Các chuyên gia nhận định những phản ứng của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden trước một loạt các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên gần đây là “yếu ớt và mơ hồ”.
Theo nhà phân tích Ryo Nakamura của Nikkei, bài học cay đắng từ chính sách "kiên nhẫn chiến lược" sai lầm của Tổng thống Barack Obama, vốn không ngăn được việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, dường như đã bị ông Biden ngó lơ.
Nhà lãnh đạo Mỹ hiện nay dường như đang quá bận tâm đến việc đối phó với các mối đe dọa an ninh do Nga và Trung Quốc gây ra nên chưa thể áp dụng bất kỳ động thái mạnh mẽ nào đối với Bình Nhưỡng kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 1 năm ngoái.
Do đó, nếu Mỹ không thể đứng vững trước các hành động khiêu khích liều lĩnh của Triều Tiên, chính quyền Biden có thể đang lặp lại sai lầm chiến lược tốn kém mà Obama đã phạm phải, vốn không đem lại hiệu quả gì nhiều bởi chương trình hạt nhân Triều Tiên vừa tăng tốc, vừa đạt được bước tiến lịch sử trong thời gian ông ta ở Nhà Trắng.
Vào ngày 29.1 vừa qua, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung, sau 4 năm ngưng phóng. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ ước tính tầm bắn của tên lửa lên tới 4.500km. Điều đó có nghĩa tên lửa có thể vươn tới Nhật Bản và đảo Guam - nơi đặt căn cứ quân sự hàng đầu của Mỹ.
Triều Tiên cũng đã cho bắn thử tên lửa 7 lần trong tháng 1, mở ra khả năng bắn thử thêm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Theo một quan chức Mỹ giấu tên, một cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách cấp cao đã được tổ chức vào nửa cuối tháng 1 để thảo luận về những biện pháp ứng phó có thể xảy ra đối với sự leo thang của các chương trình hạt nhân và tên lửa Bình Nhưỡng. Các quan chức rõ ràng đã thảo luận về những lựa chọn biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự để gia tăng sức ép lên Triều Tiên, nhưng phản ứng của chính quyền Biden đối với 3 vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng sau đó dường như khá “yếu ớt và mơ hồ”.
Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đã đưa ra tuyên bố vào ngày 29.1: "Mỹ lên án những hành động này và kêu gọi CHDCND Triều Tiên kiềm chế các hành động gây bất ổn thêm”. Tuyên bố được cho là không báo hiệu bất kỳ sự răn đe mạnh mẽ hơn từ phía Washington.
Một quan chức Mỹ tiết lộ với Nikkei rằng trong khi các quan chức phụ trách chính sách của Triều Tiên đã nhận ra sự cần thiết phải thay đổi cách tiếp cận, họ lại đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục các nhà hoạch định chính sách cấp cao.
Khi được hỏi về các động thái gần đây của Triều Tiên trong một cuộc họp báo ngày 31.1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh "Triều Tiên đã thực hiện các vụ thử tên lửa hàng chục lần dưới thời chính quyền trước". Bà Psaki cho biết chính quyền Biden sẽ “kiên nhẫn chờ đợi” trong thời điểm hiện tại.
Một số nhà phân tích đồng tình với cách làm của chính quyền Biden. Họ cho rằng việc tăng cường sức ép lên Triều Tiên có thể sẽ khiến Bình Nhưỡng có những hành động khiêu khích, thậm chí còn dẫn đến căng thẳng gia tăng. Sự căng thẳng leo thang do các chương trình vũ khí của Triều Tiên là điều chính quyền Biden không hề mong muốn vào lúc này, vì Washington khó có thể kiềm chế tình hình vốn ngày càng nguy hiểm đối với Ukraine.
Các chuyên gia cho rằng chính phủ Mỹ khó có thể đưa ra bất kỳ phản ứng chính sách mạnh mẽ nào đối với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, trừ khi Bình Nhưỡng bắn một quả tên lửa có khả năng tấn công đất liền Mỹ.
Sự miễn cưỡng của chính quyền Biden trong việc tăng cường các nỗ lực chính sách đối phó với Triều Tiên đã được thể hiện rõ ràng khi họ quyết định không thông qua việc bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman, một lão làng trong vấn đề Triều Tiên. Bà Sherman từng là điều phối viên chính sách của chính quyền Clinton về Triều Tiên và tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Madeleine Albright trong chuyến tới Bình Nhưỡng.
Ban đầu, Washington nghĩ rằng việc để Sherman kiêm nhiệm chức vụ thứ trưởng ngoại giao và đại diện đặc biệt cho Bình Nhưỡng sẽ báo hiệu cam kết của nước này trong việc giải quyết các thách thức an ninh liên quan đến Triều Tiên. Nhưng đề xuất này cuối cùng đã bị loại bỏ do sự phản đối của Ngoại trưởng Antony Blinken, một quan chức Mỹ cho biết.
Ông Blinken lo ngại rằng việc sử dụng một quan chức được bổ nhiệm về mặt chính trị để xử lý các vấn đề liên quan đến Triều Tiên sẽ gửi đi thông điệp sai lầm rằng Washington đang tìm kiếm các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng và sẵn sàng nhượng bộ, như nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước này.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao đã bác bỏ quan điểm trên và cho rằng các biện pháp của chính quyền Biden đang sao chép chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của cựu Tổng thống Barack Obama đối với Triều Tiên.
Về phần mình, các quan chức thân cận của tổng thống luôn khẳng định rằng ông Biden không phớt lờ Triều Tiên, đồng thời chỉ ra rằng họ đã thể hiện rõ rằng họ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Song, chiến lược hiện tại của chính quyền Biden khó có thể mang lại bất kỳ thay đổi tích cực nào từ Triều Tiên, vì nó không cung cấp động cơ khuyến khích Bình Nhưỡng ngừng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.