như thế lâu”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, đầu tư nhà nước và đầu tư FDI cũng không còn là động lực cho tăng trưởng nữa. Nguyên do là giải ngân vốn đầu tư công chỉ bằng 69,2% kế hoạch và chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, còn đầu tư FDI đang cho thấy đà suy giảm. Số vốn đăng ký mới giảm 14,6%. Điều này đồng nghĩa với việc quy mô các dự án FDI đang giảm.

“Việc giảm này khiến ta có quyền nghi ngờ về chất lượng dự án và cách thức FDI đầu tư tại Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng các nhà đầu tư FDI đang phân nhỏ dự án để tránh rủi ro và với quy mô dự án nhỏ, giảm dần thì liệu có nghiên cứu và phát triển, liệu có chuyển giao công nghệ được không?”, ông Cung nêu vấn đề.

Xét trên khía cạnh quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, có thể nhận thấy sự vượt trội của nhóm Trung Quốc (Đại lục, Hong Kong, Đài Loan) khi chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư trong 10 tháng mà không thấy Mỹ và châu Âu ở đây.

Theo ông Cung, cải cách vi mô phải là một sự chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường, tự do hóa thị trường trong nước, nâng cao mức độ an toàn và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Tôi nói bao nhiêu lần rồi, không có gì khác đâu, cải cách của Việt Nam chỉ có thị trường, thị trường và thị trường. Tại sao lại vậy? Tại vì ở Việt Nam, mọi thứ đang đè nén thị trường, thế thì ta phải đẩy nó, phải thị trường, thị trường, thị trường hơn nữa”.

Ông Cung cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc gỡ bỏ các quy định hành chính bất hợp lý; đơn giản hóa, hợp lý hóa các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường; tạo thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân xây dựng năng lực sản xuất kinh doanh mới cho nền kinh tế.

“Tôi kiến nghị đừng để các Bộ tự làm, vì để từng Bộ thì không ai làm được cái này đâu. Đây là lĩnh vực đầy rẫy xin - cho và quyền lợi, không ai tự bỏ quyền của mình cả. Để các Bộ tự làm với nhau thì chỉ ra một sản phẩm thỏa hiệp thôi, không giải quyết được vấn đề. Tôi kiến nghị thành lập một tổ công tác chuyên ngành, chủ yếu là người bên ngoài, đặt dưới sự chỉ đạo của một phó thủ tướng để làm. Nếu không, những điều này ta đã nói 10 năm qua, có thể sẽ nói trong 10 năm tới”, ông Cung cho hay.

Về tận dụng, thu hút cơ hội đầu tư, ông Cung đề nghị Chính phủ cần phải lấy lòng nhà đầu tư. Cụ thể là sửa Luật Lao động, rồi Bộ Ngoại giao và các Bộ chuyên ngành cần chủ động gặp các đại sứ, tham tán, các nhà đầu tư lớn để giải thích cho họ về nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, bởi nghị quyết này có nhiều khái niệm chưa rõ và nhạy cảm.

Ông Cung cho rằng nếu không nỗ lực bứt phá thì ngay cả việc duy trì được mức tăng trưởng 7% cũng không phải dễ.

“Vấn đề của ta nằm ở hiệu quả sử dụng nguồn lực. Trọng tâm cải cách nên dồn vào đó. Nếu nâng cao được hiệu quả thì với tổng nguồn lực hiện nay, ta có thể tăng trưởng như thiên hạ. Và để tăng hiệu quả thì không gì khác ngoài thị trường, thị trường và thị trường. Thị trường hơn sẽ hiệu quả hơn.

“Ta hãy tháo trần tư duy để hành động. Nếu không tháo trần tư duy để cải cách mạnh mẽ chuyển triệt để và nhất quán sang kinh tế thị trường thì ngay cả kịch bản số 0 cũng khó đạt”, ông Cung bình luận.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
4 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Đình Cung: Cần tháo trần tư duy để cải cách triệt để