Thung lũng Silicon, lâu nay từ lâu được coi là thành trì của những người theo chủ nghĩa tiến bộ, đã bắt đầu chuyển hướng sang phía ông Donald Trump, theo dữ liệu bầu cử mới do trang Insider phân tích.
Tại ba quận thuộc khu vực Vịnh San Francisco, trung tâm của ngành công nghệ Mỹ, có một sự gia tăng đáng kể trong sự ủng hộ dành cho ông Trump ở cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua, đồng thời tỷ lệ ủng hộ Kamala Harris và đảng Dân chủ giảm xuống, theo dữ liệu cử tri tạm thời.
Bang California có thể mất hàng tuần để kiểm hết số phiếu bầu, nên tổng số phiếu cuối cùng chưa được xác định trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, với hơn 95% số phiếu đã được kiểm tại các quận San Francisco, Santa Clara và San Mateo tính đến tuần này, một xu hướng đã xuất hiện.
Tại quận Santa Clara, nơi đặt trụ sở của Apple, Google và Nvidia, 28,1% cử tri đã bỏ phiếu cho ông Trump trong năm nay. Đây là mức tăng so với năm 2020 và cao hơn cả 2016.
Trong khi đó, 68,1% cử tri đã bỏ phiếu cho bà Harris, giảm so với mức 72,6% ủng hộ ông Joe Biden bốn năm trước và 73,1% ủng hộ bà Hillary Clinton năm 2016, theo dữ liệu từ Thư ký bang California.
Tại quận San Mateo, nơi đặt trụ sở Meta Platforms (công ty mẹ Facebook), tỷ lệ phiếu bầu từ 77,9% - 20,2% ủng hộ đảng Dân chủ - Cộng hòa bốn năm trước chuyển sang còn 73,5% - 23,2% trong chu kỳ bầu cử này.
Tại quận San Francisco, tỷ lệ phiếu bầu cho ông Trump tăng từ 9,3% vào 2016 lên 15,5% trong năm nay.
Những con số đó cho thấy ông Trump và đảng Cộng hòa vẫn còn rất xa mới đạt được đa số phiếu bầu ở Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, ngay cả sự thay đổi tương đối nhỏ cũng cho thấy khu vực này và ngành công nghệ đang ngày càng ít gắn bó với đảng Dân chủ hơn. Điều này diễn ra khi một số lãnh đạo ngành công nghệ trở nên thực dụng hơn về mặt chính trị.
Mark Zuckerberg (Giám đốc điều hành Meta Platforms) từng công khai ủng hộ các ứng cử viên đảng Dân chủ, nhưng không làm như vậy trong năm nay. Các nhà đầu tư mạo hiểm quyền lực Marc Andreessen và Ben Horowitz đã tuyên bố ủng hộ ông Trump vào mùa hè này, dù Ben Horowitz cũng tài trợ cho chiến dịch tranh cử của bà Harris.
Dù Elon Musk đang sinh sống tại bang Texas, nhiều công ty của tỷ phú giàu nhất thế giới, gồm cả Tesla, vẫn hoạt động tích cực ở Thung lũng Silicon. Elon Musk đã chi ít nhất 130 triệu USD để hỗ trợ ông Trump tái đắc cử trong năm nay. Không nghi ngờ gì, Giám đốc điều hành Tesla là người ủng hộ nổi bật nhất của Tổng thống đắc cử Trump ở lĩnh vực công nghệ.
Phó Tổng thống đắc cử JD Vance từng làm việc trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và được coi là người kế cận của Peter Thiel, đồng sáng lập PayPal và nhà đầu tư nổi tiếng. Peter Thiel là một trong những tiếng nói bảo thủ có ảnh hưởng nhất của ngành công nghệ.
Một phần sự thay đổi này xuất phát từ lợi ích cá nhân. Ông Trump, với sự ủng hộ của Elon Musk, đã hứa sẽ cắt giảm các quy định, có thể giúp các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon phát triển nhanh hơn.
Việc ủng hộ ông Trump trong cử tri Thung lũng Silicon phản ánh xu hướng ở bang California và quốc gia. Trên toàn quốc, tỷ lệ phiếu bầu của đảng Dân chủ giảm từ 51,3% xuống còn 48,3%, trong khi đảng Cộng hòa tăng từ 46,9% lên 49,9%.
Tại bang California, tỷ lệ phiếu bầu cho đảng Dân chủ giảm từ 63,5% vào 2020 xuống còn 58,6% trong năm nay, theo dữ liệu có sẵn tính đến ngày 26.11 vừa qua.
Một số nhà đầu tư mạo hiểm kỳ vọng Trump với tác động từ Elon Musk sẽ giảm bớt quy định sau khi ông chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, giúp các công nghệ mới phát triển và kinh doanh dễ dàng hơn ở Thung lũng Silicon.
