Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do trong bài phát biểu ở thị trấn Davos, Thụy Sĩ.

Ông Tập ám chỉ chính quyền Biden nên từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và bắt nạt như thời Trump

Nhân Hoàng | 25/01/2021, 21:30

Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do trong bài phát biểu ở thị trấn Davos, Thụy Sĩ.

Trong bài phát biểu ở sự kiện trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 25.1, Chủ tịch Trung Quốc nói rằng các quốc gia phải từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và nắm lấy "giao tiếp chiến lược" để xây dựng lòng tin.

"Các vấn đề mà thế giới đang đối mặt có mối liên hệ với nhau và phức tạp. Cách thoát khỏi chúng là thông qua việc duy trì chủ nghĩa đa phương và xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại", ông Tập Cận Bình nói qua liên kết video tới các cuộc họp của chương trình nghị sự ở Davos.

Đây là lần thứ hai ông Tập phát biểu trước WEF. Lần đầu tiên vào tháng 1.2017, ba ngày trước khi ông Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ. Khi đó, ông Tập thể hiện mình là người bảo vệ thương mại tự do và toàn cầu hóa, trái ngược với chủ nghĩa biệt lập "Nước Mỹ trên hết" của Trump.

Chủ tịch Trung Quốc đã liệt kê những gì ông coi là bốn nhiệm vụ lớn với thế giới: Đẩy mạnh điều phối chính sách kinh tế vĩ mô; từ bỏ "định kiến ​​tư tưởng" và theo đuổi hợp tác cùng có lợi; thu hẹp khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển; cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm cả COVID-19.

Lần này, trong một thông điệp dường như nhắm vào Mỹ cùng đồng minh của nước này nhưng không nêu tên, ông Tập Cận Bình đã chỉ trích các chính sách thời Trump.

"Xây dựng các vòng kết nối nhỏ hoặc bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, từ chối, bài xích hoặc đe dọa người khác, cố tình áp đặt sự tách rời, gián đoạn nguồn cung cấp hoặc các biện pháp trừng phạt, tạo ra sự cô lập hoặc ghẻ lạnh sẽ chỉ đẩy thế giới vào chia rẽ và thậm chí đối đầu", ông Tập nói trong bài phát biểu khoảng 20 phút của mình.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục con đường cải cách, mở cửa nền kinh tế dựa trên các nguyên tắc thị trường và các tiêu chuẩn quốc tế.

Chúng tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác hơn cho các nước khác, tạo thêm động lực cho sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, Chủ tịch Trung Quốc nói.

Ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi "dỡ bỏ các rào cản với thương mại, đầu tư và trao đổi công nghệ".

ong-tap-noi-chinh-quyen-biden-nen-tu-bo-tu-duy-chien-tranh-lanh.jpg
Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình phát biểu tại các cuộc họp trong chương trình nghị sự ở Davos ngày 25.1.

Số liệu do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển công bố hôm 24.1 cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã tăng 4% lên 163 tỉ USD vào năm 2020. Qua đó, Trung Quốc trở thành nước thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất 2020. Sự gia tăng này diễn ra bất chấp sự sụt giảm tổng thể của FDI toàn cầu, giảm 42% xuống 859 tỉ USD trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và những bất ổn khác. Dòng vốn FDI vào Mỹ giảm 49% xuống còn 134 tỉ USD.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (được ký kết với 15 quốc gia vào tháng 11.2020) và Hiệp định toàn diện về đầu tư với Liên minh châu Âu (tháng 12.2020) đều nhấn mạnh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong thương mại khu vực. "Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư", ông Tập cam kết.

Trong cuộc khảo sát vào tháng 12, Ngân hàng HSBC cho thấy 18% doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự định ưu tiên thương mại với Trung Quốc vào năm 2021, so với 16% tập trung vào Mỹ.

COVID-19 không làm ảnh hưởng đến sức hấp dẫn toàn cầu của Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên hứng chịu một đợt bùng phát COVID-19 lớn cũng là một trong những nước đầu tiên kiềm chế coronavirus, với nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 8% vào năm 2021.

Một lần nữa phản bác lại những lời chỉ trích rằng việc Bắc Kinh xử lý coronavirus ban đầu đã góp phần gây ra đại dịch, ông Tập nhấn mạnh cách Trung Quốc đã hỗ trợ 150 quốc gia, cam kết "đoàn kết và hợp tác chặt chẽ hơn, chia sẻ thông tin nhiều hơn và phản ứng toàn cầu mạnh mẽ hơn".

Không đi sâu vào chi tiết cụ thể, ông Tập Cận Bình dường như cũng đẩy lùi áp lực từ quốc tế về các chính sách của họ đối với Hồng Kông, Tân Cương và Đài Loan. Ông nói: “Sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và hệ thống xã hội không nên là cái cớ cho sự đối kháng hay đối đầu, mà là động cơ thúc đẩy hợp tác. Chúng ta nên tôn trọng và điều chỉnh sự khác biệt, tránh can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và giải quyết các bất đồng thông qua tham vấn và đối thoại".

Được tổ chức thay cho cuộc họp thông thường ở Davos, Thụy Sĩ do dịch bệnh COVID-19 vẫn bùng phát trên toàn cầu, các cuộc họp trực tuyến của WEF bắt đầu vào ngày 24.1. Một loạt phiên họp bắt đầu vào 25.1 với chủ đề "xây dựng lại lòng tin".

Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, kêu gọi thế giới cùng nhau nắm bắt cơ hội để chấm dứt cuộc khủng hoảng COVID-19 và tái thiết nền kinh tế.

Chúng ta phải tạo ra một hệ thống đa phương mới, công bằng... và có tính đến những nhu cầu cần thiết của thế kỷ 21”, Klaus Schwab nói.

Ngoài ông Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo khác như Thủ tướng Angela Merkel (Đức), Yoshihide Suga (Nhật Bản) và Narendra Modi (Ấn Độ) sẽ phát biểu trước diễn đàn, kéo dài đến 29.1. Ông Biden dự kiến ​​sẽ không tham gia, trong khi Tổng thống Vladimir Putin có bài phát biểu vào ngày 27.1.

Kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh trong đại dịch COVID-19 đã vấp phải nhiều chỉ trích dù WEF khẳng định nó sẽ diễn ra an toàn và thành công.

Bài liên quan
Các công ty Trung Quốc nợ nần chồng chất khốn đốn vì bị ông Tập Cận Bình trừng phạt
Các công ty có giành được sự ưu ái từ các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc hay không, sẽ ảnh hưởng đến chuyện thắng thua trong hoạt động kinh doanh ở nước này những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
5 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Tập ám chỉ chính quyền Biden nên từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và bắt nạt như thời Trump