Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh cho toàn dân; mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI…
Thị trường và chính sách

Ông Phạm Nhật Vượng: Phổ cập tiếng Anh toàn dân sẽ có ‘cần câu cơm’ tốt hơn

Lam Thanh 21/09/2024 15:25

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh cho toàn dân; mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI…

Đề xuất phổ cập tiếng Anh toàn dân

Tại hội nghị của Chính phủ với các doanh nghiệp ngày 21.9, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.

“Vingroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa. Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo "cần câu cơm" tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai”, ông Vượng nói.

Ông Vượng cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… Theo đó, cùng với thời gian, chúng ta sẽ tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này. Thực tế, ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác.

vuong-1.jpg
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingorup

Về vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, ông Vượng đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận.

“Nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1 - 2 năm hoặc bán chậm 1 - 2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh”, ông Vượng nêu.

Vingroup cũng đề nghị Chính phủ cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu, quy hoạch chi tiết... Khi đó, sẽ rút ngắn được từ 6 - 9 tháng cho công tác này.

Ngoài ra, cần tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác… Trong nhóm nhà ở xã hội, cũng cần dành riêng khu cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội…

Chú trọng công nghiệp phụ trợ

Đối với công nghiệp phụ trợ, Vingroup đề nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia chuỗi công nghiệp phụ trợ.

“Nếu đẩy mạnh việc này thì chúng ta sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ rất mạnh. Hiện nay chúng ta đã có một số doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất công nghiệp”, ông Vượng nói.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải cho biết hiện nay đang là giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới xanh, sạch.

Tập đoàn Trường Hải cho biết mục tiêu đang theo đuổi là trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các khu vực, đặc biệt khu vực ASEAN…

"Đối với ô tô thì vấn đề xanh, tiện ích đang là xu hướng. Tuy nhiên, nếu chuyển qua hoàn toàn xe điện thì đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian về đầu tư hạ tầng, về an toàn… Hiện nay, gần như các hãng ô tô mà Trường Hải hợp tác thì đều có xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế", ông Dương nói.

vuong-2.jpg
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải phát biểu

Lãnh đạo Tập đoàn Trường Hải mong muốn có các hội thảo để các bên đóng góp đề xuất, ý kiến nhằm thay đổi xu hướng của thị trường các loại xe như xe xanh, ít tiêu hao nhiên liệu, xe có pin có sạc điện…

Về công nghiệp hỗ trợ, ông Dương cho biết đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, vì hiện nay các nước FDI đưa sang Việt Nam lắp ráp và chuyển về rất nhiều, trong số đó, Việt Nam sản xuất từ 35 - 40% các chi tiết linh kiện, phụ tùng…

Trong lĩnh vực về linh kiện ô tô, năm 2024 Trường Hải đã bán cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước lượng hàng đạt 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn. Vì vậy, đại diện Tập đoàn Trường Hải cũng kiến nghị đối với công nghiệp phụ trợ, rất mong Chính phủ xem xét và quan tâm.

Một rừng cơ chế chính sách, doanh nghiệp không biết đi lối nào

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group đề xuất cần thể chế hóa việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo cơ chế giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực thực hiện các dự án trọng điểm mang tính trọng lực phát triển kinh tế - xã hội. Đi kèm với cơ chế lựa chọn này, cũng cần có các cơ chế đặc thù đi kèm.

"Đối với một dự án nếu đưa ra đấu thầu, đấu giá thì mất rất nhiều thời gian, 2 - 3 năm, thậm chí hơn. Tuy nhiên, với một số dự án lớn tạo động lực thì chỉ có một số doanh nghiệp đủ sức thực hiện, cuối cùng thì cũng sẽ chọn chúng tôi mà lại mất rất nhiều thời gian, chi phí, cơ hội và tiền bạc", ông Trường nêu ví dụ.

vuong-3.jpg
Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Sun Group phát biểu

Chủ tịch Tập đoàn Sun Group cũng kiến nghị xem xét áp dụng mô hình thương mại tự do tại các địa bàn tiềm năng du lịch biển đảo như Phú Quốc… nhằm phát triển thu hút đầu tư.

"Các hình thức này phổ biến trên thế giới như đảo Hải Nam (Trung Quốc), đảo Zeju (Hàn Quốc). Mặc dù Phú Quốc là địa danh rất nổi tiếng nhưng công tác truyền thông quảng bá chưa được tương xứng.

Với cơ chế đặc thù theo mô hình kinh tế tự do thì chắc chắn Phú Quốc sẽ trở thành điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng mới của thế giới", ông Trường nói.

Liên quan đến cơ chế dành cho thị trường khách du lịch nước ngoài, ông Trường đề xuất các bộ ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, miễn thị thực ngắn hạn thí điểm cho khách du lịch từ một số thị trường quy mô lớn, chi tiêu cao; cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần cho phân khúc từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ, châu Âu…

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco kiến nghị tăng cường phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án.

"Thủ tướng, các phó thủ tướng động viên chúng tôi rất nhiều, nhưng ở dưới có cả một rừng cơ chế, chính sách, chúng tôi vào không biết đi lối nào, ra lối nào. Tôi đề nghị tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục", ông Tiền nói.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE Group đề xuất Chính phủ nên giao quyền cho tỉnh để cấp chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp bởi tỉnh hiểu rõ về năng lực, uy tín của từng nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ngoài ra, bà Mai Thanh cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành có những chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
một giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Phạm Nhật Vượng: Phổ cập tiếng Anh toàn dân sẽ có ‘cần câu cơm’ tốt hơn