"Điều thú vị nhất là việc đưa Elon Musk phụ trách bộ phận hiệu quả của chính phủ. Ông ấy sẽ sử dụng cưa để phá tan những thứ đã trở nên cứng nhắc và sẽ rất tuyệt vời khi tấn công vào sự lãng phí và lạm quyền từng có trong chính phủ", Ben Narasin, người sáng lập và đối tác chung của công ty đầu tư mạo hiểm Tenacity Venture Capital, chia sẻ với trang Insider về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.
Dù nhiều người ở Thung lũng Silicon không thích ông Trump, không ít nhà đầu tư mạo hiểm và người sáng lập công ty khởi nghiệp khao khát nhiều quyền tự do hơn để theo đuổi các công nghệ mới rủi ro hơn, không bị ràng buộc bởi các quy định. Tóm lại, giới công nghệ đang phấn khích vì điều này.
"Trump-Vance là chính quyền đầu tiên ở Mỹ ủng hộ công nghệ một cách công khai", Augustus Doricko, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập công ty khởi nghiệp Rainmaker chuyên về công nghệ đám mây, cho biết. Augustus Doricko kỳ vọng sẽ có làn sóng đổi mới công nghệ trong thời kỳ ông Trump làm Tổng thống Mỹ.
Trong các cuộc trò chuyện với hơn 12 nhà đầu tư mạo hiểm và giám đốc ở Thung lũng Silicon sau cuộc bầu cử, nhiều người đồng tình với quan điểm này, gồm cả những ai trước đó từng ủng hộ bà Kamala Harris.
"Với nỗ lực lớn nhằm xóa bỏ thủ tục giấy tờ rườm rà không cần thiết và quy định quá mức trong các lĩnh vực quan trọng, chúng ta thực sự có thể tiến tới một thế kỷ xây dựng, đổi mới và tăng tốc điên rồ. Tôi rất phấn khích trước những nỗ lực của Elon Musk ở đây", Aaron Levie, Giám đốc điều hành công ty điện toán đám mây Box và là người ủng hộ bà Harris, đăng trên mạng xã hội X hôm 5.11.
Mark Pincus, nhà đầu tư ban đầu vào Facebook và sáng lập hãng game Zynga, trả lời Aaron Levie trên X: "Chủ nghĩa tăng tốc hiệu quả! E-acc", ám chỉ phong trào gần đây của Thung lũng Silicon muốn những tiến bộ công nghệ trong trí tuệ nhân tạo (AI) diễn ra nhanh nhất có thể, mà không có bất kỳ rào cản nào.
Quy định kìm hãm Thung lũng Silicon những năm gần đây
Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Joe Biden, các nhà đầu tư mạo hiểm đã phàn nàn về việc gặp khó khăn để hoàn thành các thỏa thuận. Chính quyền sắp mãn nhiệm đã thực thi luật chống độc quyền, tạm dừng nhiều vụ M&A (sáp nhập và mua lại) hãng công nghệ mà họ cho là phản cạnh tranh. Điều này đặc biệt gây khó chịu cho các nhà đầu tư mạo hiểm vì họ dựa vào việc bán các công ty khởi nghiệp qua thương vụ M&A để có được nhiều khoản hoàn vốn và lợi nhuận.
Louis Lehot, luật sư công nghệ hàng đầu tại hãng luật Foley & Lardner, nói các hạn chế về M&A trong lĩnh vực công nghệ "khiến tỷ lệ hoàn vốn của đầu tư mạo hiểm giảm mạnh và việc hình thành vốn mới gần như không thể ". Thung lũng Silicon đang mong muốn sự nới lỏng của chính phủ Mỹ ở điểm này "để cho phép các lối thoát và hình thành vốn mới, trong chu kỳ đổi mới", ông nói thêm.
Chẳng hạn, áp lực quy định khiến Google từ bỏ hai thương vụ mua lại tiềm năng năm nay, gồm cả việc mua lại công ty khởi nghiệp về an ninh mạng Wiz, mà tưởng chừng sẽ là một trong những thương vụ lớn nhất của gã khổng lồ công nghệ này.
Trong năm 2024, Mỹ đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền với Microsoft và Nvidia vì sự thống trị của họ ở lĩnh vực AI. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đang điều tra việc Microsoft thâu tóm đội ngũ nhân sự của Inflection AI và Bộ Tư pháp xem xét việc Nvidia mua lại Run:ai (công ty khởi nghiệp AI Israel).
Một số nhà làm luật cho rằng việc cho phép một số công ty tác động đến phần lớn hoạt động nghiên cứu, phát triển và kiếm tiền từ AI sẽ gây ra rủi ro kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đã chỉ trích và cáo buộc Lina Khan (Chủ tịch FTC) vì thường xuyên kiện để ngăn chặn các vụ sáp nhập, có khuynh hướng chống doanh nghiệp và khiến số lượng thương vụ mua bán lại các công ty khởi nghiệp giảm đi.
Các nhà đầu tư cũng chỉ trích những quy tắc không rõ ràng với tiền điện tử dưới thời ông Biden. Nhiều nhà đầu tư mạo hiểm và nhà sáng lập trong lĩnh vực này đã ủng hộ ông Trump cùng các ứng cử viên đảng Cộng hòa khác mà họ cho là có thiện cảm hơn với công nghệ và thị trường tiền điện tử.
Các nhà đầu tư mạo hiểm đang hy vọng ông Trump có thể bãi bỏ một số chính sách chống độc quyền và tiền điện tử dưới thời Biden, dù chưa chắc chắn về cách tiếp cận của chính quyền mới.
Điều đáng chú ý là Phó tổng thống đắc cử JD Vance công khai nói rằng Lina Khan "đang làm khá tốt", ám chỉ đến việc thực thi luật chống độc quyền của bà với các hãng công nghệ lớn. Vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump, các cơ quan quản lý đã tiến hành cuộc điều tra chống độc quyền với một số hãng công nghệ lớn, gồm cả Amazon, và đệ đơn kiện chống độc quyền với Google và Meta Platforms.
"Ở cấp độ cao, chúng tôi kỳ vọng ông Trump sẽ cắt giảm thuế doanh nghiệp và các quy định, hỗ trợ cho hoạt động M&A và đầu tư của những công ty khởi nghiệp. Chúng ta có thể thấy những nỗ lực mua lại mới của các hãng công nghệ lớn khi có một Chủ tịch FTC mới", Mason Angel, đối tác chung tại công ty đầu tư mạo hiểm Industrious Ventures, bình luận.
Ảnh hưởng của Elon Musk cũng có thể làm giảm bớt việc chính phủ Mỹ tham gia vào các thỏa thuận công nghệ, theo các nhà đầu tư mạo hiểm.
"Elon là một thế lực tích cực, phải điều hành nhiều công ty chịu sự quản lý chặt chẽ, nên ông ấy có quan điểm thực tế. Vì đã trải qua điều đó, ông ấy có thể tạo ra sức ảnh hưởng", Ben Narasin nói về thành tựu của Elon Musk khi điều hành Tesla, SpaceX và xAI.
"Ông ấy ủng hộ khởi nghiệp, ủng hộ doanh nghiệp, ủng hộ mọi thứ sẽ giúp ích cho người dân Mỹ. Một nền kinh tế lành mạnh sẽ tốt cho tất cả mọi người", bà cho biết thêm.
Các nhà đầu tư mạo hiểm dự đoán sự bùng nổ đổi mới
Mỹ là đất nước của những doanh nhân và điều này đặc biệt đúng ở Thung lũng Silicon. Một số nhà đầu tư mạo hiểm và người sáng lập công ty cho rằng việc có một doanh nhân như Elon Musk tác động đến chính quyền Trump và có khả năng xóa bỏ các quy định sẽ mang lại sự thịnh vượng cho ngành công nghệ.
Thật vậy, thị trường chứng khoán đã phản ứng rất tích cực với chiến thắng của ông Trump, cuối cùng có thể là lợi thế cho các công ty đầu tư mạo hiểm tìm kiếm nguồn đầu tư.
"Tôi muốn thấy Tổng thống Mỹ có quyền đơn phương loại bỏ hoặc ít nhất là hợp lý hóa các quy định xung quanh các dự án lớn hoặc lĩnh vực kinh tế để có thể xây dựng những thứ mới. Cần phải có một cách nào đó để cắt giảm tất cả thủ tục hành chính vốn đã tích tụ", Ben Thompson, blogger công nghệ, viết sau cuộc bầu cử.
Augustus Doricko, Giám đốc điều hành Rainmaker, nói: "Tôi nghĩ rằng 4 năm tới sẽ tràn ngập các siêu dự án đầy tham vọng và những sáng kiến mang tính tầm nhìn chưa từng có: Các thành phố mới, thuộc địa hóa Mặt trăng và sao Hỏa, điện miễn phí, kiểm soát thời tiết".
Mason Angel dự đoán các ngành công nghiệp đó sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Công ty Industrious Ventures của ông đầu tư vào các lĩnh vực không gian, công nghiệp và quốc phòng.
"Trump đã thành lập Lực lượng Không gian vào năm 2019 và mối quan hệ thân thiết của ông với Elon Musk sẽ thu hút sự chú ý và đầu tư của chính phủ vào lĩnh vực này. Điều tương tự cũng xảy ra với các cơ sở công nghiệp và quốc phòng của Mỹ", Mason Angel nói.
Khi các lĩnh vực khác nhau trong ngành công nghệ phát triển và biến đổi, những nhà đầu tư mạo hiểm lạc quan về ý tưởng có một người cùng ngành giúp định hình các quyết định ở cấp liên bang.
"Elon sẽ là thế lực cực kỳ tích cực sẽ mang đến một chính phủ được thanh lọc, tinh gọn, ủng hộ doanh nghiệp và sẽ có sự thịnh vượng cho mọi người", Ben Narasin nhận định.